Hòa Bình: tạo sinh kế cho người dân từ du lịch cộng đồng
Những năm gần đây, với sự quan tâm về chính sách của Trung ương, của tỉnh và sự hỗ trợ của một số tổ chức phi chính phủ, nhiều bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh tích cực phát triển du lịch cộng đồng.
Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc là điểm du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách.
Tận dụng lợi thế địa phương với cảnh quan lòng hồ thủy điện Hòa Bình, núi non hùng vĩ, và những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ, tỉnh Hòa Bình đã phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Những mô hình này không chỉ tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân miền núi mà còn góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, cùng nét văn hóa đặc trưng của xứ Mường đến du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó, địa phương không chỉ phát triển kinh tế mà còn từng bước vươn lên làm giàu.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho biết, phần lớn du khách đến Hòa Bình đều lựa chọn trải nghiệm du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch dễ tiệm cận với du khách bởi sự gần gũi, dân dã, khách du lịch được tham quan trải nghiệm không gian kiến trúc văn hóa đặc trưng và cuộc sống sinh hoạt của người bản địa.
Huyện Lạc Sơn có dân số trên 15,7 vạn người, trong đó dân tộc Mường chiếm 92%. Đây là vùng đất cổ với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, một trong những nơi để lại dấu tích của nền văn hóa thời tiền sử, nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng.
Mảnh đất này còn được thiên nhiên ưu ái với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ, thác nước, hang động, hồ, suối nước khoáng… lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng, như điểm du lịch cộng đồng xóm Mu Khướng, xóm Sát (xã vùng cao Tự Do). Đây là các xóm của người dân tộc Mường còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc nhà, phong tục, tập quán độc đáo.
Tại huyện vùng cao Mai Châu, loại hình du lịch cộng đồng hình thành sớm hơn so với các địa phương khác trong tỉnh với khởi đầu là mô hình du lịch cộng đồng bản Lác, xã Chiềng Châu.
Hiện ở xóm Kế, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc đã có một số hộ dân mở dịch vụ du lịch cộng đồng để đón khách. Từ khi du lịch phát triển, công tác bảo vệ, phát triển rừng tại xã Hiền Lương từng bước đi vào nề nếp. Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh tăng nhanh, góp phần tích cực vào phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.
Ông Bùi Xuân Trường cho biết, du lịch cộng đồng từng bước đổi mới tư duy, cải thiện sinh kế bền vững cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài các điểm đến tập trung trên khu du lịch Mai Châu và các xã miền núi của huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, mô hình du lịch cộng đồng được nhân rộng ở các xã trên khu du lịch hồ Hòa Bình, như: bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc); bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc); bản Tiện, xã Thung Nai (Cao Phong)…
Hiện nay, du lịch cộng đồng của tỉnh hoạt động hiệu quả và phát triển tương đối nhanh với trên 20 xóm, bản du lịch cộng đồng các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông, gần 200 homestay tham gia hoạt động kinh doanh lưu trú và các dịch vụ phục vụ du lịch khác.
Mỗi điểm du lịch cộng đồng tại tỉnh Hòa Bình đều dựa trên nền tảng nguồn tài nguyên phong phú, kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tâm Hiền