Yên Bái: Yên Bình phát triển làng nghề gắn với du lịch
Nghề đan rọ tôm tạo thu nhập ổn định cho người dân xã Phúc An.
Nằm ven hồ Thác Bà, người dân ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An đã gắn bó với nghề đan rọ tôm hàng chục năm nay. Từ một nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn, rọ tôm Đồng Tâm được bán tới các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang... dần dần trở thành nghề chính.
Gia đình bà Trần Thị Chinh là một trong những hộ làm nghề lâu năm. Những thanh giang, thân rọ và hom rọ trải khắp mặt sân hong nắng. Bên hiên nhà, từng nhóm chị em vừa trò chuyện vui vẻ vừa thoăn thoắt đan lát.
Bà Chinh cho biết: "Nghề này dễ làm. Từ trẻ con đến người già, ai ai cũng làm được mà thu nhập lại khá ổn định. Trước đây, nghề đan rọ tôm chỉ tập trung vào tháng 6 đến hết tháng 12. Vài năm nay, nhiều du khách thường ghé qua làng nghề trải nghiệm và mua sản phẩm nên công việc diễn ra quanh năm”.
Thôn Đồng Tâm được UBND tỉnh công nhận làng nghề năm 2017 đã góp phần giúp nghề đan rọ tôm phát triển mạnh mẽ hơn. Đến nay, xã Phúc An có 80% số hộ tham gia làm nghề. Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch homestay, các loại hình du lịch trải nghiệm: đan rọ tôm, đánh bắt tôm cá theo cách truyền thống trên hồ Thác Bà; lao động cùng nông dân và tìm hiểu các điệu múa dân gian của người Dao...
Tại xã Yên Thành, những người phụ nữ dân tộc Dao quần trắng vẫn dành thời gian thêu những bộ trang phục truyền thống. Với họ, mỗi đường kim mũi chỉ là cách gửi gắm tình yêu dân tộc mình, thể hiện sự trân trọng nghề truyền thống.
Bà Lê Thị Thương ở thôn Trung Tâm chia sẻ: "Tôi được mẹ dạy thêu trang phục truyền thống từ khi mới 10 tuổi. Hơn 30 năm nay, tôi luôn trân trọng, gìn giữ nghề. Phụ nữ người Dao đều biết thêu để tự tay may trang phục cô dâu khi xuất giá. Không chỉ giữ nghề thêu cho riêng mình mà tôi còn truyền dạy lại cho các con cháu để gìn giữ bản sắc dân tộc”.
Yên Thành có 95% dân số là đồng bào dân tộc Dao quần trắng sinh sống. Đồng bào vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Bà Vi Thị Thắm - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, xã đã vận động, tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn; giảng dạy và thành lập các đội văn nghệ; khuyến khích già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian tích cực khôi phục, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ. Từ đó, thế hệ trẻ của địa phương đã được học tiếng nói, chữ viết, các điệu múa truyền thống, làm quen với nghề thêu, dệt... Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh việc quảng bá thông qua trưng bày không gian văn hóa tại các lễ hội và hội diễn nghệ thuật quần chúng".
Theo ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thời gian qua, huyện đã xây dựng một số làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh), thôn Đồng Tý (xã Phúc An); làng nghề dệt, thêu thổ cẩm và nghề làm nhà sàn của người Dao ở xã Yên Thành; làng nghề đan lát tại xã Phúc Ninh...
Hàng năm, các làng nghề đã tiếp đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy vậy, các làng nghề phát triển còn manh mún, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách vì hạn chế về hạ tầng và kỹ năng làm du lịch. Một số sản phẩm còn bị tư thương ép giá, giá không ổn định, không có thị trường tiêu thụ...
Thời gian tới, Yên Bình tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch. Huyện cũng nâng cấp các làng nghề hiện có và hình thành các làng nghề mới, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Cùng với đó, đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động du lịch theo chiều sâu như: du lịch văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, homestay, vui chơi, giải trí, sinh thái… theo hướng kết nối các tour, tuyến, góp phần đưa du lịch của huyện phát triển bền vững.
Hoài Văn