Hoạt động của ngành

Cần Thơ: Tìm hướng phát triển cho mô hình du lịch cộng đồng

Cập nhật: 12/06/2020 09:38:47
Số lần đọc: 1579
Mô hình du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa trên các giá trị văn hóa bản địa, do chính cộng đồng cư dân địa phương phối hợp cùng nhau xây dựng, phát triển, quản lý, hưởng lợi song song với bảo tồn thiên nhiên.

 


Lội bùn bắt cá, ốc, cua là những trải nghiệm khách du lịch rất thích khi đến miệt vườn. Ảnh minh họa:CTV

Đây là mô hình mang lại nhiều giá trị vượt trội cho du khách khi được hòa cùng người dân trải nghiệm sâu nét đặc sắc trong văn hóa vùng miền, đồng thời đảm bảo tính khai thác song song với bảo tồn thiên nhiên, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, để chuẩn bị đầy đủ điều kiện triển khai, phát triển mô hình này tại các địa phương là một bài toán không dễ dàng.

Thiếu sự liên kết

Tại Cần Thơ, mô hình du lịch cộng đồng có rất nhiều lợi thế để hình thành và phát triển. Đó là tiềm năng về sông nước, miệt vườn: chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền; vườn dâu Hạ Châu, vườn du lịch Vàm Xáng, vườn cò Bằng Lăng; cù lao Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Khương, cồn Ấu… Những tiềm năng về di tích lịch sử - văn hóa: Đình Bình Thủy, nhà cổ Bình Thủy, chùa Long Quang, chùa Nam Nhã, di tích Giàn Gừa, Khu Di tích văn hóa Óc Eo…

Cần Thơ còn có những di sản văn hóa phi vật thể như: Đờn ca tài tử, Hò Cần Thơ, Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy… và các làng nghề cổ truyền: làng bánh tráng Thuận Hưng, làng đan lưới Thơm Rơm, làng đan lọp Thới Long, làng hoa Bà Bộ… Cùng với đó là hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật của một thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 140 khách sạn, nhà hàng tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao, các trung tâm hội nghị hiện đại…

Lợi thế văn hóa - tự nhiên phong phú để phát triển mô hình du lịch cộng đồng là không thể phủ nhận. Thêm vào đó, trong định hướng phát triển Cần Thơ đến năm 2030, chính quyền thành phố xác định nhiệm vụ đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, với hàng loạt chính sách hỗ trợ ngành du lịch phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện Cần Thơ chỉ mới có ba điểm du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn (quận Bình Thủy), Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt), 13 nhà vườn tại huyện Phong Điền. Các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch đã chỉ ra những “điểm nghẽn” chính, khiến loại hình du lịch này chưa thể phát triển xứng tầm với tiềm năng của thành phố. Đó là: Sự thiếu liên kết, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, công tác quảng bá du lịch còn hạn chế.

Sự thiếu liên kết, hay còn gọi là “mạnh ai nấy làm” khiến cho bức tranh du lịch Cần Thơ nói chung, mô hình du lịch cộng đồng nói riêng trở nên hỗn loạn. Sự hỗn loạn thể hiện trong giá dịch vụ, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, các điểm phục vụ du lịch dẫm chân nhau khiến du khách vừa cảm thấy nhàm chán, vừa có cảm giác “mang con bỏ chợ”.

Thiếu liên kết ở tầm vĩ mô, đó là không thể kết nối được các bên liên quan: Điểm du lịch – Công ty lữ hành – Công ty vận chuyển. Qua kết quả khảo sát của Trường Đại học Cần Thơ, năm 2019 chỉ có 10% khách đến tham quan điểm du lịch thông qua các công ty lữ hành, 90% là du lịch tự túc. Bên cạnh đó, các hình thức vận chuyển đơn điệu khiến du khách không cảm thấy thuận tiện cho chuyến tham quan của mình.

