Hoạt động của ngành

Đồng Văn xứng tầm “hạt nhân” du lịch của tỉnh

Cập nhật: 14/08/2020 09:13:54
Số lần đọc: 768
Năm năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Đồng Văn có bước phát triển đột phá, xứng tầm là “hạt nhân” du lịch của tỉnh.


Người dân Đồng Văn chế tác sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch.

Từ đầu nhiệm kỳ, du lịch đã được huyện lựa chọn là một trong những khâu đột phá. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch theo hướng bền vững trên cơ sở phát huy giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học của vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu gắn với văn hóa truyền thống các dân tộc. Tận dụng lợi thế, phát huy, khai thác hiệu quả các điểm du lịch như: Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Cột cờ Quốc gia Lũng Cú... Đồng thời, huyện đã quan tâm đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch. Đến nay, đã đưa vào sử dụng 265 cơ sở lưu trú, 20 nhà khách, 30 nhà nghỉ, 294 homestay, 72 cơ sở ăn uống dịch vụ. Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn được xây dựng, trở thành điểm thu hút du khách đến tham quan; hang Mây Tả Lủng, Khu tâm linh xã Lũng Cú, Làng Văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm, thôn Lô Lô Chải,... cũng là những “địa chỉ đỏ” cho hành trình chinh phục Cao nguyên đá Đồng Văn. Bên cạnh đó, các hoạt động lưu giữ văn hóa truyền thống được huyện hết sức chú trọng: Triển khai các HTX thêu, dệt, nhuộm vải lanh truyền thống, gia công sản phẩm du lịch xã Sà Phìn.

Một trong những dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến sự kiện Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục được tái công nhận thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Nhờ đó, các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đồng Văn được đẩy mạnh. Giai đoạn 2016-2020, tổng lượng khách đến tham quan đạt 1.792 nghìn lượt, vượt 402% so với giai đoạn 2011-2015. Từ việc phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân; du lịch từng bước trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của huyện.

Thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua là hành trang quan trọng trong lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ huyện cho những năm tiếp theo. Trong đó, huyện đặt ra nhiệm vụ trọng tâm về du lịch: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa, du lịch, bảo vệ môi trường; quản lý nghiêm hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích, phát huy giá trị văn hóa, giá trị địa chất, di tích, danh lam thắng cảnh vùng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn; tập trung đầu tư, nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng có sẵn, khuyến khích người dân xây dựng nhà lưu trú mang bản sắc truyền thống; nâng cao chất lượng phục vụ của các loại hình dịch vụ; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chú trọng gìn giữ, duy trì các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Gầu tào, Hội xuân khèn Mông, Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo xã Phố Là, Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú, Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Hoa Tam giác mạc... Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, các mặt hàng nông nghiệp theo chuỗi giá trị như: Mật ong Bạc hà, thịt bò vàng, thịt lợn đen, chè Lũng Phìn,… thành những sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu phục vụ phát triển du lịch. Phấn đấu thu hút khách du lịch cả nhiệm kỳ đạt 2,5 triệu lượt và thể hiện rõ vai trò “hạt nhân” du lịch của tỉnh./.

 

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục