Non nước Việt Nam

Độc đáo làng nghề tủ thờ Gò Công (Tiền Giang) trên 100 năm tuổi

Cập nhật: 29/05/2023 15:27:56
Số lần đọc: 501
Thị xã Gò Công (Tiền Giang) là một trong những đô thị có bề dày văn hóa, lịch sử từ lâu đời. Tại đây, có làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công tuổi đời trên 100 năm hết sức nổi tiếng.  

Tủ thờ Gò Công. Ảnh: nongthonviet.com.vn

Từ lâu, tủ thờ Gò Công và những sản phẩm bàn ghế, trang trí nội thất của làng nghề đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng và tin dùng.

Theo ông Huỳnh Văn Lâu, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Gò Công, làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công đã được công nhận là 1 trong 13 làng nghề tiêu biểu của tỉnh.

Thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Gò Công, toàn làng nghề có 440 hộ chuyên đóng, sản xuất, kinh doanh tủ thờ Gò Công và các sản phẩm gia dụng, trang trí nội thất bằng gỗ chất lượng, thẩm mỹ và đắc dụng. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động lành nghề với mức thu nhập bình quân từ 4 - 12 triệu đồng/người/tháng tùy theo công đoạn làm việc.

Sản xuất chiếc tủ thờ Gò Công phải trải qua 6 công đoạn: Cưa, tiện, mộc, cẩn, sơn, ráp thành. Mỗi thợ chỉ đảm nhận một công đoạn. Ngoài sản xuất tủ thờ, các thợ còn làm thêm các sản phẩm truyền thống khác của người Việt Nam. Ảnh: nld.com.vn

Sau 20 năm được công nhận làng nghề tiêu biểu tỉnh Tiền Giang, làng nghề tủ thờ Gò Công hiện đang có bước phát triển mạnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội tại thị xã Gò Công nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung.

Được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương kiện toàn cơ sở hạ tầng, giao thông, nâng cấp lưới điện theo chuẩn nông thôn mới phục vụ sản xuất và đời sống đã giúp việc đi lại, giao thương và tiêu thụ sản phẩm tại đây ngày một thuận lợi.

Tận dụng thời cơ, các cơ sở đóng tủ thờ Gò Công ở làng nghề tích cực đầu tư máy móc cơ giới hóa các khâu sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu tủ thờ Gò Công và đa dạng hóa sản phẩm đồ gỗ gia dụng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bình quân mỗi tháng, làng nghề tủ thờ Gò Công cung ứng thị trường 720 sản phẩm, giá trị khoảng 14,4 tỷ đồng. Sự phồn thịnh của làng nghề là một trong những yếu tố giúp Tân Trung hoàn thành và ra mắt xã nông thôn mới năm 2016, hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Người thợ cẩn xà cừ được ví như người thổi hồn vào chiếc tủ thờ. Công việc đầu tiên là phác thảo hình dáng của xà cừ. Ảnh: nld.com.vn

Ông Nguyễn Trung Khánh, chủ cơ sở đóng tủ thờ Gò Công Ba Đức 2 cho biết, nếu trước đây, chiếc tủ thờ Gò Công truyền thống mẫu mã khá đơn giản, ít trụ trang trí mặt trước thì ngày nay người thợ thủ công đã tạo thêm nhiều mẫu mã mới theo hướng cách tân, hiện đại, tăng lên nhiều trụ, hoa văn đa dạng nhưng vẫn giữ những nét đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang tính thẩm mỹ cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Theo đó, chiếc tủ thờ Gò Công đương đại có nhiều trụ, mẫu mã càng đẹp, tinh xảo, cầu kỳ thì giá trị càng cao. Nếu trước đây, tủ thờ Gò Công truyền thống chỉ có 4 – 6 trụ thì hiện nay, có chiếc tủ thờ được đóng đến 21 trụ và giá trị lên đến hàng tỷ đồng/chiếc.

Theo ông Khánh, chủ cơ sở Ba Đức 2, gia đình ông có truyền thống nhiều đời đóng và kinh doanh tủ thờ Gò Công cha truyền con nối. Nếu tính đến đời ông thì nghề truyền thống đóng tủ thờ Gò Công của gia đình đã truyền đến đời thứ 4, thứ 5.

Với chuỗi 9 cơ sở đóng tủ thờ mang thương hiệu Ba Đức ( từ Ba Đức 1 đến Ba Đức 9) và nhiều chi nhánh trải khắp trong ngoài tỉnh Tiền Giang, chuỗi cơ sở đóng tủ thờ Gò Công Ba Đức nổi tiếng nhất làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công hiện nay. Chỉ riêng chuỗi cơ sở Ba Đức đã thu hút hàng trăm lao động làng nghề.

Ngoài ra, còn phải kể đến các thương hiệu khác cũng nổi danh không kém của làng nghề như doanh nghiệp tư nhân Hai Á, doanh nghiệp tư nhân gỗ Phát Lộc, doanh nghiệp tư nhân Phát Minh Hưng, Hữu Kỳ, Thành Châu, Tuấn Khanh, Quốc Thanh,…

Theo chủ các cơ sở, nghề đóng tủ thờ Gò Công là một nghề đòi hỏi công phu, tỉ mỉ và thợ thủ công lành nghề. Để đóng được chiếc tủ thờ thành phẩm, đạt chất lượng và yêu cầu thẩm mỹ cao, người thợ thủ công phải thực hiện nhiều công đoạn như cưa xẻ gỗ, bào đục, cẩn xà cừ, đánh bóng,… Mỗi công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu.

Phun sơn - công đoạn cuối cùng để hoàn thành chiếc lư, một phụ kiện đi kèm, làm tôn vinh thêm vẻ đẹp của tủ thờ Gò Công. Ảnh: nld.com.vn

Hiện nay, ngoài sản phẩm tủ thờ truyền thống, các cơ sở trong làng nghề còn sản xuất nhiều mặt hàng đồ gỗ nội thất từ bình dân đến cao cấp phục vụ nhu cầu thị trường trong ngoài nước như tủ, bàn ghế, đồ trang trí nội thất, sản phẩm gỗ phục vụ các công trình…

Theo lãnh đạo thị xã Gò Công, bắt nhịp cơ chế thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới để phát triển bền vững là định hướng chiến lược của làng nghề tủ thờ trên 100 năm tuổi ở Tiền Giang. Qua đó, sự thăng hoa và tỏa sáng nghề làm tủ thờ Gò Công còn thiết thực giúp thị xã Gò Công phát huy tốt các tiềm lực kinh tế - xã hội xây dựng quê hương đẹp giàu.

Để đạt mục tiêu, thị xã Gò Công tích cực hỗ trợ làng nghề phát huy nghề truyền thống độc đáo và đặc sắc của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động trên các mặt như hỗ trợ làng nghề mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới dây chuyền công nghệ, cơ giới hóa các khâu sản xuất; hỗ trợ vốn vay ưu đãi mở rộng sản xuất – kinh doanh; hỗ trợ đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động…

Mặt khác, thị xã Gò Công đang quy hoạch lại vùng sản xuất; tiến tới hình thành các khu sản xuất tập trung gắn với giải quyết ô nhiễm, bảo vệ môi sinh môi trường…Ngoài ra, chú trọng liên kết giữa khôi phục và phát huy nghề đóng tủ thờ Gò Công truyền thống với khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, giúp làng nghề tủ thờ Gò Công phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Minh Trí

Nguồn: Báo Dân tộc và miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 29/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT