Bứt phá của du lịch Ninh Bình
Theo số liệu thống kê từ ngành du lịch Ninh Bình, tháng 11-2024, số lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 428 nghìn lượt khách, tăng 15,07% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch tháng 11 ước đạt hơn 585 tỷ đồng, tăng 15,53% so với cùng kỳ năm trước.
Du lịch Ninh Bình năm 2024 đạt những con số ấn tượng.
Lũy kế 11 tháng năm 2024, số lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 8,1 triệu lượt, tăng 30,44% so với cùng kỳ năm trước, vượt 8,06% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,08 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, chiếm gần 7% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ: Đây là kết quả của một quá trình với những nỗ lực, sáng tạo, hiệu quả, thực chất từ chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp để thực thi chính sách phục hồi du lịch quốc tế trong điều kiện mới; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ…
Để thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, du lịch số, coi đây là đòn bẩy cho ngành du lịch phát triển bền vững hơn.
Trong đó, tỉnh đã xây dựng hệ thống thông tin số du lịch tỉnh Ninh Bình phục vụ công tác quản lý nhà nước; kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch; tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ khách du lịch.
Ngoài ra, Sở Du lịch cũng đã triển khai phần mềm tiện ích du lịch thông minh; hệ thống wifi hỗ trợ các ứng dụng du lịch thông minh, các ki-ốt du lịch hỗ trợ khách tại các khu, điểm du lịch chính trên địa bàn tỉnh; phần mềm ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo tích hợp trên nền tảng website và thiết bị di động.
Đặc biệt, địa phương cũng đã số hóa 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật dữ liệu của ngành trên hệ thống chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh (OIC)….
Sản phẩm du lịch đêm tại Phố cổ Hoa Lư thu hút đông đảo du khách.
Đến nay, đơn vị đã xây dựng phần mềm thuyết minh du lịch ảo Chatbox AI đưa vào sử dụng và đã tạo lập gần 100 tài khoản cho các doanh nghiệp để đưa dịch vụ trên phần mềm du lịch thông minh của ngành; triển khai marketing trên 7 nền tảng số của mạng xã hội; xây dựng hơn 120 clip quảng bá với hơn 7 triệu lượt tương tác.
Chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy thu hút du khách đến với Ninh Bình, nhờ đó du lịch Ninh Bình luôn nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước.
Cùng với đó, Ninh Bình đã nhanh chóng xác định thị trường mục tiêu là Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản..., từ đó tăng cường các hoạt động xúc tiến du lịch. Dấu ấn trong năm nay là ngành du lịch đã đón tiếp chu đáo, an toàn đoàn khách của tỷ phú Ấn Độ với hơn 5.000 người đến Ninh Bình tham quan, trải nghiệm.
Sự kiện đã góp phần khẳng định sức hút, thương hiệu của mảnh đất Cố đô cũng như năng lực đón tiếp, tổ chức đối với những đoàn khách lớn. Đồng thời cho thấy Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung còn nhiều dư địa để tăng thu hút đối với các thị trường mới trong thời gian tới.
Với những bước đi vững chắc, Ninh Bình đặt kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP của tỉnh, đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bài, ảnh: Hoài Phương