Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch về yêu cầu đặt ra đối với đào tạo nhân lực du lịch (Phần 2)
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu trải nghiệm Ứng dụng iMuseum VFA tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ảnh minh họa. Nguồn: TITC)
4. Xu hướng chuyển đổi số trong du lịch trên thế giới
Trong số các giải pháp công nghệ cao đang phát triển với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu, có thể kể đến một số xu hướng chuyển đổi số trong du lịch tiêu biểu sau:
4.1. Ứng dụng mobile vào các hành vi du lịch
Với điện thoại thông minh, du khách giờ đây có thể lên kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi từ đặt vé, đặt dịch vụ đến tìm kiếm thông tin về địa điểm tham quan, chọn hướng dẫn viên, đặt suất ăn phục vụ tận nơi, đặt một số dịch vụ bổ sung trong khách sạn… trong chuyến đi mà không cần tương tác trực tiếp với bất kỳ người nào. Xu hướng này ngày càng được khách hàng ưa chuộng và các công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng tăng cường ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du khách.
4.2. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbot
Trí tuệ nhân tạo đã khẳng định được vị trí quan trọng của nó trong các xu hướng của thị trường kỹ thuật số, bao gồm cả trong lĩnh vực du lịch. Theo một thống kê, có đến 30% khách sạn sử dụng công nghệ AI trong nhiều nhiệm vụ hành chính và khách hàng.Chatbot là một chương trình được tạo từ máy tính, là một công cụ cho phép con người có thể tương tác, giao tiếp thông qua một trí tuệ nhân tạo đã được lập trình sẵn. Ưu điểm của một Chatbot là có khả năng làm việc liên tục và sẵn sàng trả lời nhiều loại yêu cầu khác nhau như: xử lý một yêu cầu đặt phòng, thông báo tình hình thời tiết, cho biết vị trí các ATM… ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào và sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào.
4.3. Kết nối vạn vật (IoT-Internet of Things) trong ngành du lịch
Ngày càng có nhiều thiết bị được kết nối với IoT, các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác để giúp việc phục vụ khách hàng một cách hiệu quả hơn. Dữ liệu IoT giúp doanh nghiệp biết được nhu cầu, thói quen du lịch và một số đặc điểm khác để có thể chuyển đến khách hàng tiềm năng những thông tin mà họ thật sự quan tâm.
4.4. Đánh giá và xếp hạng về sản phẩm và dịch vụ du lịch
Ngày nay, việc đánh giá và xếp hạng về sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng trở nên phổ biến với sự hỗ trợ của công nghệ số. Việc khách hàng có thể chia sẻ các ý kiến của họ một cách nhanh chóng thông qua mạng xã hội như: Facebook, Yelp, TripAdvisor hay các trang web du lịch giúp các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch hiểu rõ hơn mong muốn của du khách. Công cụ kỹ thuật này thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm hơn đến chất lượng, để tạo sự hài lòng của du khách, gây dựng uy tín thông qua điểm đánh giá của khách hàng, đồng thời là kênh tham khảo, giúp khách hàng cảm thấy yên tâm khi chọn lựa một sản phẩm hoặc một dịch vụ du lịch.
4.5. Du lịch thực tế ảo (Virtual Reality)
Đại dịch COVID-19 đã khiến các thuật ngữ “Virtual Tour” (chuyến tham quan ảo) hay “Interactive Tour” (chuyến tham quan tương tác) vốn xuất hiện từ năm 1994 ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với khách du lịch ở nhiều nước trên thế giới.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp khiến du khách không thể triển khai các chuyến đi du ngoạn theo kế hoạch, nhiều địa điểm du lịch hoặc các công ty đã xây dựng tour ảo hay tour tương tác nhằm mô phỏng địa điểm du lịch thông qua các hình ảnh, video, các yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc các bản tường thuật, giới thiệu, các văn bản. Các công nghệ mới được áp dụng như một phần cốt lõi của các sản phẩm tour ảo như ảnh 360, video 360, ảnh Panorama (toàn cảnh), ảnh Flycam (ảnh chụp từ trên cao)… Những tour du lịch thực tế ảo này đã giúp cho du khách phần nào thỏa mãn “cơn khát” đi du lịch, đồng thời có thể hiểu rõ hơn về địa điểm sắp tham quan và kích thích được cảm hứng cho chuyến du lịch của mình.
