Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch cần phát huy lợi thế cạnh tranh, tập trung yếu tố chất lượng trong phát triển du lịch
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi báo cáo (ảnh: Báo VH)
Là đơn vị được lãnh đạo Bộ VHTTDL giao thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục Du lịch đã nghiêm túc tổ chức đấu thầu và lựa chọn ra đơn vị tư vấn lập Quy hoạch hệ thống du lịch theo đúng các quy định hiện hành của Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan. Trong quá trình triển khai, Tổng cục Du lịch đã thường xuyên theo dõi, giám sát và đôn đốc nhà thầu thực hiện gói thầu “Tư vấn lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tổng cục Du lịch đã đề nghị các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin, số liệu, dữ liệu phục vụ công tác lập Quy hoạch và đã tiếp nhận, bàn giao cho đơn vị tư vấn các thông tin từ 63/63 địa phương để nghiên cứu. Đồng thời tổ chức các đoàn khảo sát, thường xuyên làm việc, trao đổi thông tin, rà soát các nội dung chuyên môn với đơn vị Tư vấn; báo cáo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nghe và có ý kiến chỉ đạo đối với dự thảo Quy hoạch; tổ chức 2 Hội thảo tại Hà Nội và TP.HCM xin ý kiến các Bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia đối với dự thảo Quy hoạch.
Tại buổi báo cáo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Đến nay, dự thảo báo cáo Quy hoạch đã được chỉnh sửa, tiếp thu, hoàn thiện theo các ý kiến góp ý, cơ bản đã đảm bảo các nội dung chuyên môn để báo cáo Bộ trưởng trước khi gửi xin ý kiến các tỉnh/thành trực thuộc trung ương và các Bộ, ngành liên quan”.
Sau buổi báo cáo hôm nay, dự thảo Quy hoạch sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trình Lãnh đạo Bộ văn bản gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đối với Quy hoạch. Dự kiến đến tháng 10/2022 sẽ tiếp nhận, tập hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương; tháng 11/2022, tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ ngành, địa phương, hoàn thiện Báo cáo và toàn bộ hồ sơ Quy hoạch. Cuối tháng 11/2022 sẽ báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại buổi báo cáo (ảnh: Báo VH)
Tại buổi báo cáo, đại diện liên danh tư vấn lập Quy hoạch đã trình bày tóm tắt nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Quy hoạch được lập bám sát theo Quyết định 933/QĐ-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch; phù hợp và căn cứ vào Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020.
Quy hoạch cũng đã bám sát các nội dung dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch Không gian biển quốc gia cũng như các Quy hoạch tỉnh/ thành phố đang triển khai, đồng thời lập trong thời điểm hiện tại để đảm bảo tính phù hợp; tích hợp được các nội dung liên ngành, các đề xuất của các địa phương.
Quy hoạch 6 khu vực động lực phát triển du lịch và 4 dòng sản phẩm chủ đạo
Về quan điểm phát triển, Quy hoạch đưa ra 6 quan điểm chính gồm có: (1) Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. (2) Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. (3) Phát triển du lịch quốc tế đồng thời với khai thác có hiệu quả du lịch nội địa. (4) Phát huy tiềm năng, lợi thế quốc gia, chú trọng phát triển du lịch gắn với không gian biển, bảo tồn và phát huy và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc; gắn kết chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực; nâng cao hiệu quả liên kết giữa các vùng, địa phương và với quốc tế. (5) Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ. (6) Phát triển du lịch bền vững, sáng tạo; ứng phó linh hoạt và hiệu quả với rủi ro, biến đổi khí hậu; phát huy yếu tố con người Việt Nam; đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi báo cáo (ảnh: Báo VH)
Về định hướng tổ chức không gian, sẽ có 6 vùng gồm có vùng Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long. Quy hoạch đề xuất 6 khu vực động lực phát triển du lịch; 3 hành lang du lịch; phát triển du lịch không gian biển theo 4 vùng; 71 địa bàn phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Về sản phẩm du lịch, Quy hoạch xác định 4 dòng sản phẩm chủ đạo trên cơ sở khai thác thế mạnh, tạo thành thương hiệu quốc gia. Trong đó có: Du lịch biển, đảo (nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch tàu biển, phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp; từng bước phát triển ra các vùng biển, đảo xa); Du lịch văn hoá (di sản, lễ hội, tham quan, tìm hiểu văn hoá, lối sống, ẩm thực…, đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên công nghiệp văn hoá); Du lịch sinh thái (phát huy giá trị nổi bật của Vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng ngập mặn, miệt vườn, hang động, sông hồ… gắn kết với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ cao cấp, sinh thái nông nghiệp…); Du lịch đô thị (văn hoá, lối sống, sự kiện, mua sắm, công viên chuyên đề… chú trọng phát triển kinh tế ban đêm). Ngoài ra, Quy hoạch cũng đề xuất các sản phẩm du lịch bổ trợ dựa trên thế mạnh các vùng, miền, địa phương như du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ, du lịch nông nghiệp-nông thôn, du lịch thể thao, du lịch công nghiệp….
Mục tiêu đến năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn; trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển cao. Đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển xanh; Việt Nam trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu. Tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định vai trò động lực kinh tế của du lịch Việt Nam; trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Toàn cảnh (ảnh: Báo VH)
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá, tiến độ lập quy hoạch đến nay đảm bảo theo dự kiến và trải qua nhiều bước quan trọng, dự kiến hoàn thành đúng kế hoạch và được phê duyệt vào cuối năm 2022. Tổng cục Du lịch và đơn vị tư vấn đã tổ chức các hội thảo, mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các địa phương, Sở quản lý du lịch và doanh nghiệp du lịch góp ý, thu được nhiều ý kiến xác đáng, hợp lý, đơn vị tư vấn cũng đã tiếp thu.
Thứ trưởng cho rằng, cần tính lại việc xác định khu vực động lực trong Quy hoạch, quan tâm phát triển các khu du lịch quốc gia để tạo thành động lực, đòn bẩy kinh tế du lịch ở địa phương. Thứ trưởng cũng đề nghị làm rõ nội hàm của các dòng sản phẩm chủ đạo, không gian du lịch, từ đó thấy được sự đa dạng, sự gắn kết giữa các vùng miền trong phát triển, liên kết du lịch và phù hợp với các quy hoạch khác. Công tác thống kê du lịch cũng cần được đề cập rõ hơn trong Quy hoạch để thống nhất tiêu chí thống kê giữa thống kê nhà nước và thống kê của ngành du lịch.
Phát huy lợi thế cạnh tranh, tập trung yếu tố chất lượng trong phát triển du lịch
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, về cơ bản tiến độ lập Quy hoạch được đảm bảo, dự thảo Quy hoạch đạt yêu cầu đề ra, Tổng cục Du lịch và đơn vị tư vấn đã nghiêm túc thực hiện lập quy hoạch, tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình trong công tác lập quy hoạch.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Du lịch và đơn vị tư vấn làm rõ lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam, phân tích dự báo, xu hướng phát triển, các phương án, mục tiêu phát triển, nghiên cứu sâu hơn về vai trò liên kết trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, việc đề xuất các báo cáo, căn cứ lập Quy hoạch, thể chế hoá các mục tiêu của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng…
Quy hoạch cũng cần bổ sung phạm vi nghiên cứu, có liên hệ so sánh tương quan trong khu vực và các quốc gia lân cận. Đánh giá kỹ hơn về tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông. Đặc biệt cần đề cao, phát huy yếu tố con người làm nền tảng để phát triển du lịch. Quy hoạch cần làm rõ thêm du lịch có đóng góp như thế nào cho nền kinh tế đất nước. Giai đoạn phát triển tới phải nhấn mạnh yếu tố chất lượng, thu hút các thị trường khách cao cấp, lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cần làm rõ vai trò của 2 cực tăng trưởng, trung tâm du lịch, kinh tế - chính trị, xã hội, tài chính lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM trong phát triển du lịch giai đoạn tới. Đồng thời, chỉ ra những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để Bộ VHTTDL đề xuất với Quốc hội, báo cáo Chính phủ để sửa luật, có cơ chế chính sách đồng bộ, ưu tiên để phát triển du lịch.
Trung tâm Thông tin du lịch