Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, đảm bảo nguồn lực phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch
(TITC) - Sáng ngày 31/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm và làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa theo yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực văn hoá, kết quả Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” và công tác phối hợp chuẩn bị các nội dung được phân công tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về tình hình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, bước vào giai đoạn 2021-2025, Bộ VHTTDL đã đề ra phương châm hành động của cả nhiệm kỳ là “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, qua đó hoạt động của ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật là sự thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam. Sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, nhờ quyết tâm vào cuộc, Bộ VHTTDL nhận thấy quá trình tổ chức thực hiện đã có sức lan tỏa lớn, tạo hiệu ứng tích cực.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Trong công tác tổ chức sự kiện, Bộ VHTTDL đã chủ động rà soát, tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện VHTTDL mang tính chiều sâu, gắn với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tạo nhiều dấu ấn. Lĩnh vực thể thao trong năm 2022, Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công SEA Games 31 thành công trên nhiều phương diện.
Về lĩnh vực du lịch, sau 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ VHTTDL đã tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó, xác định lấy du lịch nội địa làm bệ đỡ, tranh thủ các thị trường truyền thống để tiếp tục tạo khởi sắc cho du lịch Việt Nam. Số lượng khách du lịch quốc tế dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng đã có đóng góp tích cực cho từng bước phục hồi du lịch. Năm 2022 khép lại, du lịch Việt Nam đã vượt chỉ tiêu về du lịch nội địa, đạt 101,3 triệu lượt khách, có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng nhấn mạnh ngành VHTTDL vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt, sự chuyển biến nhận thức về văn hóa chưa mạnh, chưa đều; việc huy động các nguồn lực tập trung phát triển lĩnh vực VHTTDL còn nhiều hạn chế…
Để khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh phát triển ngành VHTTDL trong thời gian tới, Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội xem xét, quan tâm ủng hộ sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa khi Chính phủ trình; Tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…; cho ý kiến về Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi, tạo thuận lợi về chính sách thị thực giúp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định với vai trò là “nền tảng tinh thần của xã hội”, trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, văn hóa đều mang sứ mệnh cao cả, “dẫn đường” cho sự đổi mới, vượt qua mọi khó khăn.
Phó Thủ tướng cho biết hiện Bộ VHTTDL đang triển khai các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của du lịch sau đại dịch; khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045; lựa chọn các nhiệm vụ, dự án, vấn đề cấp bách cần ưu tiên triển khai trong lĩnh thể thao, văn học, nghệ thuật, di sản, môi trường văn hóa...
Phó Thủ tướng đề nghị, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành, Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết để giải quyết những vướng mắc trong phân cấp quản lý, đầu tư, phát triển hạ tầng thể thao, du lịch, văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (Ảnh: TITC)
Sau khi lắng nghe báo cáo của Bộ VHTTDL, ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu dự họp, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được trong thời gian qua. Ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và biến động, nhất là tác động của đại dịch Covid-19.
Điểm lại những kết quả nổi bật của ngành VHTTDL, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Bộ VHTTDL đã có rất nhiều nỗ lực, đặc biệt đã đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, chú trọng công tác xây dựng pháp luật, kiến tạo sự phát triển các ngành, lĩnh vực quản lý.
Thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XV, Bộ VHTTDL đã chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng, điển hình là Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ…
Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương việc Bộ VHTTDL chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức nhiều chương trình phối hợp, giúp Bộ huy động được thêm nhiều nguồn lực trong việc phát triển sự nghiệp VHTTDL. Lĩnh vực thể thao, du lịch đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Bộ VHTTDL đã tích cực triển khai các hoạt động phục hồi du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Chính sách xuất nhập cảnh, thị thực sẽ được xem xét tiếp tục sửa đổi trong thời gian tới để tạo điều kiện thu hút khách du lịch quốc tế.
Để văn hoá phát huy sức mạnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL cần tiếp tục chủ động đề xuất trình Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện về thể chế chính sách. Để thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 và kết quả Hội thảo Văn hoá do Quốc hội tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh năm 2022, cần tiếp tục rà soát, có thể bổ sung thêm một số nhiệm vụ lập pháp. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực trước đây dự kiến xây dựng pháp lệnh nhưng trong tình hình hiện nay cần thiết phải điều chỉnh bằng luật hay lĩnh vực chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh cũng cần được rà soát thật kỹ lưỡng.
Bộ VHTTDL cần chủ động đề xuất sửa đổi Luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, như Luật Di sản văn hóa hay Luật Quảng cáo. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu, đề xuất một số dự án Luật mới để Quốc hội xem xét và đề xuất sửa đổi các nội dung liên quan đến lĩnh vực của Bộ trong một số bộ luật khác như Luật thuế, Luật đầu tư, Luật xuất nhập cảnh…
Về việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho du lịch quốc tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết ngay tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về sửa đổi chính sách xuất nhập cảnh, thị thực đối với khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tạo thuận lợi nhất cho du lịch phục hồi và phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được trong thời gian qua (Ảnh: TITC)
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ VHTTDL khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hoá ngang tầm chính trị, kinh tế; bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và kết luận của lãnh đạo Quốc hội tại Hội thảo Văn hóa năm 2022. Triển khai xây dựng văn hoá, con người Việt Nam nhằm chào mừng 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước; phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, gia đình trong thời kỳ mới; chủ động tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các giải pháp đặc thù phát triển toàn diện các lĩnh vực VHTTDL…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Hội nghị sẽ có 3 phiên chuyên đề về Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Trong đó, phiên chuyên đề thứ 3 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững” liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của Bộ VHTTDL.
Về công tác phối hợp chuẩn bị phục vụ đoàn Chủ tịch Quốc hội thăm 3 nước châu Mỹ Latinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ VHTTDL chuẩn bị kỹ lưỡng các hoạt động tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam gồm: chương trình nghệ thuật, triển lãm ảnh, trình chiếu phim…
Trung tâm Thông tin du lịch
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 31/3/2023