Cầu nối cho du lịch châu Á
Biếm họa: TILL LAUER
Trung tâm xử lý tình hình Covid-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 11/2 đã thông qua đề xuất về “bong bóng du lịch” với Ấn Độ nhằm thu hút du khách trẻ tuổi “có giá trị cao”, qua đó giúp phục hồi nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của quốc gia Đông Nam Á này. Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết, đề xuất về “bong bóng du lịch hàng không” Thái Lan - Ấn Độ (ATB) sẽ mang lại sự thuận tiện hơn cho hành khách đi máy bay giữa hai nước, trong bối cảnh vẫn còn một số hạn chế để phòng, chống dịch.
Theo người phát ngôn CCSA, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng thực hiện ATB càng sớm càng tốt, với những biện pháp phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt. Mục tiêu của kế hoạch là sớm đưa lượng khách du lịch Ấn Độ tới Thái Lan quay lại mức trước đại dịch. Ngoài Ấn Độ, Chính phủ Thái Lan có kế hoạch bắt đầu các cuộc đàm phán về “bong bóng du lịch” với Trung Quốc và Malaysia trong tháng này.
Chương trình “bong bóng du lịch” cũng được Indonesia thúc đẩy với Singapore. Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết, hai hòn đảo Batam và Bintan của quần đảo Riau sẽ sớm mở cửa đón du khách Singapore theo chương trình này. Công tác chuẩn bị kỹ thuật để mở cửa hành lang du lịch với Singapore bao gồm thiết lập một phòng xét nghiệm nhanh phân tử được tích hợp với ứng dụng khai báo y tế trực tuyến PeduliLindungi của Indonesia. Hai địa điểm đã được lựa chọn để triển khai thỏa thuận “bong bóng du lịch” hạn chế với Singapore là khu du lịch Nongsa ở thành phố Batam và đảo Bintan.
Ngoài ra, Indonesia cũng triển khai mô hình “bong bóng du lịch” cho các sự kiện trong năm Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với mục tiêu bảo đảm thành công cho Hội nghị cấp cao G20 với 158 cuộc họp tại 19 thành phố. Theo Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Indonesia, Johnny Gerald Plate, “bong bóng du lịch” sẽ được triển khai phù hợp diễn biến của biến thể Omicron vốn đang lây lan mạnh tại hàng loạt quốc gia trên thế giới. Indonesia từng áp dụng thành công “bong bóng du lịch” cho các sự kiện quốc tế quan trọng. Ngoài G20, kế hoạch này dự kiến cũng sẽ được áp dụng cho giải đua xe quốc tế MotoGP diễn ra tại Mandalika vào tháng 3 tới.
Gần đây, để bảo đảm năng lực cạnh tranh của khối trong lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng Du lịch các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí mở cửa trở lại ngành du lịch ASEAN. Các bộ trưởng cũng nhất trí áp dụng hệ thống công nhận vaccine ngừa Covid-19 được tiêu chuẩn hóa giữa các nước ASEAN, đồng thời hoan nghênh việc triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng vaccine ở từng quốc gia thành viên, vốn là chỉ số quan trọng để mở cửa trở lại ngành du lịch ASEAN.
Với trọng tâm là đi lại an toàn trong đại dịch, Lào và Campuchia vừa ký bản ghi nhớ về việc tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển tài nguyên thiên nhiên trong lĩnh vực du lịch. Bản ghi nhớ này đã mở đường cho việc thành lập một công ty tư vấn du lịch cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật để bảo đảm tiêu chuẩn du lịch cao ở Lào. Chính phủ Campuchia sẽ tiến hành một chiến dịch thông tin du lịch tại Lào cho du khách trong và ngoài nước. Nhằm phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid-19, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon thông báo, nước này đã phát động chiến dịch mang tên “Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn” với mục tiêu thu hút du khách từ ASEAN và khắp thế giới tới Campuchia. Theo đó, toàn bộ du khách đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đều được hoan nghênh đến Campuchia mà không cần cách ly.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus lạc quan cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể kết thúc trong năm 2022 nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine toàn cầu tăng và các nước cùng hợp tác để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Với những biện pháp kích cầu du lịch hiện nay, các nước châu Á hy vọng làn sóng du lịch sẽ sớm quay trở lại và trước mắt thì các “bong bóng du lịch” sẽ giúp phục hồi ngành du lịch của châu lục.
Việt Tùng