Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phía Nam về Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, triển khai nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện triển khai lập Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với những quy định tại Luật Quy hoạch 2017, Bộ VHTTDL đã giao cho Tổng cục Du lịch thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ trưởng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngành du lịch đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, đáng ghi nhận. Kết quả được thể hiện thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, tỷ trọng đóng góp trong GDP và việc làm đã khẳng định vai trò của du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Những thành quả đó đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí, bảo tồn - phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận định, thời điểm năm 2019 các chỉ tiêu về lượng khách, tổng thu du lịch đã vượt xa các chỉ tiêu dự báo của Quy hoạch. Hệ thống sản phẩm du lịch được từng bước hình thành rõ nét theo các định hướng Quy hoạch. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành được đầu tư phát triển mạnh mẽ ở các đô thị, các trọng điểm du lịch và đặc biệt là các vùng ven biển. Hoạt động du lịch sôi nổi, diễn ra quanh năm ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.
Qua hai năm bị ngừng trệ do tác động của đại dịch Covid-19, năm 2022 ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Kết quả 7 tháng đầu năm, toàn ngành đã đón hơn 733 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu đạt 316 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian qua, hệ thống quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương cũng không ngừng đổi mới và hoàn thiện cùng sự trưởng thành, lớn mạnh của hệ thống doanh nghiệp đã tạo thành sức mạnh tổng lực. Các quy hoạch phát triển du lịch, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch đã tạo diện mạo mới cho đất nước và làm tiền đề cho du lịch Việt Nam phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: TITC
Bên cạnh những thành tựu đạt được, quy hoạch ngành vẫn còn tồn tại những hạn chế và bất cập; nhiều khó khăn và điểm nghẽn chưa có giải pháp thoả đáng; chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước; phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ thiếu bền vững.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, để tiếp tục phát huy các thành tựu phát triển du lịch ở các giai đoạn trước, nắm bắt bối cảnh mới với những cơ hội và thách thức, quy hoạch du lịch Việt Nam phải định hướng phát triển xứng tầm với tầm nhìn dài hạn, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Đồng thời làm cơ sở định hướng để tổ chức quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương. Vì vậy thông qua hội thảo này, Thứ trưởng mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các đại biểu để thống nhất được những định hướng và giải pháp cơ bản phát triển du lịch trong giai đoạn mới; làm cơ sở triển khai chỉ đạo, quản lý các hoạt động du lịch trên phạm vi toàn quốc hiệu quả.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, Tổng cục Du lịch cùng liên danh tư vấn là Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn quốc gia và Công ty Cổ phần quy hoạch Hà Nội đã thực hiện khảo sát tại 7 vùng du lịch; tổ chức 8 cuộc họp cả trực tiếp và trực tuyến với các địa phương, chuyên gia nhằm thu thập các thông tin hữu ích cho việc xây dựng bản dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, trong bối cảnh du lịch Việt Nam và thế giới phát triển theo xu hướng mới sau dịch, sẽ có những cơ hội và thách thức đặt ra, các mục tiêu trong chiến lược, quy hoạch ngành du lịch cần cân đối định hướng lại về không gian và giải pháp phát triển. Song song với đó, đảm bảo xây dựng những hợp phần tích hợp các vùng, tiểu vùng du lịch, quy hoạch địa phương… Quy hoạch cần có những yếu tố mới, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng, có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Sỹ, đại diện liên danh tư vấn lập Quy hoạch đã trình bày tóm tắt nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, 6 quan điểm chính đã được đưa ra bao gồm: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát huy tiềm năng lợi thế quốc gia; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc; gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bền vững, sáng tạo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh trật tự.
Mục tiêu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Dự kiến đầu tư cho 64 địa điểm có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia, các vùng động lực du lịch. Phát triển một số thương hiệu du lịch nổi bật để định vị điểm đến Việt Nam theo hướng chất lượng cao, cạnh tranh với các thương hiệu điểm đến du lịch đã định hình trong khu vực.
Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản để phát triển, trong đó, kịch bản 2 tăng trưởng thuận lợi được xác định là phù hợp với bối cảnh hiện nay, đáp ứng kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn toàn có tính khả thi.
Quy hoạch đề ra 14 nhóm giải pháp về: cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý; quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; phối hợp liên ngành, liên địa phương; đầu tư; sản phẩm - thị trường; xúc tiến, quảng bá; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết hợp tác; ứng dụng khoa học công nghệ; bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch; khắc phục tính mùa vụ…
Tại buổi Hội thảo, nhiều ý kiến các chuyên gia du lịch, đại diện Sở quản lý du lịch trên cả nước đã làm rõ hơn hiện trạng, thực tế ở các địa phương, những thành tựu, hạn chế và đóng góp ý kiến về các vấn đề: Chính sách quản lý, phát triển du lịch; vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong phát triển du lịch; tiêu chí lựa chọn các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia; nâng cao hiệu quả, quy mô xúc tiến, quảng bá du lịch...
Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ lại các quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch, đảm bảo tính khả thi, tương xứng với vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn; nghiên cứu, hoàn thiện các định hướng không gian, định vị hệ thống du lịch trên bình diện các vùng trên cả nước, làm cơ sở cho các địa phương phát triển trong giai đoạn tới; bổ sung, hoàn thiện các giải pháp thiết thực từ thực tế của các địa phương...
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Qua ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng giao Tổng cục Du lịch và liên danh đơn vị tư vấn tổng hợp, bổ sung hoàn thiện quy hoạch để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.
Trung tâm Thông tin du lịch