Hoạt động của ngành

Du lịch Ninh Thuận: Định hình bằng bản sắc văn hóa

Cập nhật: 14/08/2020 11:00:10
Số lần đọc: 799
Ninh Thuận - vùng đất xinh đẹp ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Ninh Thuận còn được biết tới bởi tài nguyên văn hóa đặc sắc nổi trội với nền văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Đây chính là thế mạnh để Ninh Thuận định hình các sản phẩm du lịch đặc trưng và phát triển theo hướng bền vững.

Nghệ nhân nghề gốm Bàu Trúc.
“Kho báu” văn hóa độc đáo
 
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 34 dân tộc anh em cùng chung sống, ngoài người Kinh còn có dân tộc Chăm, Raglai, Cơ Ho, Churu... tạo nên sự đa dạng văn hóa. Theo ông Hồ Sĩ Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, tỉnh hiện có 59 di sản văn hóa đã được xếp hạng, trong đó nổi bật là 2 di tích quốc gia đặc biệt (tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai); 15 di sản quốc gia trong đó có 12 di tích, 3 lễ hội và nghề truyền thống. Hiện nay, 5 di sản văn hóa là tháp Po Klong Garai, tháp Hòa Lai, lễ hội Katê, làng gốm Bàu Trúc và làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp đang được các doanh nghiệp lữ hành khai thác du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.
 
Đến với làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước), du khách có dịp tìm hiểu kỹ năng nghề truyền thống độc đáo. Người Chăm ở đây theo chế độ mẫu hệ, do đó, người phụ nữ nắm giữ bí quyết nghề và đảm nhận những công đoạn quan trọng nhất. Cùng với nghề truyền thống, tín ngưỡng thờ cúng của người Chăm ở Bàu Trúc cũng góp phần nhận diện văn hóa Chămpa với những nét độc đáo, hấp dẫn.
 
Cũng nằm trên địa bàn thị trấn Phước Dân, làng dệt Mỹ Nghiệp được xem là làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Trải qua hơn 10 thế kỷ, người dân nơi đây vẫn giữ quy trình dệt vải thủ công truyền thống cùng bí quyết phối, nhuộm màu độc đáo. Du khách Huỳnh Công Thắng (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tri thức dệt thổ cẩm của người Chăm ở làng Mỹ Nghiệp cho thấy những nét tinh tế, độc đáo của văn hóa Chămpa. Đây là điểm tham quan thú vị dành cho các du khách ưa thích tìm hiểu văn hóa”.     
 
Ninh Thuận còn hấp dẫn du khách bởi những lễ hội đặc sắc, thu hút hàng vạn lượt người tham gia mỗi năm như lễ hội Katê, lễ hội Ramưwan của người Chăm, lễ hội Cầu ngư của người Kinh... Đáng chú ý là những năm qua, Ninh Thuận đã khôi phục thành công một số làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc, góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
 
Phát triển bền vững dựa vào cộng đồng
 
Nói về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tại tỉnh Ninh Thuận, ông Hồ Sĩ Sơn cho biết: Những năm qua, Ninh Thuận đã đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án sưu tầm văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc Chăm, Raglai; tổng kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh...
 
Bên cạnh đó, việc bảo tồn các làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng được triển khai tại làng sinh thái thôn Hành Rạc I (dân tộc Raglai); làng sinh thái văn hóa thôn Bố Lang (dân tộc Churu); khu vực hồ sinh thái Đa Mây - Vườn quốc gia Phước Bình. Một số nghề truyền thống được khôi phục, bảo tồn để phục vụ du lịch như: Nghề dệt chiếu cói An Thạnh, nghề làm nỏ, gùi, đàn Chapi ở xã Phước Kháng (huyện Bác Ái)... đã thu hút du khách, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gia tăng thu nhập cho người dân. Điển hình là doanh thu bình quân của các làng nghề truyền thống nổi tiếng hiện đạt từ 5 tỷ đến 15 tỷ đồng/ năm.
 
Đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh Ninh Thuận, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO cho rằng, Ninh Thuận cần chú trọng hơn đến tính bền vững, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch; để người dân trực tiếp trình diễn nghề hoặc hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm một vài quy trình tại các làng nghề truyền thống... Bên cạnh đó, việc kết nối tour, tuyến với các doanh nghiệp lữ hành và các địa phương lân cận sẽ tạo nên sự đa dạng văn hóa và các loại hình trải nghiệm để thu hút khách. Đó là cách để Ninh Thuận định hình những sản phẩm du lịch đặc thù, có tính cạnh tranh cao nhằm bứt phá trong thời gian tới...
Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục