Hoạt động của ngành

Quy hoạch hệ thống du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích, danh thắng

Cập nhật: 30/08/2022 15:43:00
Số lần đọc: 1207
(TITC) - Chiều 29/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo xin ý kiến về nội dung các lĩnh vực liên quan tới các nội dung về Bảo tồn di sản, di tích, thắng cảnh cần tích hợp vào quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: TITC
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, bản dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang đi tới giai đoạn hoàn thiện. Buổi hội thảo này ngoài tiếp thu những ý kiến cho nhiệm vụ quy hoạch hệ thống du lịch, những nội dung chuyên sâu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích, danh lam thắng cảnh cần có sự tham gia của các bên, đặc biệt là vai trò của chuyên gia trong các lĩnh vực nhằm góp phần hoàn chỉnh và nâng cao tính khả thi của hệ thống quy hoạch.
 
Phó Tổng cục trưởng nhận định, ngoài yếu tố môi trường, các di tích, di sản và danh lam thắng cảnh được coi là yếu tố góp phần phát triển bền vững du lịch. Để quy hoạch tốt hệ thống du lịch, có khả thi, bền vững cần tích hợp yếu tố bảo tồn di tích, di sản và danh lam thắng cảnh, hướng tới việc phát huy tối đa giá trị của các di tích. Phó Tổng cục trưởng đề nghị các chuyên gia cùng đóng góp ý kiến, đề xuất nhằm hoàn thiện hơn nữa Quy hoạch hệ thống du lịch.
 
Hội thảo đã trình bày 3 nội dung đề xuất gắn với quy hoạch tổng thể hệ thống du lịch quốc gia, bao gồm: Định hướng bảo tồn di tích, danh lam, thắng cảnh gắn với quản lý tài nguyên và phát triển hệ thống du lịch; Các dự án quan trọng quốc gia theo thứ tự ưu tiên gắn với các định hướng phát triển các khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia; Các dự án quan trọng của ngành du lịch theo thứ tự ưu tiên gắn với việc xác định các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng, lợi thế cạnh tranh cao để ưu tiên phát triển ngành. Các nội dung tập trung đánh giá thực trạng - phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; xác định các mục tiêu; đề xuất định hướng giải pháp.
 
 
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TITC
 
Các đại biểu cho rằng cần lấy di sản, di tích và danh lam thắng cảnh làm một trong những trụ cột chính phát triển du lịch, làm rõ đối tượng du lịch và cấp độ trực thuộc, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị quản lý di tích, để từ đó thống nhất về tên gọi, phân cấp quản lý hiệu quả hơn. Bên cạnh đó cần xây dựng bộ máy hành chính quản lý, bảo tồn hệ thống di tích gắn với phát triển du lịch. Nắm bắt thực trạng về bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích, di sản có liên quan đến việc phát triển du lịch để từ đó đánh giá tiềm năng phát triển du lịch, sản phẩm mới gắn với di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.
 
Đồng thời, cần có định hướng, giải pháp cụ thể về việc bảo vệ, tu bổ, khai thác và phát huy giá trị di tích cho từng vùng, miền, khu du lịch. Sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ của các ngành, lĩnh vực liên quan tới bảo tồn di tích, di sản, thắng cảnh với ngành Du lịch là vô cùng quan trọng để công tác quy hoạch hệ thống du lịch toàn diện hơn. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng và các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích.
 
 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tại Hội thảo. Ảnh: TITC
 
Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục