Chiêm bái và thưởng ngoạn cảnh sắc hai ngôi chùa lớn nhất Việt Nam
Cách đây khoảng 1.000 năm, Hoa Lư được chọn là kinh đô của ba triều đại phong kiến là Đinh, Tiền Lê và Lý. Tương truyền, núi Bái Đính là nơi Quốc sư Nguyễn Minh Không dựng chùa chọn làm nơi tu hành, trước khi xuống núi chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông năm 1136. Năm 2003, chùa được trùng tu và mở rộng thành quần thể chùa Bái Đính với khuôn viên rộng hơn 1000ha bao gồm khu chùa cổ, khu chùa Bái Đính mới và những công trình phụ trợ khác. Quần thể chùa Bái Đính đã xác lập nhiều kỷ lục như: tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang 500 vị La Hán dài nhất châu Á, tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, đại hồng chung lớn nhất Việt Nam…
Chùa Bái Đính nổi bật với 2 màu sắc cổ điển là nâu và xanh (Ảnh: Internet)
Có dịp đến thăm Bái Đính, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước quần thể kiến trúc đồ sộ và quang cảnh tráng lệ, nổi bật bởi 2 sắc màu nâu cổ điển của gỗ, của ngói và màu xanh của cây và đá. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và màu sắc tạo cho du khách cảm giác thật thư thái và an yên, khiến cho tâm hồn tĩnh lặng, quên hết muộn phiền và lo toan của cuộc sống thường nhật.
Nếu như ban ngày, chùa Bái Đính thu hút du khách bằng quần thể kiến trúc hoành tráng với những pho tượng uy nghi được chạm khắc tinh tế thì về đêm, vẻ đẹp lung linh huyền ảo của ngôi chùa mới hiện rõ từng đường nét qua ánh điện sáng lấp lánh. Không gian tĩnh lặng bao trùm mọi cảnh vật khiến cho mỗi bước chân của du khách cảm thấy thư thái, tịnh tâm, hướng đến chân, thiện, mỹ. Có lẽ bởi vậy mà hàng năm, hàng vạn du khách đã lựa chọn hành hương Bái Đính về đêm để chiêm bái và lễ Phật.
Chùa Bái Đính về đêm mang vẻ đẹp lung linh huyền ảo (Ảnh: Internet)
Được hình thành trên nền tảng ngôi chùa cổ có niên đại hơn 1.000 năm trước, quần thể khu du lịch Tam Chúc hiện nay có diện tích hơn 5.000ha và được quy hoạch để trở thành thành Khu du lịch quốc gia với các hạng mục được xây dựng kì công có quy mô đồ sộ và kiến trúc đặc sắc, tinh xảo như cổng Tam Quan, Vườn cột kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế, Tháp Ngọc...
Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp như bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét hoàn toàn tự nhiên do tạo hóa sắp đặt, phía trước là hồ nước mênh mông, bao quanh là quần thể núi đá vôi độc đáo và phong cảnh nước non hữu tình. Quần thể du lịch Tam Chúc được ví như chốn bồng lai tiên cảnh nhờ sự kết hợp hài hòa giữa quần thể kiến trúc độc đáo với không gian thoáng đãng, thanh tịnh và cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục, mang đến bầu không khí thanh bình, tĩnh lặng cho mọi du khách ghé thăm.
Quần thể du lịch Tam Chúc được ví như chốn bồng lai tiên cảnh (Ảnh: Internet)
Tam Chúc về đêm lại càng khiến du khách say đắm. Dưới ánh đèn lung linh huyền ảo, nhìn từ trên cao, quần thể chùa như một mê cung rộng lớn và kỳ bí, toát lên sắc màu thanh tịnh nhưng lại càng kiêu sa đến lạ thường. Cảnh sắc lung linh, huyền ảo cùng không gian linh thiêng, rộng lớn đã khiến chùa Tam Chúc trở thành bức tranh tâm linh vừa tuyệt mỹ, vừa cổ kính, thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái, vãn cảnh, cầu phúc, cầu may.
Trung tâm Thông tin du lịch