Hoạt động của ngành

Xây dựng điểm đến an toàn để kích cầu du lịch Bình Thuận

Cập nhật: 12/06/2020 08:46:25
Số lần đọc: 1054
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực tới ngành du lịch trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Du lịch Bình Thuận cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi lượng khách sụt giảm mạnh, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019.

 


Biển Mũi Né luôn thu hút đông đảo du khách đến nghỉ dưỡng và chơi các môn thể thao trên biển. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các đơn vị kinh doanh đã nhanh chóng tái cấu trúc, thay đổi chiến lược vừa đảm bảo môi trường an toàn vừa kích cầu du lịch, tạo “tâm thế” sẵn sàng để vực dậy ngành Du lịch của địa phương.

Xây dựng điểm đến an toàn cho du khách

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã cho phép các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, lưu trú hoạt động trở lại.

Từ ngày 25/4 đến nay, hơn 80% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã mở cửa đón khách.

Khi mở cửa trở lại, các doanh nghiệp rất muốn thực hiện chương trình kích cầu để gia tăng lượng khách. Tuy nhiên, doanh nghiệp ý thức rất rõ về tầm quan trọng của việc giữ an toàn cho du khách và nhân viên phục vụ. Tất cả đều phải đảm bảo thực hiện các nội dung theo Bộ tiêu chí an toàn về phòng, chống COVID-19.

Sau hơn một tháng hoạt động trở lại, Hòn Rơm Central Beach resort (thành phố Phan Thiết) đón khoảng 200-250 lượt khách nội địa mỗi tuần (công suất đạt 23%), tập trung vào các ngày nghỉ cuối tuần. Đa phần khách đi theo từng tour, nhóm nhỏ hơn 10 người; nhóm gia đình và khách lẻ.

Ông Nguyễn Trọng Quang, Giám đốc Điều hành Hòn Rơm Central Beach resort cho biết: "Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng Bộ tiêu chí về phòng, chống COVID-19 mà ngành Y tế và ngành Du lịch đã thông báo. Để đảm bảo an toàn cho du khách và nhân viên, chúng tôi tiến hành đo thân nhiệt ngay khi đón khách tại quầy lễ tân; trang bị và bố trí nước sát khuẩn nhanh tại những nơi cộng cộng, nhắc nhở du khách thường xuyên rửa tay sát khuẩn. Nhân viên lễ tân đảm bảo giãn cách an toàn…

Những ngày hè oi bức, loại hình du lịch thể thao biển kết hợp với nghỉ dưỡng dự báo sẽ thu hút đông du khách đến với các bãi biển ở Bình Thuận. Ngoài các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, các cơ sở du lịch tại Bình Thuận tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn đuối nước cho du khách.

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, thể thao trên địa bàn tỉnh đã trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện để đảm bảo công tác cứu hộ như phao, canô, cắm cờ cảnh báo, lắp đặt các phao nổi cảnh báo ngoài biển để du khách biết.

Bên cạnh đó, các nhân viên trực cứu hộ, cứu đuối hồ bơi và bãi biển thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, báo hiệu để du khách biết và tham gia cứu hộ khi có sự cố.

Ông Phạm Tấn Nam, bảo vệ cứu hộ bãi biển của Năm Châu resort (thành phố Phan Thiết) cho biết: "Chúng tôi luôn quan sát chặt chẽ du khách, chuẩn bị áo phao, phao và trực 24/24h tại bãi biển. Du khách tắm biển cần lưu ý nghe theo hướng dẫn của cứu hộ bãi biển, tuân thủ quy định bãi tắm."

Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, việc xây dựng môi trường du lịch an toàn được ngành đặt lên hàng đầu. Đây cũng là “điểm nhấn” để xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến Bình Thuận an toàn, thân thiện và tạo đà để kích cầu du lịch sau dịch.

Thay đổi chiến lược, đẩy mạnh kích cầu nội địa

Xu hướng du lịch của du khách trong nước đã có nhiều thay đổi sau dịch. Thay vì đi theo những tour lớn, du khách lựa chọn đi theo hình thức những nhóm nhỏ. Việc lựa chọn các điểm nghỉ dưỡng cũng thay đổi.

Nhiều du khách khi đến Bình Thuận đều ưu tiên tìm kiếm những nơi có không gian rộng rãi, thoáng mát, bãi biển sạch, không quá đông người. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng của du khách cũng thay đổi, có phần “dè xẻn” hơn.

