Vị thế của bánh mì Việt Nam trong dòng chảy phát triển du lịch Việt Nam
Ban chủ tọa buổi hội thảo. Ảnh: TITC
Hội thảo do Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp với báo Thanh Niên tổ chức.
Tham dự hội thảo có Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Khánh; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Cẩm Tú; Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên Lâm Hữu Dũng; đại diện các khách sạn; công ty lữ hành; các chuyên gia ẩm thực; đầu bếp; nhà khoa học; nhà nghiên cứu; giảng viên, sinh viên ngành du lịch; các cơ quan thông tấn báo chí…
Hội thảo ngoài việc góp phần tôn vinh, quảng bá hình ảnh tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt thì đây còn là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến tiến trình lịch sử hình thành bánh mì Việt Nam, một hành trình giao thoa văn hóa góp phần đưa ra các luận cứ khoa học khẳng định sự sáng tạo, khác biệt, dấu ấn riêng của bánh mì Việt Nam so với bánh mì các nước trên thế giới, định vị thương hiệu, thúc đẩy hành trình phát triển sản phẩm này, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt với bạn bè thế giới.
Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: TITC
Tại Hội thảo, các khách mời trình bày tham luận theo 3 chủ đề: Lịch sử hình thành bánh mì Việt Nam, bánh mì trong văn hóa ẩm thực Việt Nam và bánh mì Việt Nam trong phát triển du lịch.
Theo đó, bánh mì Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm cùng với sự hiện diện của người Pháp với tên gọi ban đầu là baguette. Bánh này được người Việt nhanh chóng đón nhận và thưởng thức theo phong cách ẩm thực riêng của từng vùng miền. Với giá trị thật của bánh mì trong đời sống văn hóa ẩm thực của dân tộc nó dần trở thành món ăn không thể thiếu trong ẩm thực bình dân đến cao cấp của người Việt. Bánh mì là di sản văn hóa hiếm hoi từ thời Pháp thuộc còn tồn tại tới hôm nay và không ngừng phát triển… Bánh mì không chỉ là món ăn ngon, tiện dụng và đa dạng, thích hợp với túi tiền của nhiều tầng lớp trong xã hội, đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn thể hiện tinh thần tiếp nhận văn hóa và sáng tạo vô cùng khéo léo của con người Việt.
Bánh mì Việt Nam đã trở thành món ăn nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên bản đồ ẩm thực thế giới. CNN Travel gọi bánh mì là “Một món ăn đường phố khác của Việt Nam đã xuất khẩu thành công ra khắp nơi trên thế giới”. Tạp chí Du lịch Fodor đã bình chọn bánh mì Việt Nam là một trong 30 món sandwich trên thế giới mà người ta nhất định phải thử. TasteAtlas đã công bố danh sách 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, trong đó bánh mì của Việt Nam đứng thứ 6. Lonely Planet giới thiệu bánh mì trong quyển sách Những món ăn đường phố ngon nhất thế giới và khẳng định “Nếu bạn chưa ăn bánh mì, xem như bạn vẫn chưa ăn gì ở Việt Nam”. Hai từ “Banh mi” chính thức xuất hiện trong từ điển Oxford năm 2011…
Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tham gia Hội thảo. Ảnh: TITC
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bánh mì xuất hiện ở hầu hết mọi không gian và thời gian: từ xe đẩy bán dạo hay quán nhỏ ven đường đến các nhà hàng sang trọng, bất kể thời gian nào và tầng lớp nào cũng có thể thưởng thức bánh mì. Thành phố cũng đã có nhiều hoạt động nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị của bánh mì Việt Nam như tổ chức Tuần lễ “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”; các hội thảo khoa học về bánh mì Việt Nam; lan tỏa món bánh mì qua bài hát như bài “Tôi yêu bánh mì Sài Gòn”, là nơi đầu tiên tổ chức Lễ hội bánh mì Việt Nam …
Để phát huy giá trị thương hiệu bánh mì Việt Nam trong phát triển du lịch tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, các đại biểu đề xuất xây dựng website về bánh mì bằng nhiều ngôn ngữ; xây dựng logo chung cho thương hiệu bánh mì Việt Nam; đưa bánh mì đến gần hơn với kiều bào, du khách quốc tế thông qua chương trình du lịch và ẩm thực trên kênh truyền hình đối ngoại; các đơn vị sản xuất kinh doanh phải chủ động nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến quy trình chế biến và phục vụ du khách; một số tour du lịch có thể sử dụng bánh mì làm bữa ăn tiện lợi thay bữa ăn tại nhà hàng, giúp tiết kiệm thời gian và giúp du khách không mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu …
Các lãnh đạo và đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC
Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Nguyễn Thị Khánh cũng đề xuất với Hiệp hội Du lịch Việt Nam lấy ngày 24/3 là Ngày bánh mì Việt Nam và Lễ hội bánh mì Việt Nam sẽ được tổ chức thường niên vào đúng ngày này.
Trung tâm Thông tin du lịch