Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tăng cường liên kết, đổi mới tư duy để phát triển bền vững
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Tháp, TP.HCM, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh; Lãnh đạo Tổng cục Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo các sở quản lý du lịch; các doanh nghiệp du lịch…
Đây là lần đầu tiên sự kiện Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam được tổ chức dưới hình thức sự kiện giao thương, là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch trực tiếp gặp gỡ, kết nối, trao đổi, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, dịch vụ, quà tặng lưu niệm. Đồng thời, giúp các địa phương, đối tác quốc tế cùng nhau đàm phán, định hướng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, bảo đảm tiêu chí an toàn cũng như các gói sản phẩm liên kết. Ban tổ chức kỳ vọng sự kiện này là bước khởi đầu mạnh mẽ cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, vận chuyển và cung ứng dịch vụ du lịch trên cả nước với mục tiêu thu hút du khách từ thị trường quốc tế sau đại dịch.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc sự kiện. Ảnh: TITC
Tư duy mới, hành động mới để tiến xa hơn
Phát biểu tại Hội nghị Gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, cùng với việc phục hồi nền kinh tế, nhiệm vụ phục hồi du lịch cũng được đặt ra và đang triển khai quyết liệt. Để tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn, những khó khăn vướng mắc, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra, Bộ VHTTDL đã đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam hiến kế, tham mưu, tổ chức một sự kiện để lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Từ đó, cùng trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, tìm ra hướng đi mới tốt hơn sau đại dịch Covid-19”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đến nay, có thể thấy bức tranh sáng màu của du lịch Việt Nam sau dịch bệnh khi chúng ta đã hoàn thành mục tiêu về lượng khách nội địa. Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 60 triệu lượt khách nội địa. Thời điểm hiện nay, chúng ta đã đạt trên 71 triệu khách du lịch nội địa. Điều đó chứng minh hướng đi đúng của du lịch Việt Nam khi chúng ta coi du lịch nội địa là bệ đỡ của du lịch quốc tế, vừa chú ý đến thị trường nội địa, vừa từng bước tiếp cận để khai thác thị trường quốc tế. Mặc dù lượng khách quốc tế chưa đạt như mong muốn nhưng với 950 nghìn lượt trong 7 tháng đầu năm 2022 đã tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại sự kiện
Tuy nhiên, chặng đường của ngành du lịch vừa qua không phải toàn màu hồng. Trong quá trình khai thác du lịch nội địa có tình trạng dễ dãi nhất định trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Tại thời điểm này có thể khai thác khách nhưng về lâu dài không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và bền vững.
Bộ trưởng khẳng định: “Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” và đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần phải có tư duy mới, hành động mới. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng nhắc lại phát biểu chỉ đạo về định hướng phát triển du lịch của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022, đó là: “Hòa bình, Hợp tác, Phát triển, Xanh hóa, An toàn, Thân thiện, Số hóa, Kết nối”.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị
Đề nghị mỗi địa phương cần phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc, Bộ trưởng đặt vấn đề “Phải chăng du lịch văn hóa phải được đặt lên hàng đầu”. Cùng với đó là phát huy vai trò của du lịch MICE, làm mới các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng; tăng cường số hóa, xây dựng các chương trình du lịch, sản phẩm du lịch, lễ hội mới, phát huy được sức mạnh của cộng đồng…
Làm tốt công tác quy hoạch, tạo động lực cho phát triển
Bộ trưởng nhấn mạnh “Hành động mới nữa là liên kết để phát triển. Sự liên kết này phải đi vào thực chất, điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của Hiệp hội du lịch, của các địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp du lịch phải giữ vai trò kết nối với nhau, xây dựng trên mối quan hệ bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Có như thế du lịch mới phát triển bền vững, cùng nhau đi chứ không phải chỉ là việc riêng của tôi và của anh”.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TITC
Bộ trưởng cho biết, ở cấp Trung ương, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cấp để hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Trong đó có xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống du lịch Việt Nam để tạo điều kiện tăng cường kết nối, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tập trung vào công tác quy hoạch, coi quy hoạch là gốc, là giải pháp, mục tiêu, động lực cho phát triển. Cùng với đó sẽ rà soát lại các cơ chế, chính sách hiện hành, xem ở đâu là điểm nghẽn để kiến nghị tháo gỡ.
Về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng khẳng định doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Vì thế, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh một cách căn cơ và bài bản; xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng, tính toán để đạt hiệu quả bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị Gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp. Ảnh: TITC
Bộ trưởng cho rằng, có những vấn đề kiến nghị không thể giải quyết ngày một, ngày hai, càng không thể giải quyết trong một hội nghị mà phải cùng nhau tính toán, đồng hành để tháo gỡ, phát triển. Bộ trưởng tin rằng, sau sự kiện này các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện kết nối tốt hơn, xanh hơn, bền vững hơn.
Trung tâm Thông tin du lịch