Nhìn ra thế giới

Khám phá Thủ đô hành chính của Malaysia

Cập nhật: 17/02/2022 11:03:52
Số lần đọc: 828
Những vườn cây xanh mướt bên hồ nước trong veo, đàn thiên nga tung tăng bơi lội làm sóng sánh những đám mây đang trôi trên bầu trời xanh ngắt. Bên kia hồ nổi bật tòa nhà làm việc của Chính phủ lung linh trong nắng sớm. Cách đó không xa là nhà thờ Hồi giáo bằng đá granite màu hồng mang nét kiến trúc độc đáo của văn hóa đạo Hồi, nơi đây có sức chứa 15 nghìn tín đồ đến cầu nguyện.  

Những tuyến phố rộng rãi đan xen các tòa nhà chọc trời… là những gì tôi nhận thấy đầu tiên ở Putrajaya - Thủ đô hành chính của Malaysia.

Văn phòng Thủ tướng

Malaysia có đến hai thủ đô đó là KualaLumpur với nhiều di sản văn hóa lâu đời, nổi tiếng như chợ trung tâm Pasar Seni, Quảng trường Mendeca, Bảo tàng quốc gia… cùng nhiều thứ "độc nhất vô nhị" như: Cột cờ tại Quảng trường Độc lập cao nhất thế giới, Tháp đôi Petronas hay tháp truyền hình quốc gia… mà bất cứ ai đến đây cũng phải ngước nhìn.

Câu chuyện ở Putrajaya như cổ tích “nghìn lẻ một đêm” bởi 26 năm trước, nơi đây chỉ là đồng hoang và những đồi cây công nghiệp thưa vắng bóng người. Tầm nhìn, ý chí và thành công của người Malaysia đã mở đường cho một loạt các nước trong khu vực như Myanmar, Indonesia, và xa hơn là Ai Cập đã và đang “dời đô” để “an cư lạc nghiệp” lâu dài. Từ bài học ở các nước, chúng ta có thể rút ra những điều bổ ích trong việc ứng xử với các đại đô thị còn nhiều vấn đề nan giải ở nước ta hiện nay.

Putrajaya là nơi đặt trụ sở của Chính phủ, trung tâm hành chính pháp lý của quốc gia. Nơi đây được đặt theo tên của cố Thủ tướng Abdum Raham Putra (từ “Jaya” nối với Sanchi Putra có nghĩa là “xuất chúng”), vốn là vùng đất hoang vu, đầm lầy không có sông ngòi, cây xanh, cách KualaLumpur khoảng 30 km về phía Nam.

Người đưa ra ý tưởng xây dựng thủ đô hành chính mới là Thủ tướng Mahathir Mohammad, người có tầm ảnh hưởng và “nhìn xa trông rộng” thấy được các vấn đề xã hội, giao thông và môi trường đông đúc quá tải tại Kuala Lumpur.

Từ năm 1995, thủ đô mới được khởi công xây dựng với hơn 8 tỷ USD. Thành phố (TP) có diện tích xây dựng 5 nghìn ha (trong đó độ che phủ của cây xanh, công viên chiếm 40% diện tích). Lấy kiến trúc Hồi giáo làm chủ đạo, TP có nhiều nét độc đáo nhưng không kém phần hiện đại cùng cảnh quan thiên nhiên rất lý tưởng.

Môi trường xanh, sạch, đẹp

TP Putrajaya được quy hoạch với số dân khoảng 350 nghìn người cùng 500 nghìn người thường xuyên đến làm việc. Trung tâm TP nằm giữa hồ trên một hòn đảo dài 4 km rộng 2 km. Con đường bờ hồ chạy bao quanh dài 38 km với hàng chục công viên, vườn hoa cùng khu vực dành cho chạy bộ, đường đi xe đạp.

Nơi này có Công viên Putra rộng hơn 70 ha luôn xanh, mát tọa lạc trên một quả đồi, từ đây có thể ngắm toàn cảnh TP yên tĩnh và xinh đẹp. Vườn bách thảo với hơn 700 loại thực vật nhiệt đới, người ta có thể khám phá thông qua các tour hướng dẫn hoặc tự đi bằng xe điện, xe đạp thuê. Ngoài ra còn có những lối mòn đi bộ tuyệt vời, các điểm cắm trại.

Thánh đường Hồi giáo Putra

Một điểm nhấn nữa đó là công viên “di sản nông nghiệp” dành riêng để bảo tồn nông nghiệp truyền thống của Malaysia. Đến đây du khách được giới thiệu và truyền dạy kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăm sóc các loại cây truyền thống: Cọ, cacao, cao su… Giữa lòng TP còn có nhiều khu vườn cộng đồng mà người dân có thể trồng cây ăn quả, rau xanh, nuôi ong lấy mật…

Để môi trường sống luôn xanh, sạch, đẹp và bền vững, TP đã đưa ra những chính sách thân thiện với môi trường mà bất kỳ ai ở đây và đến đây đều bắt buộc phải thực hiện. Nhằm hướng tới một TP sinh thái, Putrajaya đang phấn đấu trở thành “thủ phủ chim chóc” của đất nước.

Nơi đây hiện có hơn 200 loài chim sinh sống. Khu bảo tồn gồm đầm lầy, ao và rừng là môi trường sống quý giá cho 1.800 loài côn trùng, 16 loài lưỡng cư, 22 loài bò sát và 16 loài động vật có vú. Thật khó tin rằng khu vực này cách văn phòng của Thủ tướng và nhà thờ mái vòm chỉ 2 km.

Nhiều du khách đã từng đến đây nói rằng: Không khí nơi này rất trong lành, cây cỏ tươi tốt cùng những nét kiến trúc thú vị rất lý tưởng để sống, làm việc và nghỉ ngơi. Quả không sai khi TP đã giành được nhiều giải thưởng du lịch sạch của ASEAN.

Thành phố thông minh

Là TP trẻ, Putrajaya nhanh chóng trở thành một TP hiện đại, thân thiện và thông minh nhất của Malaysia. Được coi là bộ máy đầu não của Chính phủ, tại đây có trung tâm chỉ huy lớn, cập nhật, xử lý một lượng khổng lồ dữ liệu thông tin kỹ thuật số từ các cảm biến và camera đặt ở khắp nơi.

Các “mắt thần” ghi lại thông tin, sự việc đang diễn ra và nhanh chóng gửi cảnh báo về các vấn đề giao thông, môi trường, thời tiết, các dịch vụ chính phủ điện tử, hệ thống thương mại không dùng tiền mặt, rồi vấn đề tội phạm… cũng được thông tin đầy đủ.

Nét kiến trúc hiện đại

Có thể thấy mọi hoạt động ở TP đều được gắn với từ “thông minh” và được quản lý bằng các ứng dụng tin học tiên tiến nhất. Người hướng dẫn đoàn chúng tôi cho biết mỗi cư dân của TP được cấp một chiếc thẻ đa dụng có gắn chíp điện tử chứa nhiều thông tin cá nhân: Nhóm máu, tài chính, thông tin công việc…

Chiếc thẻ được sử dụng thay chìa khóa cho mọi cánh cửa, khi đi siêu thị, đến rạp hát, các câu lạc bộ, vào bệnh viện, thậm chí là thay giấy thông hành đến một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan…

Ở TP này, người lớn không phải mang theo tiền đi mua sắm, trẻ em đi học không phải đeo cặp sách trĩu nặng mà học hoàn toàn trên máy tính, việc làm bài, trả bài, thông tin liên lạc với nhà trường và gia đình đều thông qua mạng Internet rất thuận tiện và kịp thời.

Cầu treo Seri Wawasan

Putrajaya đang là TP hội tụ giữa công nghệ thông tin với hạ tầng hiện đại và không gian xanh rợp bóng cây. Nói là thủ đô trong vườn thật không sai chút nào.

Putrajaya đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện vào những năm tiếp theo. Câu chuyện ở Putrajaya như cổ tích “nghìn lẻ một đêm” bởi 26 năm trước nơi đây chỉ là đồng hoang và những đồi cây công nghiệp thưa vắng bóng người.

Tầm nhìn, ý chí và thành công của người Malaysia đã mở đường cho một loạt nước trong khu vực như Myanmar, Indonesia và xa hơn là Ai Cập đã và đang “dời đô” để “an cư lạc nghiệp” lâu dài. Từ bài học ở các nước, chúng ta có thể rút ra những điều bổ ích trong việc ứng xử với các đại đô thị còn nhiều vấn đề nan giải ở nước ta hiện nay.

Thế Dũng

 

Nguồn: Báo Bắc Giang điện tử

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT