Tin tức - Sự kiện

Chín tháng đầu năm, ngành Du lịch nỗ lực vượt khó, tập trung tái khởi động du lịch nội địa và quốc tế

Cập nhật: 29/10/2021 09:53:07
Số lần đọc: 1079
(TITC) - Sáng ngày 28/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi họp báo thường kỳ Quý III. Tại buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy đã thông tin đến các phóng viên, báo chí về một số hoạt động du lịch trong 9 tháng qua.  

Toàn ảnh buổi họp báo (Ảnh: TITC)

Nhiều chủ đề được các phóng viên, báo chí quan tâm như: hỗ trợ người lao động trong ngành Du lịch gặp khó khăn do dịch Covid-19, chuẩn bị kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế, giải pháp đào tạo nguồn lao động bị thiếu hụt, hỗ trợ các địa phương triển khai việc phục hồi du lịch…

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết, mở cửa thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc là một trong những kế hoạch trọng tâm được Tổng cục Du lịch chú trọng tập trung triển khai trong suốt thời gian qua. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Kiên Giang và các bộ, ban, ngành liên quan họp bàn, xây dựng kế hoạch chi tiết, cẩn thận, khoa học nhằm đảm bảo an toàn cho điểm đến, khách quốc tế đến và người dân. An toàn là yếu tố tiên quyết, quan trọng nhất, có an toàn thì mới mở cửa đón khách quốc tế được.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đang tiếp tục làm việc với các cơ quan ngoại giao để tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, tiếp tục lan tỏa hình ảnh Du lịch Việt Nam tới các thị trường tiềm năng. “Thị trường mục tiêu là khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại một số khu vực như châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, châu Úc…” - Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết.

Bên cạnh việc chuẩn bị kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, ngành Du lịch luôn coi trọng việc đón và phục vụ khách nội địa. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang phối hợp với các địa phương để chuẩn bị triển khai đón khách du lịch nội địa theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước mắt, địa phương nào đảm bảo an toàn sẽ được ưu tiên đón và phục vụ khách nội địa.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: TITC)

Về việc hỗ trợ người lao động ngành Du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ. Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã đồng hành, thúc đẩy các địa phương khẩn trương triển khai hỗ trợ các đối tượng đủ điều kiện một cách tốt nhất; đồng thời định hướng các địa phương, doanh nghiệp chú trọng công tác thu hút, đào tạo đội ngũ lao động trong ngành để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách khi du lịch phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Theo nhận định của Phó Tổng cục trưởng, dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch ngưng trệ thời gian dài, vì vậy khi du lịch tái khởi động, đào tạo nhân lực du lịch chắc chắn sẽ là một vấn đề cần được ưu tiên triển khai.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đánh giá cao tầm quan trọng của công tác truyền thông trong hoạt động du lịch, đồng thời bày tỏ mong muốn các phóng viên báo chí sẽ luôn đồng hành cùng ngành Du lịch để truyền tải, cập nhật thông tin một cách nhanh nhất đến với các độc giả thông tin về các hoạt động mở cửa du lịch của các địa phương, kế hoạch thí điểm mở cửa đón khách quốc tế…

Theo Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Đức Trung, 9 tháng đầu năm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quán triệt phương châm hành động năm 2021 của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai các hoạt động theo phương châm thống nhất “Quyết liệt hành động - khát vọng cống hiến”, tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Với lĩnh vực du lịch, từ tháng 4/2020 đến nay Việt Nam chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Số người nước ngoài đến Việt Nam trong các tháng qua không nhiều, chủ yếu với mục đích công vụ. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 31,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136.850 tỷ đồng, giảm 41,27% so với cùng kỳ năm 2020.

Để bảo đảm hoạt động du lịch an toàn, góp phần phòng chống dịch, Tổng cục Du lịch thường xuyên đôn đốc các địa phương yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 trên hệ thống tại địa chỉ https://safe.tourism.com.vn, thực hiện việc theo dõi và cập nhật danh sách cơ sở lưu trú du lịch được chọn làm nơi cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19; ban hành 09 văn bản khuyến cáo, đề nghị cơ sở khắc phục các tồn tại, thiếu sót đối với cơ sở lưu trú du lịch không đủ điều kiện.

Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài trong tình hình mới; phối hợp, đồng hành với các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch trước khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát.

Công tác truyền thông và chuyển đổi số được tăng cường. Hình ảnh Du lịch Việt Nam được quảng bá mạnh mẽ trên các nền tảng số của Tổng cục Du lịch. Tổng cục Du lịch cũng triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các đơn vị như MobiFone, Viettel, Đài Truyền hình Việt Nam và một số địa phương (Thanh Hóa, Hà Giang) về chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh ngành du lịch. Xây dựng Bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Xây dựng và triển khai hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc-xin Covid-19 (https://travelpass.tourism.vn) để phục vụ đón khách quốc tế trở lại.

Tại buổi họp báo, bên cạnh lĩnh vực du lịch, các phóng viên báo chí cũng quan tâm đến vấn đề quản lý trong lĩnh vực điện ảnh, di sản văn hóa, công tác chuẩn bị tổ chức SEAGAMES 2022…

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT