Ưu thế mới của kinh tế đêm Hạ Long
Một góc chợ đêm tại Đại lộ Hạ Long Marine, Hùng Thắng, TP Hạ Long, tổ chức năm 2018.
Do nhiều nguyên nhân, thế mạnh du lịch, dịch vụ đêm của Hạ Long dù đã được triển khai, nhưng đến nay chưa phát huy tương xứng tiềm năng. Tuy nhiên trong giai đoạn 5 năm tới đây, kinh tế đêm sẽ là một nội dung chủ đạo trong mục tiêu phát triển của TP Hạ Long, được kỳ vọng khởi sắc.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long: Lợi thế rất lớn của Hạ Long để phát triển kinh tế đêm chính là số lượng, đối tượng khách và doanh thu từ khách du lịch tại Hạ Long tăng ở cấp số nhân theo mỗi năm, hiện đạt con số lớn so với các trọng điểm du lịch của cả nước.
Chỉ tính trong 5 năm gần đây, lượng khách đến Hạ Long dao động từ 6 - trên 10 triệu lượt người, năm 2018 là 9,8 triệu lượt, năm 2019 là 11,9 triệu lượt, trong đó khách nước ngoài chiếm 30-35%. Khách nước ngoài chủ yếu là châu Âu..., khách nội địa chủ yếu đến từ các đô thị trong cả nước.
Có thể thấy khách du lịch đến Hạ Long là khách hạng sang, có mức thu nhập và khả năng chi trả cao, có nhu cầu hưởng thụ, khám phá, tiêu dùng các dịch vụ tại chỗ. Điều này đã mang về cho Hạ Long doanh thu từ khách du lịch tăng cao trong những năm gần đây: Năm 2015 chỉ đạt gần 4.900 tỷ đồng, đến năm 2019 tăng lên 23.800 tỷ, gấp gần 5 lần.
Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, những thông số trên của Hạ Long hoàn toàn có thể tăng ở cấp số nhân nếu như tính trên cơ sở các hoạt động du lịch, dịch vụ cả ngày và đêm, chứ không chỉ có mỗi ban ngày như hiện nay.
Ven sông Trới sẽ là tuyến đường dạo lý tưởng trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của TP Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương
Đáp ứng mục tiêu phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch ban đêm, TP Hạ Long đã xây dựng kế hoạch tổng thể, trong đó có rất nhiều nét mới để tăng tính hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của du khách.
Theo đó các dịch vụ văn hóa, thể thao, vận tải, du lịch sẽ được làm mới, tăng cường hơn; trọng tâm là cho phép phát triển các vũ trường, karaoke, chiếu phim, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, bar, casino… ở những vị trí phù hợp, tránh ảnh hưởng đến dân cư.
Thành phố đẩy mạnh các sản phẩm du lịch tham quan quanh thành phố, kéo theo đó là mạng lưới xe buýt, xe điện, cáp treo sẽ được khuyến khích mở rộng, kéo dài thời gian hoạt động về đêm. Các tàu du lịch cũng được khuyến khích đưa ra những sản phẩm du lịch đón, ngắm hoàng hôn, bình minh trên Vịnh Hạ Long; một số vị trí ven bờ Vịnh được phép tổ chức tiệc tùng…
Riêng các trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng tiện ích, nhà hàng… sẽ hoạt động đến hết giờ cao điểm ban đêm để phục vụ ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe… cho du khách.
Một trong những điểm mới mà trong chiến lược phát triển kinh tế đêm TP Hạ Long đưa ra là đề xuất mở 12 tuyến phố đi bộ và 12 quảng trường mở, trong đó có nhiều tuyến phố và quảng trường được đầu tư tốt để mang nét khác biệt.
Bên cạnh các tuyến phố đi bộ bám Vịnh Hạ Long, còn có các tuyến phố đi bộ tại khu du lịch Sunworld, Tuần Châu, làng hoa Đồng Chè, ven sông Trới… Quảng trường mở được đầu tư theo tính chất là quảng trường văn hóa, lễ hội, dịch vụ, du lịch, thương mại và giao thông; như Quảng trường Carnaval, Quảng trường Âu thuyền Tuần Châu, Quảng trường làng hoa Đồng Chè, Quảng trường giao thông Cột Đồng hồ, Quảng trường thể thao tại Đại Yên…
Làng hoa Đồng Chè (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) sẽ được xây dựng tuyến phố đi bộ và quảng trường hoa. Ảnh: Thanh Tùng
Theo ông Hoàng Việt Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế TP Hạ Long: 12 tuyến phố đi bộ và 12 quảng trường mở nói trên đều có lợi thế về hạ tầng có sẵn, chỉ là làm mới, làm giàu thêm các hoạt động để tạo tính hấp dẫn. Đây sẽ là điểm nhấn chính, góp phần mang lại thành công cho kinh tế đêm Hạ Long.
Với những ý tưởng, chiến lược đầu tư, khai thác như trên, kinh tế đêm của Hạ Long kỳ vọng sẽ tạo nên bước nhảy trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, xứng tầm đô thị trung tâm, vùng trọng điểm du lịch của tỉnh.
Việt Hoa