5. Kinh nghiệm thế giới trong hoạt động chuyển đổi số du lịch
Thực tế, không phải đến khi đại dịch COVID-19 diễn ra, thế giới mới nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Nhiều quốc gia đã triển khai chuyển đổi số từ nhiều năm trước đây và tích cực đẩy mạnh ngay khi đại dịch gây ra những thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch. Dữ liệu là tài nguyên quan trọng trong nền kinh tế số, dữ liệu cũng là một nguồn vốn có giá trị không kém các loại tài sản hữu hình khác và khả năng sử dụng dữ liệu của các doanh nghiệp du lịch để cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch kinh doanh, hoạt động và cung cấp dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng. Ngành du lịch có khối lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ rất nhiều nguồn về hành vi, thói quen, xu hướng, trải nghiệm du lịch và các đánh giá của du khách. Vì vậy, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, mở dữ liệu là cách tốt nhất để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.
Có ít nhất 90% du khách nghiên cứu, tìm hiểu trực tuyến cho kỳ nghỉ của họ. Thị phần của các OTA ước tính chiếm khoảng 40% tổng thị trường du lịch toàn cầu. Chỉ số này tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương thậm chí còn lên đến 46-48%. Vì vậy, việc đẩy các sản phẩm, dịch vụ du lịch lên các kênh bán hàng trực tuyến là việc cần thiết và hữu hiệu để thu hút du khách. Nhất là các kênh bán hàng quốc tế như Booking, TripAdvisor, Agoda, Traveloka, Expedia…
Một số website của các quốc gia được thiết kế rất trực quan, sinh động với công nghệ thực tế ảo (VR) giới thiệu các điểm đến của đất nước, chia sẻ những việc hoạt động diễn ra trên khắp đất nước và cung cấp thông tin thực tế về cách thực hiện chúng; cung cấp cho khách du lịch những ý tưởng về kỳ nghỉ; giới thiệu các chiến dịch và thông tin điểm đến được phát triển theo chuyên đề, chủ đề xoay quanh các hoạt động phổ biến và các loại hình nghỉ ngơi. Website này cập nhật thông tin theo thời gian thực, được kết nối với các website của cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch, website du lịch địa phương… và lấy thông tin từ các website đó.
Là một trong những nước đi đầu trong chuyển đổi số,với tham vọng trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới, Singapore cũng là điểm đến tiên phong trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số để giúp ngành du lịch thích ứng với tình hình dịch, từ đó phục hồi và định hình lại tương lai của ngành du lịch. Chính phủ Singapore và Tổng cục Du lịch Singapore đã tổ chức hàng loạt sự kiện “hybrid” (sự kiện kết hợp trực tiếp và trực tuyến); tăng cường áp dụng công nghệ như ki-ốt đăng ký tự động được tích hợp công nghệ quét mã QR tại Triển lãm TravelRevive để hỗ trợ quy trình đăng ký không cần tiếp xúc. Sân bay Changi cũng được trang bị robot dọn dẹp tự động có kèm thiết bị phun sương khử trùng trên thảm và sàn nhà; áp dụng công nghệ ánh sáng LED cực tím (UV-C) để khử trùng tay vịn trên thang cuốn…
Trong khi đó, Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quốc gia về chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển ứng dụng mobile, website quảng bá du lịch; đầu tư phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi số... Bên cạnh đó, thị trường du lịch Nhật Bản còn phát triển truyền thông quảng bá du lịch trên mạng xã hội, cung cấp thông tin phổ biến bằng tiếng Anh, ứng dụng công nghệ AI... Theo thống kê, kể từ khi hạn chế đi lại vì dịch bệnh, lượng đặt các tour du lịch ảo đã tăng lên khoảng 50%. Mới đây, công ty First Airlines của nước này đã ra mắt tour du lịch ảo trong mô hình ca-bin máy bay. Theo đó, du khách được tiếp đón trong khoang hạng nhất với đồ ăn, nước uống và thông qua kính thực tế ảo, họ được đặt chân tới những thành phố du lịch tuyệt vời tại Italia, Mỹ, Pháp…, tận hưởng trọn vẹn một chuyến đi sống động, chân thực.
Thị trường du lịch Trung Quốc cũng đẩy mạnh ứng dụng phổ biến công nghệ AI, tự động hóa, du lịch ảo ứng dụng công cụ kỹ thuật số... Đặc biệt, để tạo ra thành công về chuyển đổi số trong ngành du lịch như hiện nay, Trung Quốc đã có nhiều giải pháp cụ thể được Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện, thu hút đa dạng nguồn lực tham gia.
Riêng tại Hàn Quốc, quá trình chuyển đổi số đã được triển khai từ rất sớm, với sự ưu tiên dành cho phát triển cơ sở hạng tầng phục vụ chuyển đổi số ngành du lịch trong những năm qua. Đến thời điểm này, công cuộc chuyển đổi số đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành du lịch “Xứ sở kim chi”.
Ngay tại Thái Lan, chuyển đổi số cũng đã được bắt đầu từ năm 2016 với một kế hoạch 5 năm đầy tham vọng có tên“Digital Thailand” (Thái Lan số) nhằm chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống công quyền, từ quản lý công cộng đến hỗ trợ du lịch, cảnh báo thảm họa thiên nhiên và nâng cao hiệu quả của nông nghiệp. Theo nghiên cứu “Mở khóa tác động kinh tế của chuyển đổi số ở châu Á- Thái Bình Dương” do Microsoft phối hợp với IDC công bố năm 2018, năm 2021 chuyển đổi số sẽ bổ sung khoảng 9 tỉ USD (2800 tỉ baht) vào GDP của Thái Lan và tốc độ tăng trưởng tăng 0,4% hàng năm. Campuchia cũng gây ấn tượng với tour ảo tham quan quần thể di tích Angkor Wat, đưa du khách trở về quá khứ để ngắm nhìn những công trình kiến trúc cổ xưa…
Úc có nền tảng Tourism Exchange Australia (TXA) do Chính phủ thiết lập. Anh với nền tảng Tourism Exchange Great Britain (TXGB) do Chính phủ phát triển và quản lý. Nam Phi với Hệ thống Thông tin Du lịch Quốc gia về Du khách - Jurni. Singapore với nền tảng Trung tâm thông tin và dịch vụ du lịch (TIH). Nền tảng số này kết nối các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch với các nhà phân phối (OTA - đại lý du lịch trực tuyến) và trung gian (sàn giao dịch du lịch trực tuyến) để tạo ra các gói du lịch hấp dẫn cho từng phân khúc khách du lịch.
Ở Croatia, hệ thống eVisitor hoạt động như một nền tảng trung tâm để quản lý dữ liệu du lịch. Ở Bồ Đào Nha, một công cụ thông minh kinh doanh mới, TravelBI, là một trung tâm dữ liệu cho lĩnh vực du lịch, tập hợp dữ liệu truyền thống, nguồn dữ liệu mới, dịch vụ dữ liệu địa lý và opendata, cũng như các công cụ phân tích dữ liệu để chuyển đổi dữ liệu thành một định dạng dễ sử dụng cho các doanh nghiệp du lịch. Tại Đan Mạch, sáng kiến TourismTech Datalake nhằm hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh du lịch mới bằng cách thu thập và cung cấp dữ liệu cho các bên liên quan. Sáng kiến được VisitDenmark khởi động vào năm 2017, để tận dụng tốt hơn xu hướng số hóa và công nghệ toàn cầu. Chiến lược dữ liệu liên quan đến du lịch quốc gia này với khái niệm 'hồ dữ liệu' là một phần trung tâm, nhằm thu thập dữ liệu từ các bên liên quan đến du lịch, sử dụng những dữ liệu này để phát triển các mô hình kinh doanh du lịch mới và tạo ra những hiểu biết sâu sắc về những gì thu hút khách du lịch quốc tế đến Đan Mạch. Sáng kiến này và các dự án thí điểm tiếp theo đã được đề xuất để thử nghiệm phân tích dữ liệu với các giải pháp IoT khác nhau.
Ở Ba Lan, "Open Data Plus" nhằm mục đích tăng số lượng và cải thiện chất lượng của dữ liệu công cộng mở và phổ biến việc sử dụng chúng. Việc thực hiện dự án trong lĩnh vực du lịch bao gồm: điều chỉnh cách thức đăng ký cho phù hợp với luật hiện hành và sửa đổi cách thức đăng ký trung tâm trực tuyến công khai của cơ sở khách sạn và cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên miền núi, tổ chức đào tạo cho Hướng dẫn viên miền núi.
Estonia có kế hoạch thực hiện đăng ký du khách kỹ thuật số vào năm 2021 đến năm 2022, thông qua một hệ thống thông tin trực tuyến hoạt động ở tất cả các cơ sở lưu trú. Những lợi ích mong đợi cho cả doanh nghiệp du lịch và chính phủ bao gồm: một giải pháp nhanh hơn giúp giảm gánh nặng hành chính liên quan đến đăng ký và xử lý dữ liệu trên giấy tờ; liên lạc đơn giản với Chính phủ và Cơ quan Thống kê Estonia; Chất lượng dữ liệu tốt hơn để giám sát và phân tích, hỗ trợ quản lý điểm đến, quyết định tiếp thị và quản lý luồng du lịch; các doanh nghiệp du lịch sẽ nhận được dữ liệu cập nhật về lưu lượng khách du lịch và năng lực lưu trú, cũng như các phân tích chi tiết để hỗ trợ các quyết định kinh doanh và cải thiện khả năng cạnh tranh. Dữ liệu được cập nhật và chất lượng hơn sẽ cho phép Chính phủ đưa ra các quyết định sáng suốt về việc xây dựng chính sách.
Pháp đã đầu tư phát triển hệ thống DATAtourisme quốc gia để tập hợp thông tin có sẵn liên quan đến du lịch trong nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau. Nền tảng này thu thập và tổng hợp thông tin về các điểm tham quan và sự kiện của hoạt động du lịch trên khắp đất nước kể từ năm 2017, người dùng có thể truy cập dữ liệu ở một địa điểm và ở một định dạng duy nhất, theo giấy phép mở. Nền tảng này chứa hơn 300.000 mục nhập liên quan đến du lịch từ 12 khu vực và 90 cơ quan, đồng thời có thể dùng làm cơ sở để thiết kế các gói du lịch và nhiều yêu cầu khác.
Hungary đang phát triển một cơ sở dữ liệu sản phẩm du lịch tại Trung tâm Cung cấp Dữ liệu Du lịch Quốc gia để thu thập dữ liệu về việc thuê phòng từ các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú để phát triển một bức tranh thời gian thực, nhằm hỗ trợ lập kế hoạch tiếp thị và các hoạt động nghiên cứu khác. Nền tảng số này thu thập dữ liệu du lịch từ nhiều nguồn khác nhau: Cơ quan quản lý du lịch trung ương, địa phương và các cơ quan trong chính phủ có dữ liệu liên quan về du lịch - doanh nghiệp ngành du lịch - OTA - cơ sở lưu trú,…; phân tích các dữ liệu hữu ích như: thời gian lưu trú, xu hướng du lịch, mô hình chi tiêu, phân khúc du lịch, những điều thu hút khách du lịch,… Dữ liệu tổng hợp và phân tích này sẽ cung cấp cho cơ quan quản lý du lịch một bức tranh toàn cảnh hơn về ngành du lịch, những chính sách cần điều chỉnh, bổ sung, mức độ phát triển của thị trường du lịch trong nước. Dữ liệu này cũng phục vụ cho các doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa, cải thiện việc cung cấp dịch vụ và ưu đãi của họ cho khách du lịch; đồng thời tạo ra một thị trường bình đẳng hơn bằng cách cho phép những doanh nghiệp nhỏ, hạn chế năng lực nắm được các thông tin quan trọng về thị trường. Các công ty du lịch có thể sử dụng dữ liệu từ nền tảng này để lập kế hoạch phục vụ kinh doanh, hướng tới nhóm đối tượng khách hàng phù hợp. Cổng du lịch quốc gia là “cửa ngõ”, là bộ mặt thông tin về du lịch của đất nước cho du khách. Cổng du lịch quốc gia giúp thu hút du khách ngay từ bước hình thành ý tưởng. Do đó, Cổng du lịch quốc gia cần được thiết kế “động”, thông tin theo thời gian thực.
TS. Đoàn Mạnh Cương (Văn phòng Quốc hội)