Tin tức - Sự kiện

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc tham dự hội thảo Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030

Cập nhật: 30/10/2021 07:50:09
Số lần đọc: 1098
(TITC) – Ngày 29/10/2021, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030.  

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng các sở, ban, ngành liên quan và đông đảo các doanh nghiệp du lịch, cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Hà Giang đã nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch, đón 1,5 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019), tạo 12.000 việc làm, trong đó có 6.000 việc làm trực tiếp cho lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định: Phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững. Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Hoạt động du lịch có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Hình thành một số khu du lịch dịch vụ tổng hợp, có quy mô lớn. Sản phẩm đa dạng, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia.

Các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và lãnh đạo tỉnh điều hành hội thảo

Báo cáo về dự thảo chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đại diện Sở VHTTDL Hà Giang cho biết: Hà Giang là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình; thời tiết, khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ; nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc là tiềm năng, lợi thể để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch của địa phương.

Vì vậy mục tiêu phát triển các sản phẩm du lịch Hà Giang trong thời gian tới được xác định là: xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng của Hà Giang nhằm thu hút đầu tư vào sản phẩm du lịch cũng như cơ sở hạ tầng du lịch, thu hút mạnh mẽ thị trường khách trung và cao cấp, thị trường khách chuyên biệt. Đưa Hà Giang trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh cao, hấp dẫn nhất so với các tỉnh miền núi trong cả nước...

Để đạt được mục tiêu đề ra, Hà Giang đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó tập trung nâng cấp các sản phẩm hiện có (du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm), phát triển sản phẩm mới như thương mại, biên giới, mạo hiểm (khinh khí cầu, cáp treo, dù lượn, đua thuyền, cưỡi ngựa)...

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc phát biểu về định hướng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch

Phát biểu về định hướng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho biết: Hà Giang cần tập trung khai thác tiềm năng văn hóa, du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các điểm du lịch có tài nguyên nổi trội để mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo thêm sinh kế, đem lại việc làm cho người dân, tăng nguồn thu hỗ trợ cho công tác bảo tồn.

Trong thời gian tới để phát triển du lịch bền vững, Hà Giang cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ công tác quy hoạch. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ phù hợp, kết hợp với công tác truyền thông, vận động cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường và cung cấp dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, du lịch Hà Giang cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù riêng có của địa phương, tránh phát triển dàn trải, sản phẩm có khả năng khai thác quanh năm, ít bị phụ thuộc vào tính mùa vụ, tránh để quá tải điểm đến vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch.

Ngoài ra, riêng đối với Hà Giang cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch số, chuyển đổi số trong ngành du lịch. Phó Tổng cục trưởng cho biết, Hà Giang là một trong mười tỉnh đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Tỉnh Hà Giang cũng đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, do đó đề nghị Hà Giang tích cực thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Hiện nay, Tổng cục Du lịch cũng đang tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 2 nội dung quan trọng, đó là xây dựng trục liên thông để kết nối các cơ quan nhà nước tham gia vào vận hành hệ thống du lịch và tập trung xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) du lịch.

Về sàn thương mại điện tử du lịch, chúng ta sẽ phải làm theo cách khác biệt. Các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào sàn TMĐT miễn phí và bán trực tiếp sản phẩm trên sàn giao dịch này, góp phần đẩy mạnh sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh với sàn TMĐT du lịch của nước ngoài.

Một trong những công cụ để du lịch Hà Giang phát triển nhanh, vững chắc là đưa sản phẩm du lịch lên các nền tảng số. Tiếp tục đẩy mạnh số hóa các điểm đến, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ thực tế ảo, tăng cường để đưa sản phẩm đến thẳng với du khách. Qua đây, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cũng mong muốn các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hợp tác để đưa du lịch Hà Giang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Toàn cảnh hội thảo

Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch đã có nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm để du lịch Hà Giang ngày một phát triển, đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đồng thời, có các ý kiến tham vấn về triển khai đón khách du lịch quay trở lại Hà Giang trong trạng thái bình thường mới, khôi phục du lịch nội địa, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19…

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Trần Đức Quý cảm ơn các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý sâu sắc để giúp Hà Giang xác định chiến lược phát triển sản phẩm du lịch trong thời gian tới. Tỉnh Hà Giang cam kết tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh liên kết vùng, đẩy mạnh thu hút khách du lịch nội địa trong thời gian tới, từng bước phục hồi khách du lịch quốc tế. Đồng thời, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong xây dựng điểm đến. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Lễ ký kết hỗ trợ khôi phục hoạt động du lịch giữa Hà Giang với Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Tại hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết chương trình hợp tác đầu tư giữa tỉnh Hà Giang với Tập đoàn Nam Cường về các dự án đầu tư phát triển du lịch Hà Giang; ký kết hỗ trợ khôi phục hoạt động du lịch giữa Hà Giang với Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Trong thời gian từ ngày 26 - 28/10, nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã khảo sát thực tế một số địa điểm du lịch tại huyện Bắc Mê và vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT