Bình Thuận đưa du lịch thành ngành có thương hiệu trong khu vực
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận
Tỉnh Bình Thuận tập trung phát triển đồng bộ công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh du lịch, đưa ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, có thương hiệu trong khu vực.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.
Thông báo nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh đã quyết tâm rất cao khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. GRDP của tỉnh năm 2019 tăng 10,45% hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tập trung xây dựng nông thôn mới, khu du lịch chất lượng cao.
Năm 2020, Tỉnh phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, không thay đổi chỉ tiêu thu ngân sách trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt, nắng hạn gay gắt, nhưng 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát triển tích cực (GRDP của tỉnh năm 2019 đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố, thì 6 tháng đầu năm, đã vươn lên đứng thứ 18).
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ, tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tỉnh còn phải chịu ảnh hưởng lớn về hạn hán triều cường, xâm thực bờ biển, hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ, trồng lấn quy hoạch titan với quy hoạch khác là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch, tiêu thụ sản phẩm, xuất, nhập khẩu gặp nhiều trở ngại ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai khoáng sản, môi trường, trật tự xây dựng còn lỏng lẻo kiểm tra, xử lý chưa kịp thời, chưa kiên quyết các hành vi phi pháp khai thác quặng trái phép. Cải cách hành chính các chỉ số xếp hạng đều tụt so với năm 2018 (Par-Index năm 2019 xếp thứ 47/63 với giảm 5 bậc so với 2018 xếp 42/63;...An ninh chính trị đã được lập lại một cách căn bản nhưng vẫn còn nhiều tiềm ẩn, yếu tố phức tạp, khó lường.
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, đoàn kết, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá để xây dựng Tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Thực hiên hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, số 01, 02 của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, đặc biệt rà lại các chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015 – 2020 để phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020, khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của Tỉnh.
Cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Thuận tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập trung chống hạn, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, bảo vệ mùa màng, cây ăn quả.
Tiếp tục thực hiện phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống. Tiếp tục chỉ đạo ngành y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa, chất, vật tư chuyên dụng, trang bị phòng hộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Nhất là tình hình hiện nay dịch COVID-19 đang bùng phát.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020, thúc đẩy xử lý 03 dự án ODA còn nhiều bất cập trong một số cơ chế về giải phóng mặt bằng. Phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Có chế tài xử lý những trường hợp cá nhân, bộ phận thiếu trách nhiệm, không làm tròn nhiệm vụ.
Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch để không bị chồng lấn, lãng phí, Tỉnh cần tập trung giải quyết mâu thuẫn quan trọng này không để triệt phá lẫn nhau nhất là mâu thuẫn giữa lĩnh vực khoáng sản và du lịch. Chuẩn bị xây dựng quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai thực hiện tốt quy hoạch sau khi được phê duyệt.
Tỉnh Bình Thuận tập trung phát triển đồng bộ công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh du lịch, đưa ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, có thương hiệu trong khu vực. Tập trung phát triển doanh nghiệp; tăng cường quản lý hiệu quả tài nguyên, đất đai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tỉnh cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xây dựng chính quyền, xã hội số, thương mại điện tử, cải cách thủ tục hành chính phát triển kinh tế số, khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử, sử dụng điện thoại thông minh trong thanh toán, giao dịch theo thực hiện số hóa của Chính phủ.