Đón đầu xu hướng du lịch mới, các công ty lữ hành, dịch vụ du lịch ở Bình Thuận đã linh hoạt xây dựng lại chiến lược kinh doanh, tung ra gói kích cầu vừa đảm bảo sự ổn định về tài chính cho doanh nghiệp, vừa có thể đáp ứng được nhu cầu của khách.

Ông Hoàng Công Định, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thương mại và Dịch vụ Dima Tour (thành phố Phan Thiết) cho biết hiện tại vì chưa có khách quốc tế, Công ty chuyển hướng mạnh sang thị trường nội địa. Ngoài ra, Công ty làm một số tour lẻ cho các du khách nước ngoài còn “kẹt” lại ở Việt Nam vì dịch.

Theo ông Định, vì xu hướng du lịch thay đổi, Công ty xây dựng thêm một số tour mang tính chất ít phải chi tiêu hơn trước để phù hợp với thị trường khách hiện nay.

Chẳng hạn, các tour sẽ cắt giảm các điểm tham quan có thu vé cao, thay vào đó là các điểm du lịch tự nhiên, sinh thái hoặc du lịch tâm linh. Từ đó, giá tour sẽ giảm và khách sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn.

Cùng với đó, Công ty đẩy mạnh những tour ngắn ngày, 1 hoặc 2 ngày thay cho những tour xuyên Việt như trước đây.

Theo một số cơ sở dịch vụ du lịch, lưu trú, nếu như mọi năm, trong mùa du lịch hè, việc đặt phòng diễn ra sôi động từ vài tháng hoặc vài tuần, năm nay du khách đặt gần sát với ngày đi và có chút “ngẫu hứng,” chờ khuyến mãi.

Do đó, để “hút khách,” các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá khá sâu, dao động từ 20 đến 50%. Mức giảm này nhiều hơn so với chương trình kích cầu của các năm trước, đồng thời thời gian ưu đãi cũng kéo dài.

Ông Trương Tiến Phát, đại diện Năm Châu resort cho biết thay vì tung gói kích cầu bao gồm các dịch vụ đưa đón, ăn uống, spa trong giá phòng, Năm Châu resort tiến hành giảm 40-50% giá phòng và hướng tới đối tượng khách là học sinh, sinh viên, nhóm gia đình.

“Mặc dù chạy chương trình giảm giá nhưng chất lượng phòng, dịch vụ không hề giảm. Thậm chí, trong lúc nghỉ dịch, chúng tôi còn gửi nhân viên ở một số bộ phận như: Buồng phòng, pha chế, lễ tân… sang một số đơn vị để đào tạo, nâng cao tay nghề,” ông Phát chia sẻ thêm.

Trải nghiệm chuyến du lịch đầu tiên sau dịch, du khách Vi Thị Thanh Hương (đến từ Hà Nội) cảm nhận vì giá kích cầu hợp lý: "Chúng tôi chọn Bình Thuận cho chuyến du lịch ngắn ngày. Mọi thứ ở đây đều ổn, biển đẹp và không quá đông người."

Du khách đã bắt đầu quay trở lại, đó là một tín hiệu đáng mừng của ngành Du lịch Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện nay công suất hoạt động của các đơn vị dịch vụ, lưu trú vẫn ở mức thấp, đạt khoảng 25-40%. Vì vậy, kích cầu du lịch mang tính đồng bộ, tăng tính liên kết và tạo “dấu ấn” đang là giải pháp mà Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đang hướng đến.

Theo ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, hiện nay lượng khách chưa ổn định. Vì vậy, các đơn vị không nên kích cầu riêng lẻ, mà cần có một gói sản phẩm ưu đãi chung và tập trung đưa chương trình “Oh, Wow! Mũi Né” thành thương hiệu riêng của Bình Thuận.

Chương trình “Oh, Wow! Mũi Né” là chương trình kích cầu lớn nhất từ trước đến nay của du lịch Bình Thuận, được ra mắt vào tháng 3/2020.

Chương trình hướng tới phát hành online miễn phí 1 triệu thẻ cho khách du lịch với mức ưu đãi đến 50% cho 3 năm 2020-2023. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, chương trình này chưa thể thực hiện như kế hoạch và mới được kích hoạt lại gần đây.

Ông Hà cho biết thêm, trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi động lại chương trình “Oh, Wow! Mũi Né” một cách mạnh mẽ, đem lại hiệu ứng và đủ sức hấp dẫn du khách đến với Bình Thuận./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục