Niềm vui khách đến Phú Yên
Tiệc buffet chay và không gian chụp hình check-in được Trung tâm hội nghị Pytopia tổ chức trong tháng 7 âm lịch. Ảnh: Công Thiết
Những con số ấn tượng
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thị trường khách du lịch nội địa có 12,5 triệu lượt khách trong những tháng cao điểm mùa hè. Tổng số khách nội địa trong 7 tháng đầu năm đạt 76,5 triệu lượt. Song song đó, thị trường khách quốc tế cũng được đánh giá là đang hồi phục tốt, đạt mốc kỷ lục khi trong tháng 7 vừa qua đón 1,03 triệu lượt; lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đón 6,6 triệu lượt, đạt 83% so với kế hoạch năm.
Tại Phú Yên, theo Sở VHTTDL, tổng lượt khách du lịch đến trong tháng 7 vừa qua đạt 368.000 lượt, tăng 4,5% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 1.330 lượt, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú đạt 218.253 lượt, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du khách đạt 554,1 tỉ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Phú Yên đã đón gần 1,9 triệu lượt khách, tăng 88,3% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 10.240 lượt, tăng 180,5% so với cùng kỳ. So với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, con số trên đạt gần 86%.
Có thể nói đây là những con số ấn tượng trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch COVID-19.
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên cho biết, trong những tháng cao điểm vừa qua, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển như Sala, Rosa Alba, Stelia, Công Đoàn… đều đạt công suất trên 80%. Bên cạnh các khách sạn phục vụ nhu cầu khách tầm trung và cao cấp, các khách sạn quy mô nhỏ ở xa biển hơn cũng được mùa đón khách.
Du khách thả mình trong làn nước biển trong xanh mát rượi ở cù lao Mái Nhà (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An). Ảnh: Vy Chánh
Nâng chất dịch vụ, đa dạng sản phẩm
Theo nhận định của các chuyên gia và du khách, du lịch Phú Yên những năm gần đây nổi lên như một điểm đến mới, bứt phá trên bản đồ du lịch Việt Nam. Hầu hết khách cho biết chọn Phú Yên vì nơi đây có bãi biển dài, đẹp, không khí trong lành, những cánh đồng bát ngát, nhà vườn ven sông đặc trưng, những ngôi làng bình dị... Ẩm thực cũng là yếu tố quan trọng mời gọi và níu chân du khách.
Thị trường khách du lịch nội địa đến Phú Yên nhiều trong thời gian qua phần lớn đến từ các tỉnh Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Thời gian gần đây, lượng khách từ các tỉnh miền Nam và miền Bắc cũng tăng khá.
Gia đình chị Nguyễn Lê Phương Thúy ở Gia Lai, đến Phú Yên trong những ngày hè vừa qua, cho hay: “Tôi nghe tiếng du lịch xứ sở hoa vàng cỏ xanh từ mấy năm nay. Gia đình quyết định chọn Phú Yên là điểm đến trong dịp TP Pleiku và các thành phố ở Tây Nguyên tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch kết nối với phố biển Tuy Hòa. Tôi rất thích không khí trong lành nơi đây, bãi biển thật tuyệt, ẩm thực cũng rất ấn tượng, nhất là các món từ cá ngừ đại dương”.
Tuy nhiên, ngoài lợi thế về biển, thiên nhiên, không khí trong lành, ẩm thực đặc sắc, du khách và các công ty lữ hành chưa đánh giá cao về sự đa dạng của sản phẩm du lịch. Chị Nguyễn Thị Lan Vy, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Biển Việt Tour, nhìn nhận: “Thật sự khách du lịch đến với Phú Yên ngoài giá trị về biển, cảnh đẹp thiên nhiên, không khí trong lành, được ăn ngon - bổ - giá cả hợp lý, thì không có các sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí thu hút khác. Chợ đêm, phố đi bộ là những sản phẩm thông dụng nhất, hầu hết các địa phương khác đều thành công, nhưng Tuy Hòa vẫn èo uột”.
Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của các doanh nghiệp làm du lịch Phú Yên những năm qua là luôn cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ, xây dựng những sản phẩm mới gắn với cơ sở của mình. Các khách sạn lớn tổ chức các điểm biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, tiệc buffet chuyên về hải sản, cá ngừ đại dương để phục vụ du khách như: Mandala Hotel & Spa, Stelia, khách sạn Sài Gòn - Phú Yên… Hay trong dịp tháng 7 âm lịch, Trung tâm hội nghị Pytopia tổ chức buffet chay, được khách du lịch và khách địa phương đánh giá cao.
Ông Ngô Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên trăn trở: “Chúng ta có thế mạnh và tiềm năng để phát triển du lịch, thu hút du khách từ tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Vấn đề còn lại là con người, cơ chế quản lý, sự đồng hành, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các cấp, ngành đối với hoạt động du lịch. Và quan trọng nữa là mỗi doanh nghiệp du lịch luôn cố gắng tạo nên những sản phẩm mới, đặc trưng gắn với cơ sở kinh doanh của mình”.
Trần Quới