Lâm Đồng: Hồ Đạ Tẻh - Vẻ đẹp lặng lẽ giữa miền hoang sơ
Hồ Đạ Tẻh - Ẩn chứa vẻ đẹp giữa hoang sơ
Đúng ngày nắng đẹp, mặt hồ xanh biếc mênh mông, thi thoảng vài con sóng lăn tăn gợn lên khi làn gió nhẹ thổi qua. Vài chiếc thuyền nan neo nghỉ gợi vẻ thanh bình. Buổi bình minh, sương còn phủ kín mặt hồ, lãng đãng trong mờ tỏ là bóng cây bóng núi xa thăm thẳm, bầu trời xanh ngắt in xuống đáy nước phẳng lặng như gương, những tia nắng đầu ngày lấp lóa. Chiếc thuyền đưa du khách len lỏi qua những quả đồi giống những chiếc nấm xanh nổi bồng bềnh trên mặt nước, cỏ cây và chim muông đua hót. Đập tràn điều tiết nguồn nước tạo nên con thác như chiếc màn mỏng manh đổ xuống dội vào lòng đá thành dòng chảy tuyệt đẹp, khiến người ta muốn ngồi mãi đây chẳng muốn về. Ngược về thượng nguồn phía Đông Bắc, thuyền đi qua những vách núi, hai bên bờ rừng cây cổ thụ um tùm, dây leo chằng chịt của rừng mưa nhiệt đới đưa ta lạc vào chốn thiên nhiên hoang dã như chưa từng có dấu chân người. Lặng ngắm mặt hồ tĩnh lặng, cảnh sắc tươi đẹp, thi thoảng có chú khỉ lò dò trên bờ, trong lùm cây đưa ánh mắt lạ lẫm đến thú vị. Hoàng hôn buông xuống, những tia nắng yếu ớt lan trên trập trùng núi đồi phía xa, tràn xuống thung lũng và trải dài trên mặt hồ, bóng chiều chạng vạng đổ dài. Trên bờ đập, nhiều người hóng mát ngắm ánh hoàng hôn dát vàng trên mặt hồ, cảm nhận cuộc sống thanh bình.
Đập tràn hồ Đạ Tẻh
Buôn Con Ó của người Mạ nằm ngay bên hồ có dòng kênh dẫn nước chạy dọc buôn, thi thoảng một chiếc cầu thân gỗ bắc qua. Hồ nước đã xua đi nắng cháy, mang đến màu xanh của cao su, hoa trái, đời sống của đồng bào mỗi ngày thêm ấm no, bản sắc văn hóa được gìn giữ - ông K’Túc, Trưởng thôn nói. Đêm xuống, trong âm vang dàn chiêng 6 của Câu lạc bộ cồng chiêng, bên rượu cần nghe già làng kể chuyện về nữ thần tình yêu với buôn làng và nguồn nước. Con người vốn thích thổi hồn vào sông, vào núi mà thành huyền thoại. Già làng người Mạ buôn Con Ó kể rằng: Thuở ấy lâu lắm rồi, bên dòng sông Đồng Nai, bên những con suối cạn hợp thành hồ Đạ Tẻh bây giờ, buôn trên làng dưới của người Mạ sống bình yên, con người - muông thú chung sống hòa bình, không có người hận thù nhau. Bỗng một ngày thần Chà (vị thần ác của người Mạ) nổi cơn giận dữ làm cho nước sông Đồng Nai dậy sóng làm cho những con suối cạn nơi đây đầy nước, sóng dữ dâng cao, gầm gào. Nước ngập dần từ bụng đến lút đầu người và dâng cao mãi nhấn chìm tất cả, nhà cửa bị sóng đánh sập, cuốn trôi cả thú vật trên rừng và con người trong buôn. Trong cơn sóng giữ, chàng trai trẻ dũng mãnh nhất buôn Mạ cũng đang chới với giữa dòng nước. Muông thú và dân làng tìm cách cứu chàng nhưng không cứu được. Tiếng thét thất thanh của chàng chạm đến cửa trời khiến nàng Ka Yiêng - con gái của Yàng giật nảy mình. Từ trên trời nhìn xuống, Ka Yiêng thấy người yêu của mình đang vật lộn giữa dòng nước xiết, cả buôn làng của người Mạ cũng đang gặp nạn. Không chần chừ, nàng xin phép cha cho xuống trần gian cứu người yêu và dân làng. Người cha tối cao đồng ý với một điều kiện “Khi trở về trời, con vĩnh viễn không bao giờ được trở lại trần gian để gặp người yêu nữa”. Vì mạng sống của dân làng Mạ, Ka Yiêng chấp nhận.
