Cao Bằng phát triển du lịch xanh, sạch, bền vững
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch xanh
Cao Bằng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và tiềm năng dồi dào cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch: sinh thái, danh thắng, vườn quốc gia, khu bảo tồn… Hiện nay hệ thống rừng đặc dụng của tỉnh gồm 8 khu, với tổng diện tích gần 24.261,28 ha. Hầu hết các khu rừng đặc dụng đều có phong cảnh đẹp, nguồn động vật, thực vật phong phú, hệ sinh thái, cảnh quan đặc thù, gắn với các giá trị về văn hóa. Nhiều khu rừng đặc dụng có tiềm năng lớn là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học như: vườn quốc gia Phja Oắc, Phja Đén (Nguyên Bình); Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít, Khu bảo tồn thiên nhiên thác Bản Giốc (Trùng Khánh); Khu di tích lịch sử, văn hoá Pác Bó (Hà Quảng); Khu di tích lịch sử, văn hoá rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình); Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Thang Hen (huyện Trà Lĩnh, nay là huyện Quảng Hòa)… Bên cạnh đó, tỉnh còn có những nông trại, nhà vườn với đủ các loại hoa trái từ thành phố đến các huyện: hoa hồng, dâu tây, cà chua, dưa lưới, mận máu, hạt dẻ, lê vàng, bí hương…
Công viên Địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng được tổ chức UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu năm 2018. Những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, cảnh quan và địa chất được đưa vào CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng gắn với phát triển du lịch như: 94 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng; trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, trong đó nhiều điểm có giá trị tầm cỡ quốc tế. Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng còn chứa đựng những giá trị quan trọng về đa dạng sinh học với hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ rất tốt bao gồm 01 vườn quốc gia, 05 khu bảo tồn loài - sinh cảnh, 05 khu bảo vệ cảnh quan, 01 khu bảo tồn đất ngập nước nội địa và 02 hành lang đa dạng sinh học. Những tài nguyên thiên nhiên lớn này được phân bố ở hầu khắp các các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Việc phát triển du lịch xanh gắn với phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, sinh thái là hướng đi nằm trong kế hoạch phát triển du lịch dài hạn của Cao Bằng. Cao Bằng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, gắn phát triển du lịch với phát huy tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất Non nước Cao Bằng cũng xuất phát từ định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh, đây là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững hướng tới vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, phát huy các điểm di sản, sử dụng hợp lý tài nguyên; hạn chế vấn đề khai thác vào cảnh quan, vào điều kiện tự nhiên; giữ gìn và phát huy tối đa mọi giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc; tận dụng các thế mạnh của địa phương.
Cao Bằng bảo vệ môi trường để phát triển du lịch
Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch
Để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, sạch, gần gũi thiên nhiên, tỉnh Cao Bằng đang hoàn thiện chính sách quản lý cũng như khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh. Cao Bằng định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, tập trung vào các loại hình, sản phẩm như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng - làng nghề, du lịch thông minh; triển khai đề án xây dựng hệ thống xử lý, phân loại rác thải tại các khu điểm du lịch... Đồng thời, tăng cường hướng dẫn các điểm đến thực hiện giải pháp văn minh du lịch, xây dựng môi trường xanh, sạch trong khuôn viên điểm tham quan; tuyên truyền người dân và du khách thực hiện ứng xử văn minh du lịch; đa dạng sản phẩm mang tính trải nghiệm, hướng du khách vào hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan; phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng.
Cao Bằng đã đưa mô hình xe điện du lịch thân thiện với môi trường vào hoạt động ở khu vực thành phố Cao Bằng và Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó từ năm 2017; triển khai du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở một số huyện, nổi bật là Khu du lịch sinh thái Kolia (Nguyên Bình), Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen (Quảng Hòa), Làng du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc), Làng du lịch cộng đồng Hoài Khao (Nguyên Bình), Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky (Trùng Khánh)...
Nhiều điểm đến của Cao Bằng từng bước xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch bằng việc trồng thêm nhiều cây xanh, vườn hoa, tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, như: trải nghiệm, check-in, hái dâu tây, dưa lưới tại nông trại Trường Anh (xã Hưng Đạo – TP. Cao Bằng); trải nghiệm hái chè, chăm sóc, thu hoạch rau màu, chăn nuôi gia súc tại Khu du lịch sinh thái Kolia (Nguyên Bình); trải nghiệm thu hoạch hạt dẻ tại vườn xóm Bản Khấy (Chí Viễn - Trùng Khánh); trải nghiệm, check-in tại Boong Farm (Hà Quảng), Lương Sơn Quán, Thiên Sơn Thịnh An Gia (TP. Cao Bằng), những con đường hoa trạng nguyên (Hạ Lang)… Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch đã tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên, khách du lịch ứng xử thân thiện với môi trường.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Cao Bằng luôn quan tâm, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường từ việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải để bảo vệ cảnh quan môi trường tại các khu du lịch, khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Sở cũng chỉ đạo các điểm di tích treo, dán các băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại các địa điểm tham quan và lối vào các khu di tích như “Bỏ rác đúng nơi quy định”, “Giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường”…; tuyên truyền khách du lịch thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường, thu gom bỏ rác thải đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon, xả rác bừa bãi ra môi trường; phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các buổi chiếu phim lưu động, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến thôn, bản, tổ dân phố về các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường cũng như truyền tải những nội dung, thông điệp có ý nghĩa về vệ sinh môi trường.
Sở VHTTDL Cao Bằng cũng chỉ đạo bố trí đủ số lượng các thùng rác ở vị trí thuận tiện cho du khách bỏ rác; lựa chọn địa điểm tập kết rác thải đảm bảo hợp vệ sinh, mỹ quan; xây dựng nhà vệ sinh, bố trí nhà vệ sinh lưu động đảm bảo phục vụ khách tham quan, du lịch. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường; phát hiện, xử lý các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động du lịch thiếu ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Sở VHTTDL Cao Bằng cũng chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát sửa đổi, bổ sung xây dựng nội dung quy ước xóm, tổ dân phố chú trọng nội dung bảo vệ môi trường; tổ chức ký cam kết giữ gìn cảnh quan và vệ sinh môi trường với từng hộ kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và các hộ dân trong khu di tích, danh thắng… Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ môi trường, từng bước làm thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường của cộng đồng và xã hội.
Nhờ thực hiện các biện pháp quyết liệt, môi trường sinh thái của tỉnh Cao Bằng được giữ gìn, bảo vệ tốt, tạo điều kiện cho tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế./.
Thanh Hiền