Cần Thơ phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch
Thay đổi diện mạo
Du khách tại không gian Mekong River Lounge & Restaurant.
Mô hình tuyến phố đi bộ Ninh Kiều (tuyến phố đi bộ) đã đi vào hoạt động hơn một năm, trên cơ sở “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều) của UBND thành phố. Đây là tuyến phố đi bộ đầu tiên của Cần Thơ, hình thành không gian vui chơi giải trí ban đêm gắn với các hoạt động du lịch. Tuyến phố đi bộ có 3 khu vực với nhiều hoạt động đa dạng: các gian hàng mua sắm, ẩm thực; các hoạt động truyền thống; hoạt động văn hóa, văn nghệ, sự kiện, lễ hội, hoạt náo, trò chơi dân gian, ảo thuật… Xuyên suốt tuyến phố đi bộ có các chương trình biểu diễn nhạc cụ từ truyền thống đến hiện đại, dân vũ, khiêu vũ, dancesport… Du khách Đoàn Minh Trường (Hà Nội), cho biết: “Tôi đã đến Cần Thơ hai lần. Lần đầu thì ban đêm chưa có hoạt động gì. Lần trở lại này tôi và bạn bè đi dạo ở các khu phố, ngắm cảnh về đêm trên sông, có thể thưởng thức món ăn đường phố...”.
Tuyến phố đi bộ Ninh Kiều phát triển kéo theo các điểm kết nối gần đó, từng bước tạo nên không gian giải trí tích hợp đa dạng. Cụ thể, du khách có thể thưởng thức Buffet - Gánh hàng rong tại Victoria Cần Thơ, hay những bữa tiệc với tầm nhìn ra sông từ trên cao cực đẹp tại Mekong River Lounge & Restaurant tầng 8 của khách sạn TTC Cần Thơ. Mekong River Lounge & Restaurant hoạt động từ giữa tháng 8, phục vụ các món ăn Âu - Á. Tại đây, du khách có thể thưởng thức những món ăn đậm chất Nam Bộ, tiệc trà độc đáo, hay cà phê cùng bạn bè và ngắm vẻ nét đẹp của thành phố từ trên cao. Chị Lê Thị Ngọc Dung (Cờ Đỏ, Cần Thơ), cho biết: “Là người Cần Thơ, tất nhiên tôi cũng hay đến Bến Ninh Kiều, nhưng đây là lần đầu tiên được ngắm thành phố từ trên cao. Khung cảnh thành phố lung linh, trên sông là các du thuyền qua lại rất thơ mộng. Không gian tại nhà hàng thoáng, các món ăn cũng đa dạng phù hợp cho mọi đối tượng”. Bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc khách sạn TTC Cần Thơ, cho biết: “Mekong River Lounge & Restaurant góp phần mang đến trải nghiệm ẩm thực địa phương dành cho du khách đến Cần Thơ, đặc biệt là ở khu vực Bến Ninh Kiều. Hoạt động đêm tại Bến Ninh Kiều không chỉ vui chơi, giải trí mà còn có không gian ẩm thực đa dạng. Sắp tới, chúng tôi còn có thêm những đêm nhạc acoustic vào cuối tuần để mang đến nhiều trải nghiệm hơn”.
Có thể nói, Bến Ninh Kiều thêm nhộn nhịp kể từ khi tuyến phố đi vào hoạt động. Tại đây, ngoài những du thuyền trên sông thì các tour xe điện dạo quanh thành phố về đêm cũng rất được yêu thích. Chị Nguyễn Thị Tường Vy (huyện Phong Điền, Cần Thơ), cho biết: “Cảm giác đi xe điện ngắm phố phường vào đêm rất thú vị, cho mình thấy được thành phố ở những góc khác, không gian xe điện cũng cho phép tôi và bạn bè trò chuyện thoải mái cùng nhau”. Trong khi đó, du khách Hoàng Thị Nhã Hân (Hải Phòng), cho biết: “Đi xe điện tiết kiệm thời gian và chúng tôi cũng có thể ngắm nhìn Cần Thơ về đêm một cách toàn diện hơn. Tôi thích các khu ẩm thực ở chợ đêm, tại đây có thể thưởng thức các món ăn đa dạng. Tuy nhiên, các điểm vui chơi về đêm ở Cần Thơ có vẻ vẫn còn thiếu những trải nghiệm mà tôi kỳ vọng. Hy vọng lần sau quay lại Cần Thơ sẽ có nhiều điểm vui chơi giải trí đêm hơn”. Cần Thơ hiện có 21 xe điện phục vụ du khách với các tuyến citytour, tuy nhiên hiện nay số lượng xe này vẫn không đủ phục vụ, nhất là thời điểm cuối tuần. Năm 2022, tính riêng các chuyến xe điện đã phục vụ hơn 18.600 chuyến với hơn 130.500 lượt khách.
Tập trung đầu tư phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch
Du khách tham quan thành phố về đêm trên xe điện.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa xây dựng Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm (Đề án), trong đó Cần Thơ được xác định là một trong 12 tỉnh, thành tập trung xây dựng các mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Cụ thể, đến năm 2025, thì Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất 1 đêm. Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam. Đề án đưa ra 5 mô hình chính: hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm và giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Đồng thời, Đề án cũng có các giải pháp về quy hoạch và quản lý đô thị, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, tổ chức và quản lý dịch vụ, đầu tư, định hướng thị trường và xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin.
Tại Cần Thơ, Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều) đang có những kết quả tích cực bước đầu. Cần Thơ có những định hướng trọng tâm cho các hoạt động kinh tế đêm gắn với du lịch. Theo đó, các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của Cần Thơ gồm các nhóm: vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm và du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm.
Cụ thể vui chơi giải trí sẽ phát triển đa dạng các loại hình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch vào ban đêm; tổ chức lễ hội âm nhạc, lễ hội ánh sáng, lễ hội pháo hoa, thời trang, liên hoan phim, nghệ thuật đương đại hướng đến tổ chức định kỳ tại các trung tâm, tổ hợp giải trí hoặc tuyến phố đi bộ, khu vực bờ sông, hồ..; các tuyến đường sách, đường hoa, đường “Ẩm thực Á - Âu”, đường “Văn hóa các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer - Chăm”...; tạo điều kiện cho các rạp chiếu phim, xiếc, vũ trường, bar, cafe, karaoke hoạt động và phát triển.
Đối với ẩm thực sẽ hình thành không gian ẩm thực hấp dẫn như các phố ẩm thực, chợ hải sản, các nhà hàng ẩm thực ven sông, trên sông Hậu, sông Cần Thơ. Tổ chức các festival ẩm thực, lễ lội bánh dân gian Nam bộ, các cuộc thi vua đầu bếp Á - Âu, các sự kiện giúp du khách trải nghiệm ẩm thực vùng ĐBSCL.
Đối với các hoạt động mua sắm sẽ nâng chất các hoạt động của các trung tâm thương mại, siêu thị hiện có (kéo dài thời gian phục vụ, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ..); mời gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại quy mô vùng ĐBSCL, các chợ đêm mang bản sắc vùng miền, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL, tổ chức các hoạt động dành cho khách du lịch trải nghiệm, chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ, mây tre đan truyền thống... Hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm sẽ hình thành các khu chăm sóc sức khỏe như massage, xông hơi, tắm lá thuốc; các hoạt động thả đèn trời, đèn hoa đăng trên sông, ngắm bình minh trên sông Hậu...
Các loại hình sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của TP.Cần Thơ có thể lồng ghép trong các mô hình kinh tế ban đêm phổ biến hiện nay đã được nhiều địa phương áp dụng thành công như: phố đi bộ, chợ đêm, khu vui chơi giải trí thương mại tổng hợp, kết nối mạng lưới tour tuyến du lịch trong nước và quốc tế... Lộ trình thực hiện đến năm 2024, sau đó sẽ nhân rộng các mô hình.
Bên cạnh tuyến phố đi bộ Ninh Kiều đã hình thành, hiện UBND quận Ninh Kiều đang tập trung hai mô hình: phát triển kinh tế ban đêm tại tuyến phố chuyên doanh ẩm thực Đề Thám - Huỳnh Cương, Hồ Xáng Thổi (phường An Cư) và phát triển kinh tế ban đêm tại đường Lê Bình (phường Hưng Lợi). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ kinh tế ban đêm; phối hợp các ngành hữu quan rà soát, tham mưu bổ sung khu vực phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy…
Bài, ảnh; Ái Lam