Non nước Việt Nam

Hà Nội: Vạn Phúc giữ nghề truyền thống

Cập nhật: 16/05/2023 10:56:54
Số lần đọc: 468
Dù đã có hơn 1.000 năm tuổi, sản phẩm vang danh khắp trong và ngoài nước, làm giàu cho hàng trăm hộ dân, nhưng làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) đang đứng trước thách thức khi số hộ làm nghề dệt ngày một vơi dần. Gìn giữ và phát triển nghề truyền thống là điều mà người tâm huyết với nghề truyền thống ở làng luôn đau đáu.

Xưởng dệt lụa của gia đình nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan, phường Vạn Phúc.

Làng nghề lâu đời

Nói về lịch sử, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà tự hào nhận xét, đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp và nổi tiếng trong và ngoài nước. Thời phong kiến, lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục cho các đời vua nhà Nguyễn. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là một trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc được xuất sang các nước Đông Âu. Hiện nay, lụa Vạn Phúc vẫn được đông đảo người tiêu dùng yêu thích. Với bề dày truyền thống hơn 1.000 năm, làng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay”. Mới đây, ngày 6-3-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lụa Vạn Phúc đã trở thành một sản phẩm của văn hóa, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông và Thủ đô Hà Nội. Nét đặc sắc, độc đáo ấy có được là nhờ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng nghề canh cửi. Theo nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan, Vạn Phúc có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu của Nhà nước và của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (14 người). Đó là các nghệ nhân Đỗ Văn Hiển - người duy nhất thiết kế mẫu hoa văn cho các sản phẩm lụa của làng Vạn Phúc. Ông Hiển vừa là người khôi phục các mẫu hoa văn từ xa xưa, vừa là người thiết kế mẫu mới. Đây chính là một trong những công đoạn cầu kỳ nhất, khó nhất trong sản xuất lụa. Sự đa dạng về mẫu mã phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của người tạo mẫu. Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Anh Sơn lại giỏi về kỹ thuật nhuộm lụa không phai...

Xưởng dệt của gia đình nghệ nhân Nguyễn Anh Sơn có 5 máy dệt hoạt động, chuyên sản xuất hàng cao cấp 100% tơ tằm. Anh Sơn cho biết, quy trình dệt lụa hiện nay không khác nhiều so với truyền thống. Tơ nguyên liệu được đưa vào guồng kéo ra các lõi nhỏ để mắc cửi, nối cửi rồi để dệt. Quá trình dệt, người thợ khéo léo tạo ra các sợi dọc sợi ngang để hình thành họa tiết... Tấm lụa sau khi dệt tiếp tục qua các công đoạn chuội, nhuộm, công đoạn nào cũng cầu kỳ, tỉ mỉ. “Cũng bởi chuyên dệt hàng cao cấp 100% tơ tằm nên mỗi ngày, một máy chỉ dệt được từ 5 - 7m lụa; mỗi người chỉ đứng được một máy” - anh Sơn nói.

Hiện nay, người Vạn Phúc dệt khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh với những tên gọi khác nhau như băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế... Trong các loại lụa cổ truyền, nổi tiếng nhất có lẽ là lụa Vân, loại lụa này có hoa nổi bóng mịn trên mặt lụa, hoa chìm thì chỉ thấy khi ra ánh sáng. Được biết, năm 2022, làng lụa Vạn Phúc sản xuất ước đạt 1 triệu mét lụa các loại, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 7 triệu đồng/người/tháng.

Đối diện với nhiều khó khăn

Lừng danh là thế nhưng những năm gần đây, nghề dệt lụa Vạn Phúc đối diện với không ít khó khăn. Nếu như năm 2001 cả làng có gần 500 máy dệt thì hiện tại còn không quá 200 máy đang hoạt động. Đặc biệt, số nghệ nhân của làng liên tục giảm qua các năm. Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Trần Thị Ngọc Lan cho biết: “Cách đây 2 năm, làng tôi còn 19 nghệ nhân được UBND thành phố Hà Nội và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng thì đến nay chỉ còn 14, đó là sự mất mát rất lớn đối với làng nghề. Trong khi đó, thế hệ kế cận tiếp nối nghề truyền thống lại thiếu trầm trọng. Ngay với vợ chồng tôi, mặc dù đã gần 50 tuổi nhưng vẫn được xem là thợ trẻ ở làng”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thu hẹp làng nghề. Một trong những khó khăn mà làng nghề Vạn Phúc đang gặp phải là lợi nhuận từ nghề dệt thấp hơn so với nhiều nghề khác nên không hấp dẫn được lớp trẻ. Nhiều hộ trước đây làm dệt nay đã chuyển sang làm công việc khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn, như kinh doanh buôn bán hoặc đơn giản là xây nhà trọ cho thuê...

Khó khăn nữa đối với nghề dệt liên quan tới nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Chị Đỗ Mai Hoa, người dân làng lụa Vạn Phúc, cho biết: Trước đây, người Vạn Phúc vẫn trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt lụa. Sau này, đô thị hóa khiến đất trồng dâu không còn, người làng lấy tơ từ những nơi lân cận hoặc từ các tỉnh khác. Tuy nhiên, hiện nay, vùng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ ở những nơi đó đều giảm. Do không chủ động được vùng nguyên liệu nên giá tơ không ổn định. Từ cuối năm 2022 đến nay, giá tơ đã nhiều lần tăng, từ 1,5 triệu đồng/kg lên 1,7 triệu đồng/kg (với tơ se là 1,85 triệu đồng/kg). Giá tơ tăng trong khi giá bán lụa gần như không tăng nên lợi nhuận không nhiều.

Nói về thực tế ở làng nghề, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho rằng, không phải người dân muốn quay lưng lại với nghề truyền thống, chỉ là họ đang gặp khó khăn trong phát triển kinh tế mà thôi. Một khi có thể làm giàu được từ nghề dệt thì chắc chắn nhiều người sẽ quay lại với nghề.

Duy trì sự phát triển nghề trước hết là trách nhiệm của toàn dân làng Vạn Phúc. Hiện nay, Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc và UBND phường vẫn thường xuyên tuyên truyền vận động các hộ gia đình còn điều kiện sản xuất nên quay lại với nghề và xác định mình là những người giữ lửa cho nghề, đồng thời động viên các hộ nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Các thành viên trong Hiệp hội liên kết để hỗ trợ nhau trong sản xuất và kinh doanh. Hiệp hội cũng hướng dẫn hội viên dệt tên cơ sở sản xuất của gia đình vào sản phẩm nhằm khẳng định thương hiệu và giúp khách hàng nhận diện, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm của nơi khác.

Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc cũng phối hợp với Hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc vận động nhân dân hằng năm tham gia các cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Thành phố và Bộ NN&PTNT tổ chức... Bên cạnh đó là thành lập bộ phận thiết kế mẫu, hỗ trợ các sản phẩm, hoa văn thiết kế mới; tiếp tục duy trì đầu mối nhập nguyên liệu tơ tằm về bán lại cho các thành viên hợp tác xã và hội viên không tính lãi để khuyến khích các hộ sản xuất.

Bên cạnh nỗ lực nội tại, người dân làng nghề Vạn Phúc mong muốn Thành phố sớm triển khai các dự án liên quan đến hỗ trợ bảo tồn, phát triển làng nghề, đặc biệt là phát triển làng nghề gắn với du lịch để giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. “Từ năm 2016, người dân làng Vạn Phúc đón nhận tin vui khi Thành phố đã tổ chức thi ý tưởng, quy hoạch dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc. Theo đó, Thành phố sẽ đầu tư xây dựng Bát Tràng và Vạn Phúc trở thành làng nghề kết hợp du lịch kiểu mẫu của Thủ đô. Người dân Vạn Phúc mong muốn dự án sớm được triển khai để bảo tồn và phát triển nghề. Có thu nhập ổn định thì chắc chắn người dân sẽ không quay lưng lại với nghề truyền thống.

Bài và ảnh: Minh Phú

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 15/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT