Công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm bánh tráng Thuận Hưng
Quang cảnh buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ đề nghị các sở, ngành có liên quan, đặc biệt quận Thốt Nốt triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Làm phim tài liệu về nghề bánh tráng, phổ biến, truyền dạy, phát sóng truyền hình, truyền thanh; hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh.
Cần chú trọng tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia các kỳ hội chợ, hoạt động triển lãm, kết nối cung cầu được tổ chức tại địa phương và tại các tỉnh, thành phố trong nước. Hỗ trợ các hộ dân làng nghề thực hiện các hồ sơ, thủ tục để phát triển sản xuất kinh doanh, đăng ký thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa.
Đề nghị Đảng bộ, chính quyền quận Thốt Nốt luôn quan tâm, tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ bà con xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng gần xa.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, nghề làm bánh tráng thủ công truyền thống ở Thuận Hưng có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, được bao thế hệ trao truyền tiếp nối.
Trải qua nhiều năm tồn tại và phát triển với bao thăng trầm nhưng làng nghề vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống mang đậm nét văn hóa sâu sắc, kết tinh từ những thành quả lao động, miệt mài sáng tạo của người dân.
Hiện nay, trên địa bàn phường Thuận Hưng có 58 hộ sản xuất bánh tráng với hơn 250 lao động có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, còn khoảng 30 lò truyền thống chờ đến dịp Tết Nguyên đán sẽ sản xuất.
Làng nghề bánh tráng này cũng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, đặc biệt những người thích khám phá, tìm hiểu về những làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa của vùng đất Tây Đô nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Người dân làng nghề Thuận Hưng phơi bánh.
Theo một số hộ dân ở đây, nguyên liệu chính để tạo ra những chiếc bánh tráng thơm ngon là gạo. Người thợ sẽ ngâm gạo rồi đem đi xay thành bột, loại bỏ phần nước chua rồi pha bột theo đúng tỷ lệ, thêm một chút muối để vị bánh thêm đậm đà.
Sau khi tráng bánh để vỉ, người thợ sẽ chọn thời điểm ngay khi nắng vừa lên để phơi bánh. Sau cùng, bánh được gỡ ra khỏi vỉ và sắp thành từng phần ngay ngắn từ 10 đến 50 hay 100 cái tùy theo yêu cầu và loại bánh.
Bánh tráng Thuận Hưng có nhiều loại sản phẩm đa dạng như bánh mặn, bánh ngọt, bánh tráng dừa.
Hiện nay, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đang trên đà phát triển. Người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ sử dụng máy tráng bánh thay thế phương thức tráng thủ công. Hiện tại, có 3 hộ đầu tư sản xuất tráng bánh bằng máy, trong đó, có một lò tráng bánh nem vừa tráng và sấy khô bánh tự động.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật giúp sản lượng bánh tráng làm ra nhiều hơn trước. Sử dụng máy tráng sẽ tạo nên những chiếc bánh có độ dày vừa phải, bóng và tròn đều.
Nhờ vào sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, tới nay sản phẩm của làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đã đi đến khắp khu vực miền Tây cũng như các tỉnh, thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... và có mặt ở Campuchia.
Đang trên đà phát triển, tuy nhiên, hiện nay làng nghề bánh tráng Thuận Hưng vẫn phải đối mặt một số vấn đề. Lực lượng lao động trẻ được xem là đội ngũ kế thừa và phát huy của nghề truyền thống ngày càng ít dần.
Sản phẩm được làm bằng thủ công, người tráng bánh chủ yếu lấy công làm lời, thu nhập không cao; sản phẩm được làm theo nhu cầu đặt hàng của thương lái chưa có tính thường xuyên liên tục, chủ yếu tập trung cao điểm vào dịp Tết.
Hầu hết các cơ sở sản xuất chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, đóng gói bao bì, đăng ký thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt ở hệ thống siêu thị, các kênh thương mại điện tử và xuất khẩu...
Với những giá trị về kinh tế, văn hóa, những năm qua, chính quyền thành phố Cần Thơ và quận Thốt Nốt đã có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con ở Thuận Hưng duy trì sản xuất cũng như bảo tồn làng nghề.
Hoàng Phan