Bến Tre: Khám phá bờ đê ốc viết hiếm có ở Việt Nam
Hàng năm, vào mùa gió chướng, từ tháng 9 Âm lịch năm trước đến tháng 3 Âm lịch năm sau, bờ biển cồn Chày Mười, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre được phủ kín bởi hàng triệu con ốc viết.
Mùa gió chướng mỗi năm là thời điểm hàng triệu vỏ ốc được sóng biển xô bờ
Ông Huỳnh Văn Dũng, một ngư dân gắn bó gần cả đời mình với biển, bảo rằng, hiện tượng kỳ lạ này xuất hiện từ vài chục năm qua, từ thuở những cư dân đầu tiên đặt chân đến nơi này. “Bình thường không phát hiện chúng sống ở gần bờ, nhưng đến mùa thì nhiều vô số kể, có thể chúng vượt hành trình hàng hải lý mới đến được đây. Ốc dài, có đầu nhọn tựa cây viết nên dân địa phương gọi là ốc viết” - ông Dũng nói.
Những con ốc với nhiều màu sắc khác nhau, từ trắng đục đến màu nâu, đỏ vàng, từ to bằng ngón chân, dài 7-8cm đến bé li ti như đầu chân nhang, sau một hành trình dài rã rời, chúng bị mắc kẹt lại bờ biển, phơi mình dưới nắng rồi chết đi, xác trải dài suốt 7km bờ biển xã Thới Thuận. Lúc bình minh và khi chiều sắp tắt nắng, những chiếc vỏ chấp chới theo từng con sóng, ánh lên lấp lánh như thủy tinh. Những con ốc khác may mắn hơn, bị sóng cuốn trôi dạt vào các vịnh nước nhỏ, ẩn mình dưới bóng mát của hàng dương, hàng đước chắn sóng. Và đấy là thời điểm những ngư dân địa phương canh thủy triều giữa khuya rút, dùng đèn pin soi bắt ốc.
“Ốc còn sống nằm lẫn với vỏ ốc, điểm phân biệt duy nhất là ốc sống nằm dựng đứng vỏ. Mỗi đêm chúng tôi bắt khoảng chục kilôgam, mỗi kilôgam giá từ 6.000-12.000 đồng, cũng đủ trang trải cho một ngày” - anh Nguyễn Văn Minh, một ngư dân sống bằng nghề bắt ốc, chia sẻ.
Bãi biển phù sa trải dài gần 30km ở Bình Đại ngoài hơn 3.000ha sân nghêu, hàng trăm nhà dân cùng những chòi canh nghêu tạm bợ đúng nghĩa là nơi hoang sơ bởi chưa có hoạt động du lịch. Một ngày ở nơi này bắt đầu với tiếng kêu gần như vô thanh của những con nhạn biển bé xíu trước sóng biển vỗ ầm ầm mùa gió chướng.
Trong ánh bình minh, những con ốc viết lung linh, lấp lánh như thủy tinh
Bầy nhạn dùng chiếc mỏ mảnh khảnh mổ những con bọ biển hay phiêu sinh nấp dưới đám vỏ, rồi chợt liệng cánh ra biển khi phát hiện tốp xe máy của nhóm ngư dân đang vào khu vực hợp tác xã cào nghêu. Thỉnh thoảng, những chiếc xe của ngư dân phải dừng lại vì thủng ruột do đuôi nhọn của vỏ ốc găm vào nhưng sự phiền toái này có nghĩa lý gì so với những lợi ích mà đám vỏ ốc mang lại.
Theo từng đợt sóng, gió, vỏ ốc bị dạt vào bờ hơn chục mét, nằm dưới chân đê biển, phía sau là hàng dương và rừng đước. Ngày này qua ngày khác, năm này đến năm sau, hàng triệu mảnh vỏ xếp chồng lên nhau. Gió như người thợ xây mang cát bồi lấp và cùng với rễ dây hoa muống biển đan vào, tạo thành lớp thành trì bảo vệ đầu tiên. Nằm dọc bờ biển ở cồn Chày Mười, con đê ốc viết thực chất là một đê chắn sóng được tạo thành bởi hàng triệu con ốc viết. Chúng nằm xếp chồng ngang dọc lên nhau và trải dài theo bờ biển tạo nên một cảnh tượng độc đáo - có thể xem là kỳ quan của thiên nhiên mà có lẽ ít nơi nào có được.
Bờ đê ốc viết độc đáo này hiện được xem là độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Đối với du khách, đây là điểm tham quan thú vị. Còn với người dân vùng biển nơi đây, bờ đê còn mang một ý nghĩa đặc biệt. Họ thường gọi là món quà từ biển dành cho người dân xứ dừa. Người dân ví những con ốc viết như là lộc trời ban. Bởi khi còn sống, ốc viết tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể, còn khi chết, sóng đánh dạt vào bờ tạo thành đê chắn sóng, bảo vệ đất đai, hoa màu giúp người dân yên tâm sản xuất. Điều đặc biệt là bờ đê ốc viết này do sóng biển tạo thành nhưng rất đều và thẳng tắp, như có bàn tay ai đó sắp đặt.
Ốc viết như món quà từ biển dành tặng cho người dân xứ dừa
Theo những người dân nơi đây, sở dĩ ốc viết được mọi người ưa thích vì hương vị thơm, béo, ngọt, giòn. Ốc viết có 2 cách chế biến: Luộc sả chấm muối tiêu chanh và hầm dừa, trong đó món ốc viết luộc sả là món ăn “dã chiến” dễ làm và nhanh nhất.
Thời điểm thích hợp nhất để đến tham quan bờ đê ốc viết là khi con nước lên. Người miền Tây còn gọi là con nước lớn. Lúc này phải dùng ghe nhỏ chạy dọc theo kênh Yên Hào để đến cồn Chày Mười. Sau đó đi bộ xuyên qua rừng đước và những rẫy dưa hấu là tới nơi. Nhưng du khách có thể phải ngồi đợi một lúc đến khi nước cạn dần thì mới tiếp tục đi bằng xe gắn máy chạy dọc con đường mòn bằng cát khá lầy lội dài vài kilômét dọc bờ biển thì bờ đê độc đáo mới hiện dần trước mắt. Hành trình khám phá bờ đê ốc viết không hề dễ dàng nhưng sẽ rất đáng để du khách bỏ công tìm đến. Đây là khung cảnh kỳ thú của tự nhiên giữa vùng biển hoang sơ với không khí trong lành và sự nhiệt tình của người dân địa phương hiếu khách sẽ đáp lại sự chịu khó và dấn thân của du khách.
Hành trình đến với cồn Chày Mười sẽ là một chuyến đi khó quên với bất kỳ du khách nào. Đến đây, du khách sẽ vô cùng ấn tượng với cảnh vật, tình người và những sản vật mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này./.
Thanh Nga