Bình Thuận: Thu hút gần 70 nghìn tỷ đồng đầu tư vào du lịch
Khu du lịch Mũi Né thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. (Ảnh: Báo Bình Thuận)
Được biết, hiện tỉnh Bình Thuận đã có 187 dự án đã đi vào hoạt động. Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, địa phương này bắt đầu đón nhận những dòng đầu tư mới từ các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm trên lĩnh vực du lịch. Đó là các Tập đoàn FLC, Novaland, TMS, TTC... với tổng vốn đăng ký của mỗi dự án trên 10.000 tỷ đồng, quy mô từ 500 ha trở lên.
Với lợi thế thiên nhiên, ngay từ rất sớm tỉnh Bình Thuận đã định hướng thúc đẩy du lịch phát triển xứng tầm và cụ thể hóa bằng nghị quyết phù hợp từng giai đoạn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch đến năm 2020 với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận.
Quan điểm của địa phương là phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm trọng điểm và chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng lẫn hiệu quả, khẳng định thương hiệu cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh…
Để tận dụng lợi thế hướng tới đưa du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển du lịch thì địa phương này còn tập trung cơ cấu lại ngành, đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường xúc tiến quảng bá… Cùng với đó, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các đối tượng du khách.
Du lịch Bình Thuận được xem là ngành kinh tế tổng hợp để tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, thời tiết nắng ráo quanh năm, nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát…
Đến tháng 10/2020, toàn tỉnh Bình Thuận có 576 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số hơn 16.330 phòng, hiện đã xếp hạng 91 cơ sở. Gồm 3 cơ sở tiêu chuẩn 5 sao, 28 cơ sở tiêu chuẩn 4 sao, 17 cơ sở xếp hạng 3 sao, 17 cơ sở tiêu chuẩn 2 sao và 16 cơ sở tiêu chuẩn 1 sao, còn lại có loại hình khách sạn với 177 cơ sở, 217 nhà nghỉ, gần 560 căn hộ và 315 biệt thự cho thuê du lịch...
Hiện nơi đây cũng có 60 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 23 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 30 chi nhánh văn phòng đại diện, văn phòng du lịch.
Vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chính thức ban hành quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né, đây thực sự là động lực mới để du lịch Bình Thuận vươn lên xứng tầm khu du lịch quốc gia với mục tiêu đón 9 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế), đạt tổng doanh thu 24.000 tỷ đồng vào năm 2025. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né tiếp tục hướng tới cột mốc đón 14 triệu lượt khách (có 2,5 triệu lượt khách quốc tế) và đạt doanh thu từ du khách khoảng 50.000 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển khu du lịch Phú Quý đến năm 2030 với định hướng trở thành khu du lịch cấp tỉnh, là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển - đảo độc đáo. Mới đây, Phú Quý cũng chính thức được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh của Bình Thuận và theo quy hoạch phát triển trong 10 năm tới, huyện đảo phấn đấu đón 74.000 lượt khách (có khoảng 6.000 lượt khách quốc tế), đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và giúp giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động…/