Cao Bằng: Khẳng định giá trị thương hiệu làng nghề Phúc Sen gắn với phát triển du lịch
Nghề rèn đem lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho đồng bào Nùng An Phúc Sen.
Giữ “lửa rèn” gắn với phát triển du lịch
Ông Lương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen (Quảng Hòa, Cao Bằng) cho biết: Trong các làng nghề truyền thống thì nghề rèn ở xã Phúc Sen (nơi gìn giữ và truyền lại nghề rèn kim khí có tuổi đời hàng trăm năm) hiện thu hút gần 250 lao động địa phương thường xuyên tham gia sản xuất tại 4/11 xóm có nghề rèn gồm: Pác Rằng, Phia Chang, Tiến Minh, Đâư Cọ. Đây là nghề phát triển mạnh, có sản phẩm đa dạng, phong phú và mang lại thu nhập cao nhất. Sản phẩm nghề rèn không những tiêu thụ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh mà còn được các hộ sản xuất theo đơn đặt hàng của phía Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển, cùng với đó đây cũng là điểm du lịch trải nghiệm của du khách thập phương.
Tại làng du lịch cộng đồng Pác Rằng sau khi được quan tâm đầu tư về hạ tầng đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc. Vì vậy mà nghề rèn cũng phát triển hơn, được nhiều người biết đến và được du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm, mang lại nhiều lợi nhuận cho người dân địa phương.
Không chỉ gắn bó với những giá trị lịch sử và truyền thống của dân tộc, làng rèn Pác Rằng (Cao Bằng) còn là nơi gìn giữ và truyền lại nghề rèn kim khí có tuổi đời hàng trăm năm.
Đến xã Phúc Sen những ngày đầu tháng 06, đâu đâu cũng thấy các bếp than rực lửa và những đốm hoa lửa tung tóe sau những nhát búa của người thợ rèn. Hầu như nhà nào ở Phúc Sen cũng có lò rèn và những bí quyết nghề rèn của riêng của mình. Để làm được những con dao sắc, bền, bí quyết nằm ở chất liệu và kỹ thuật rèn. Vật liệu làm dao được chọn lọc từ những thanh nhíp ô tô bởi chúng có độ rắn và dẻo linh hoạt. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất chính là sự tinh tế, khéo léo của đôi bài tay người thợ rèn.
Ông Nông Văn Hồng ở xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Hòa, Cao Bằng) - một thợ rèn đã bắt đầu theo nghề từ những năm ông mới chỉ 16 tuổi. Đến nay, đã 40 năm theo nghề. Ông Hồng cho biết, để làm được những con dao sắc, bền, bí quyết nằm ở chất liệu và kỹ thuật rèn. Vật liệu làm dao được chọn lọc từ những thanh nhíp ô tô bởi chúng có độ rắn và dẻo linh hoạt. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất chính là sự tinh tế, khéo léo của đôi bài tay người thợ rèn.
Cũng đã có 40 năm kinh nghiệm, khi được hỏi về quy trình quan trọng để làm nên một sản phẩm tốt, ông Nông Văn Lợi, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen cho biết: Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn cho dao, nâng cao độ bền cho dao. Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi đến nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào màu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội. “Không ai rõ nghề rèn đã xuất hiện ở Phúc Sen từ bao giờ. Chỉ biết rằng lò rèn đã được truyền từ đời cụ, ông nội, đời bố và đến đời tôi. Giờ tuổi đã cao nên tôi truyền lại nghề cho con trai và con dâu, tiếp nối truyền thống của gia đình”, ông Lợi cho biết thêm.
Để làm ra một con dao sắc, người Nùng ở Phúc Sen có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ nhíp ô tô phế liệu.
Hiện nay, quy trình rèn ở Phúc Sen vẫn duy trì như trước kia, chỉ khác là các xưởng đã đưa thêm máy móc vào quá trình sản xuất, như búa máy thủy lực, máy mài, tiện..., nhờ đó giảm bớt sức lao động, tăng năng suất. Với một gia đình 2 nhân lực, nếu sản xuất thủ công, mỗi ngày chỉ hoàn thiện được từ 4 - 5 sản phẩm, khi có sự tham gia của máy móc, mỗi ngày có thể làm được từ 15 - 30 sản phẩm. “Lửa rèn” mang lại cho bà con cuộc sống ấm no, đủ đầy, giúp nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá non nước Cao Bằng.
Chuyển mình nhờ ứng dụng nền tảng số
Anh Lương Văn Mậu ở xóm Tiến Minh, xã Phúc Sen cho biết, trước đây dân làng Phúc Sen chỉ biết mang các sản phẩm rèn bán ở các chợ phiên, quán cóc bên lề đường quốc lộ, hoặc dựa vào các mối quen để xuất hàng sang Trung Quốc (do ở gần biên giới). Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài khiến việc kinh doanh rất khó khăn. Nhiều lò rèn trong làng không còn đỏ lửa.
Anh Lương Văn Mậu ở xóm Tiến Minh, xã Phúc Sen (Quảng Hòa, Cao Bằng).
Thế nhưng vài năm gần đây, các xưởng rèn bắt đầu cải tiến mẫu mã và quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức mới. Nhiều cơ sở sản xuất đã “đổ bộ” thị trường bằng Website, Facebook, chợ thương mại điện tử Shopee, Sendo, Lazada… Các sản phẩm rất đa dạng, phong phú, có đủ loại từ dao chặt, dao thái, dao lọc đến dao đi rừng, nông cụ, phụ kiện… giá mỗi con dao từ 200 - 500 nghìn đồng.
Giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet, các cơ sở này có thể thành lập fanpage, đăng ký tài khoản kinh doanh online, đăng tải hình ảnh chân thực về sản phẩm, chốt đơn trực tiếp với khách hàng. Người tiêu dùng ở khắp mọi nơi đều dễ dàng tìm kiếm thông tin, lựa chọn và đặt mua sản phẩm rèn Phúc Sen tùy theo mục đích, nhu cầu sử dụng.
Dạo quanh xóm Pác Rằng, nhiều thanh niên trong làng hầu như ai cũng biết đăng bài quảng cáo trên Facebook, Zalo. Thậm chí có người còn livestream, quay video clip đăng lên Youtube, áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá, free ship… nhằm thu hút khách hàng. Có lẽ vì vậy mà bạn bè gần xa biết đến thương hiệu dao Phúc Sen ngày một nhiều. Sản phẩm được không ít thương lái từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan... săn lùng, tìm mua. 1/3 số sản phẩm mà người Phúc Sen làm ra ngày nay đã lên đường xuất ngoại.
Đáng chú ý, làng nghề rèn Phúc Sen nổi lên với cái tên Kỳ Anh thợ khóa - một thợ sửa khóa tại TP Cao Bằng, nổi tiếng với kênh Tiktok hơn 1 triệu lượt theo dõi. Ngoài công việc chính là sửa khóa, chàng trai sinh năm 1997 này đã liên kết với các “nghệ nhân” làng rèn và một số cơ sở sản xuất, thành công bán được dao thông qua kênh Tiktok, tạo thêm đầu ra cho làng rèn, đồng thời khách hàng cả nước cũng mua được dao “chính hãng” từ làng rèn Phúc Sen.
Kỳ Anh thợ khóa bán hàng qua Tiktok.
Vì nổi tiếng trên mạng xã hội, trong lần đầu tìm đến làng nghề để mượn dao, rựa mang về thử bán trên Tiktok, Kỳ Anh đã nhanh chóng được dân làng tin tưởng. Kết quả, ngay hôm đó, anh chở xuống thành phố Cao Bằng khoảng 30 chiếc dao đủ loại. Đáng nói, ngay tối đầu tiên livestream bán hàng, số dao kể trên đã được bán sạch.
Biết kế hoạch đang đi đúng hướng, Kỳ Anh quay lại làng nghề để tìm kiếm những thợ rèn tay nghề giỏi, đáp ứng được một số yêu cầu đặc biệt của anh. Dần dần, công việc kinh doanh mở rộng, doanh số bán dao tăng lên chóng mặt.
Vẫn là dao do dân làng Phúc Sen chế tác, nhưng Kỳ Anh sáng tạo thêm một số mẫu mã mới, hợp với nhu cầu người mua. Dân làng trước đó cũng chưa biết tới việc bán dao trên mạng như Kỳ Anh. Về sau, Kỳ Anh đề nghị được mua dao của bà con với giá sỉ. Mỗi chuyến vào làng lấy hàng, anh mang vài trăm chiếc về thành phố để bán. Số dao trên được xuất đi cả nước, chủ yếu thông qua kênh Tiktok và Youtube.
“Tháng đầu tiên bán dao trực tuyến, mình bán được hơn 800 chiếc. Hiện tại, trung bình một tháng, mình cùng các lò rèn trong làng nghề xuất đi khoảng 1.000 sản phẩm dao, rựa, rìu, nông cụ. Giá các sản phẩm dao động từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng”, Kỳ Anh tiết lộ.
Rút kinh nghiệm từ sự cố mất kênh Tiktok hơn 1 triệu lượt theo dõi trước đây, Kỳ Anh đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hai thương hiệu “Kỳ Anh thợ khóa” và “Kỳ Anh Phúc Sen”. Trong đó, Kỳ Anh Phúc Sen là thương hiệu dao được anh lấy nguồn hàng từ bà con làng nghề rèn tại Cao Bằng.
Có thể nói, thương mại điện tử vừa là cánh cửa cho các hợp tác xã, cơ sở sản xuất năng động mở ra con đường tiêu thụ mới, vừa giữ lửa nghề cho các thế hệ không ngừng sáng tạo để nâng cao giá trị sản phẩm. Song, làm sao khẳng định được thương hiệu trên thị trường, không để tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn qua con đường online, làm mất uy tín dao Phúc Sen là vấn đề mà những người thợ rèn thời 4.0 cần phải tính đến.
Xã Phúc Sen (Quảng Hòa, Cao Bằng) có 11 xóm hành chính, tổng số 1.002 hộ với 4.205 nhân khẩu, có 02 dân tộc chính là Nùng, Tày cùng sinh sống. Dân tộc Nùng ở Phúc Sen vẫn lưu giữ được các nét văn hóa truyền thống đặc trưng như các nghề thủ công truyền thống, trang phục, các làn điệu dân ca,… Trên địa bàn xã có các nghề rèn, nghề làm hương, nghề làm giấy bản, nhuộm vải chàm, dệt, đan lát… Từ các nghề truyền thống đã cho người dân Phúc Sen nguồn thu nhập đáng kể, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm từ làm nghề. Tỉ lệ hộ nghèo toàn xã 209/997 hộ chiếm 20,96%. Các nghề truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà du khách thập phương đến nơi đây còn được tìm hiểu cách người dân giữ gìn nghề truyền thống qua đó hiểu hơn về nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Nùng An Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Tạ Thành