Cánh đồng Đạ Tẻh được tưới tắm bởi dòng nước hồ mà xanh tươi, trù phú
Cầm lưỡi gươm thiêng từ cha, Ka Yiêng lập tức xuống trần, vung lưỡi gươm đến đâu sóng yên, gió lặng đến đó. Vị thần Chà đành rút lui. Người yêu của nàng và dân làng người Mạ được cứu thoát. Từ tan hoang, gãy, đổ, bằng sức mạnh lưỡi gươm thiêng nàng giúp người Mạ dựng lại buôn làng, khơi nên những con suối, dòng sông quanh năm ăm ắp nước tưới tắm cho nương rẫy của người Mạ. Dấu tích của nó là những con suối nhỏ sau này được chặn dòng bằng con đập dài kỳ vĩ nối 2 sườn núi mà dâng lên thành hồ Đạ Tẻh. Xong việc, Ka Yiêng trao lại lưỡi gươm cho người yêu và trở về trời, nén đau, quên đi tình riêng, vĩnh viễn không trở lại trần gian. Lưỡi gươm đó được người Mạ nâng niu, gìn giữ trong khu rừng thiêng không có dấu chân người. Tưởng nhớ nàng, hàng năm người Mạ buôn Con Ó vẫn chọn ngày trời yên nắng đẹp để ra những con suối làm lễ cúng Yàng cho dòng nước chan hòa, mùa màng tốt tươi.
Hồ Đạ Tẻh - Ẩn chứa vẻ đẹp giữa hoang sơ
Huyền thoại ấy đã được viết tiếp và được nhân lên bằng sức mạnh của con người khi vào năm 1990, hồ Đạ Tẻh được khởi công xây dựng. Buôn Con Ó của người Mạ nằm trong lòng hồ được di dời đến mảnh đất cao hơn ngay bên cạnh hồ. Con đập lớn nối 2 sườn núi đã ngăn dòng để những con nước không còn chảy miệt mài vô nghĩa mà tụ lại hợp lưu dâng lên thành hồ. Vào thời điểm đó, hồ Đạ Tẻh là công trình thủy lợi “3 nhất” của tỉnh Lâm Đồng: vốn đầu tư lớn nhất, công trình thủy lợi hoàn chỉnh nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Năm 1997, hồ Đạ Tẻh hoàn thành trở thành công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Mặt hồ có diện tích rộng hơn 100 ha trải dài đến gần 10 km, nơi rộng nhất 400 m, chứa 24 triệu mét khối nước, được bao phủ bởi núi rừng nguyên sinh. Hồ đã mang nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho hơn 2.300 ha đất nông nghiệp làm nên những cánh đồng xanh tươi, trù phú ở các xã Mỹ Đức, Quốc Oai, Triệu Hải, Quảng Trị và thị trấn Đạ Tẻh, từng ngày làm cho vùng quê mới trở thành miền quê đáng sống, đưa huyện Đạ Tẻh trở thành huyện nông thôn mới năm 2020 là một trong 3 huyện đầu tiên của Lâm Đồng “về đích” nông thôn mới.
Trong tiếng đồng bào Mạ (chủ nhân của vùng đất này), Đạ Tẻh có nghĩa là dòng nước nóng (Đạ: nước, Tẻh: nóng). Có lẽ, một vùng lòng chảo bị bao bọc, che chắn bởi núi đồi nên khí hậu ở đây nắng nóng, khô cháy, những dòng nước chảy qua đây cũng trở nên nóng hơn những nơi khác; vì thế mà cả vùng đất nắng bụi mưa bùn có tên là Đạ Tẻh. Không còn cái nóng khắc nghiệt nữa, dòng nước mát lành từ rừng nguyên sinh làm cho nước hồ ăm ắp quanh năm, vừa tưới tiêu cho mùa màng, vừa cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân trong huyện, hồ Đạ Tẻh còn góp phần cải tạo, làm thay đổi hệ sinh thái và cảnh quan môi trường tự nhiên, điều hòa môi sinh, tỏa luồng hơi nước mát lành làm cho khí hậu dịu đi, giảm độ nóng cho cả một vùng lòng chảo. Năm 2004, hồ được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia./.
Quỳnh Uyển