Ở tầm vi mô, sự thiếu liên kết giữa các điểm du lịch khiến các loại hình hoạt động dành cho du khách na ná nhau nhưng giá cả lại mỗi nơi mỗi khác. Sự đơn điệu trong sản phẩm du lịch khiến du khách nhàm chán. Tiến sĩ Trần Thanh Bé, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Xã hội thành phố Cần Thơ cho rằng, đây là xuất phát từ sự hạn chế trong nguồn vốn cá nhân của mỗi hộ làm du lịch cũng như sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đầu tư bài bản.

Hầu hết nhân lực phục vụ tại các điểm du lịch là con cháu trong nhà, theo hình thức “cây nhà lá vườn” thay vì thuê mướn nhân công bên ngoài. Do đó, những lúc cao điểm sẽ có tình trạng khách bị “bỏ rơi”, chất lượng dịch vụ vì thế chưa cao.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”

Trước thực trạng thiếu liên kết, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho rằng, cần có một “nhạc trưởng” đảm đương vai trò Ban Quản lý du lịch cộng đồng để liên kết các chủ thể tham gia vào chuỗi du lịch, định hướng cho các vùng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng theo đặc thù riêng có của mình, tránh nhàm chán và dẫm chân nhau.

“Nhạc trưởng” sẽ do cộng đồng tự bầu chọn và hoạt động trên cơ chế tự quản. Trong đó, không thể bỏ qua vai trò giám sát và hỗ trợ của chính quyền trong định hướng phát triển chung, các chính sách về vay vốn, đào tạo nghề…

Ngoài ra, để đảm bảo sự liên kết giữa các chủ thể chặt chẽ phải dựa trên những ràng buộc về trách nhiệm cũng như sự cân bằng lợi ích các bên. Hiện nay vẫn còn khá nhiều tình trạng các điểm du lịch tăng giá vé, giá dịch vụ mà không báo cho công ty lữ hành khiến họ khá lúng túng khi đã dẫn đoàn khách tới. Việc buông lỏng quản lý nhà nước cũng khiến nảy sinh các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các điểm du lịch khiến mục đích “phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm” của mô hình du lịch cộng đồng không đạt được.

Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong ngành Du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô cho rằng, các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cần có sự chung tay của cả xã hội. Trước hết, các trung tâm đào tạo cần đổi mới phương thức và giáo trình giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng viên thông qua những chương trình trao đổi giảng viên, tập huấn đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời, đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy học theo hướng ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin.

Tiếp đó, cần có sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch, cùng nhà trường tạo ra liên kết “đơn vị đào tạo nhà tuyển dụng” theo mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng”. Theo đó, doanh nghiệp sẽ “đặt hàng” ngành đào tạo, chuẩn đầu ra với trường, cam kết nhận học viên vào làm sau khi tốt nghiệp, hỗ trợ máy móc/ địa điểm thực hành và chuyên gia hướng dẫn thực hành.

Về vấn đề đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong cho biết, thành phố đang đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch địa phương nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng, thông qua lồng ghép trong những chương trình trọng điểm 6 tháng cuối năm như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2020; Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh - ITE HCMC 2020 và các sự kiện du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long sẽ tổ chức đoàn quảng bá - xúc tiến du lịch tại thị trường Nhật Bản, trong đó có Hội nghị Xúc tiến du lịch tại thủ đô Tokyo.

Trong năm 2021, du lịch đồng bằng sông Cửu Long sẽ có các hoạt động điểm nhấn như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Cần Thơ 2021, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ và Liên hoan Đờn ca tài tử năm 2021 tại thành phố Cần Thơ, Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang 2021, Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Đồng Tháp, Lễ hội Ok-Om-Bok tỉnh Trà Vinh… đây sẽ là những cơ hội tốt để thực hiện việc quảng bá, xúc tiến du lịch các địa phương./.

Nguồn: http://cand.com.vn

Cùng chuyên mục