Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban (Ảnh: TITC)
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính cho biết chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đòi hỏi sự quyết tâm phát triển và được xác định là nhu cầu bắt buộc. Trong đó, chuyển đổi số góp phần giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Không chỉ vậy, chuyển đổi số còn giúp cải cách, xây dựng đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao sức lao động, năng lực cạnh tranh, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực. Ứng dụng công nghệ thông tin là phù hợp với năng lực của người Việt Nam - cần cù, chăm chỉ, năng học hỏi và sáng tạo.
Quá trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng ở nhiều lĩnh vực và địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra phức tạp thì chuyển đổi số trở thành đòi hỏi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số vừa hỗ trợ chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi kinh tế xã hội, giải quyết được vấn đề liên quan tới thống kê, tiêm chủng, xét nghiệm và triển khai an sinh xã hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính hi vọng rằng qua phiên họp lần thứ ba này, các Bộ và các tỉnh thành, doanh nghiệp sẽ tích cực trao đổi kinh nghiệm, xác định thêm một số nhiệm vụ phối hợp để khai thác tốt các dữ liệu cơ bản về chuyển đổi số trong các ngành, đặc biệt là chuyển đổi số trong cơ sở dữ liệu dân cư. Các đại biểu tham gia phiên họp sẽ đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng dữ liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu tại Phiên họp thứ 3 (Ảnh: TITC)
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã trình bày bản báo cáo sơ kết chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tương đối rõ ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu. Đặc biệt, một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 đã sớm đạt mục tiêu đề ra như tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100%, đạt mục tiêu đề ra; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27%, vượt mục tiêu đề ra là 7%; tỉ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66%, vượt mục tiêu đề ra là 65%.
Nổi bật nhất là về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp Nhà nước và 14 địa phương tiếp tục làm giàu dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, rút tiền tại các cây ATM…
An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm, các doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ hệ sinh thái an toàn thông tin mạng. Về phát triển kinh tế số, xã hội số, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số. Thuế điện tử, hóa đơn điện tử được phổ cập.
Toàn cảnh Phiên họp tại đầu cầu Bộ VHTTDL (Ảnh: TITC)
Phát biểu về kế hoạch của Bộ VHTTDL thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, Bộ VHTTDL sẽ có một số nhiệm vụ cần tập trung trong đó có ban hành Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ giúp việc nhằm phổ biến và triển khai các kế hoạch tới các đơn vị.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TITC)
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Bộ VHTTDL sẽ hoàn thiện nền tảng Bảo tàng số để nâng cao trải nghiệm thưởng thức tác phẩm cho du khách trong và ngoài nước khi tới với các bảo tảng Việt Nam, cùng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch số nhằm tối ưu hóa hoạt động, phân tích, đo lường sự phát triển du lịch tại địa phương.... cũng như hỗ trợ thống nhất và đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành du lịch, giúp khai thác, chia sẻ và kết nối dữ liệu trên một nền tảng. Rà soát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, an toàn thông tin trên các phần mềm chuyên ngành, nghiệp vụ nội bộ, thông tin ngành, các chuyên trang của đơn vị, đặc biệt là các phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu. Mỗi đơn vị cần chủ động thực hiện việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của các trang mạng và hệ thống phần mềm nghiệp vụ của mình để có thể kết nối liên thông. Tăng cường rà soát công tác thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đăng tải các hồ sơ, văn bản lên hệ thống theo đúng quy định. Tăng cường công tác số hóa tại bộ phận một cửa của đơn vị, đưa vào sử dụng hiệu quả các kết quả sản phẩm số hóa.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc tại Phiên họp thứ 3 (Ảnh: TITC)
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng bày tỏ sự vui mừng khi Bộ VHTTDL xếp thứ 8 trong bảng Xếp hạng về mức độ chuyển đổi số 2021 cấp Bộ cung cấp dịch vụ công.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân quyết liệt thực hiện chuyển đổi số thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đồng thời, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; Công tác xây dựng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm; Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm; Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số,...
Thủ tướng đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm phía trước, phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát huy tối đa sức mạnh truyền thống văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam. “Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia và quá trình chuyển số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trung tâm Thông tin du lịch