Có một làng Sen ở miền tây Nghệ An
Lối vào làng Sen.
1. Vào thu, trên những nẻo đường về miền núi xứ Nghệ lúa bắt đầu làm đòng, tỏa hương dìu dịu. Trong không gian tươi xanh và giàu nhạc điệu ấy, tôi lạc đến làng Sen, một địa danh xưa của xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Dù đã không ít lần qua đất này, nghe nói đến bến Phà Sen, một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ trong thời chiến, thế nhưng khi về với đất này, qua những cụ cao niên và một vài tư liệu bước đầu thu thập được, tôi mới có điều kiện hiểu hơn về làng Sen cũng như xã Nghĩa Đồng vốn dĩ là một vùng cư trú lâu đời và liên tục từ 5 thế kỷ nay...
Từ cánh cổng mới xây dựng khi xã Nghĩa Đồng về đích nông thôn mới (NTM) cách đây vài năm, đi qua đồng lúa thì đến xóm 7 là một phần của làng Sen cũ. Trước kia, vùng đất được chia là 2 ngôi làng lớn. Ngoài làng Sen còn có làng Sẻ. Xóm 7 hiện có Đình Sen là chứng tích của cao trào cách mạng 1930 -1931 và phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Theo chỉ dẫn của một cán bộ văn hóa xã, chúng tôi tìm đến ông Trần Đình Lệ - vị cao niên tuổi 85, là người chứng kiến những đổi thay của vùng đất. Ông Lệ cho hay, trước kia làng ở bên một bàu sen cạnh sông Sen, là một nhánh của sông Lam. Sau này do biến đổi dòng chảy, sông lấn vào khu dân cư. Năm 1965, dân làng bắt đầu chuyển đến chỗ ở hiện nay và hình thành những xóm mới. Một bộ phận người dân thuộc làng Sẻ vẫn ở lại đất cũ.
Đình Sen trong khuôn viên nhà văn hóa xóm 7.
Thời Pháp thuộc, làng Sẻ còn gọi là làng San, tên chữ là Tri Chỉ. Còn Làng Sen còn gọi là làng Phương Liên thuộc xã Tri Lễ, tổng Cự Lâm, huyện Nghĩa Đàn. Có thể do cư dân nơi đây từng sinh sống cạnh bàu sen mà thành tên làng. Từ khi lớn lên, ông Lệ đã chứng kiến khung cảnh trù phú của làng Sen và các vùng quần cư lân cận. Cạnh làng là một ngôi chùa, ngoài ra còn đền Vạn, đền Thanh Minh, đền Song Đồng Ngọc Nữ. Những ngôi đền này đều gắn liền với quan niệm tâm linh của người dân vùng sông nước, sống bằng nghề chài lưới. Nhưng rồi, hầu hết công trình đều bị tàn phá trong những năm 1960. Hiện nay, cả xã chỉ còn sót lại ngôi đình nằm trong khuôn viên nhà văn hóa của xóm 7. Đó là Đình Sen - nơi 3 đảng viên cộng sản bị thực dân Pháp hành quyết trong cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Trong một tài liệu được ấn hành năm 2007 về xã Nghĩa Đồng có ghi lại sự kiện này: Đầu tháng 10.1930, đồng chí Võ Nguyên Hiến và đồng chí Võ Thược lên Thọ Lộc tổ chức hội nghị nhằm kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng đang lên ở Cự Lâm, Thọ Lộc và các nơi khác trong huyện. Sau khi báo cáo về việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ đầu tháng 2.1930, đồng chí Võ Nguyên Hiến tuyên bố thành lập Chi bộ ghép hai xã Thọ Lộc và Cự Lâm. Đây là một trong những chi bộ Đảng ra đời đầu tiên ở các huyện miền núi của Nghệ An.
Kết cấu đền sau gần 100 năm xây dựng.
Tháng 6.1931, Huyện uỷ Nghĩa Đàn tổ chức hội nghị mở rộng rộng ở Cồn Mối. Huyện uỷ đang họp thì một lý trưởng vốn thù ghét cách mạng, đã dò la tình hình và đi báo với quan huyện. Đêm 26.6.1931, lính đồn huyện bao vây, bắt được các đồng chí Nguyễn Linh, Lê Thạch, Lê Nguyệt và một số quần chúng giải về huyện. Ngày 13.7.1931, sau một thời gian dùng cực hình tra tấn nhưng không khuất phục được tinh thần các chiến sĩ cộng sản, giặc đã đưa những người bị bắt lên một chiếc xe nhà binh có lính canh phòng kéo về Đình Sen để tuyên án. Trước họng súng kẻ thù, các đảng viên cộng sản hiên ngang hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến chế độ!”, “Đảng Cộng sản muôn năm!”. Cuối cùng, chúng đã bắn ba đồng chí tại sân Đình Sen và đem chôn sát hồ nước cạnh đình.
2. Dẫn chúng tôi thăm ngôi đình lịch sử là ông Nguyễn Trọng Phương - một cao niên ở xóm 6A xã Nghĩa Đồng, một trong những người ít ỏi thông hiểu Hán Nôm đang cư ngụ tại địa phương. Theo ông Phương, đình xây dựng vào năm 1926 trên đất thôn Phương Liên và là ngôi đình lớn nhất vùng. Hiện nay, ngôi đình còn 4 hàng cột gỗ lim vừa một vòng tay người ôm. Ngoài ra, còn có một số kết cấu tạc rồng phượng, tất cả đều bằng gỗ lim. Đầu hồ đình khắc 4 chữ “vạn phúc du đồng”. Ông Phương giải thích dòng chữ Hán có ý nghĩa là phúc được chia đều cho mỗi người. Sau lần di dời vào năm 1965 và trong một thời gian dài không được quan tâm đúng mức, ngôi đình đã xuống cấp. Mới đây, công trình được tu sửa và xây dựng thêm một số cột chống đỡ bằng bê tông. Những chữ Hán cũng được sơn lại. Hiện nay, ngôi đình trở thành một phần của nhà văn hóa xóm 7.
Ông Nguyễn Trọng Phương và những tư liệu về ngôi làng.
Theo những vị cao niên ở làng Sen, người làng Sen đến đất này khoảng 500 năm về trước. Dòng họ Phan là những người đến khai hoang lập ấp tạo thành quần cư trù phú. Ông tổ của dòng họ này là Phan Văn Mô dẫn theo gia đình đến đây vào thời Lê. Sau đó, các dòng họ như Trần, Vũ, Nguyễn, Đậu, Lê... tìm đến sinh sống. Dòng họ đến muộn cũng khoảng 200 năm nay.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bến Phà Sen cạnh ngôi làng là một trong những trọng điểm hoạt động quân sự của kẻ địch. “Tôi vẫn nhớ những lần làng bị quân đội Pháp pháo kích bằng cối ca-nông-vanh, dù ngày ấy còn rất trẻ” - ông Nguyễn Trọng Phương kể. “Nhất là những năm Mỹ cho máy bay bắn phá miền Bắc, tuyến đường 15B qua bến Phà Sen được xem như yết hầu của khu vực Tây Bắc tỉnh Nghệ An nên bị bắn phá ác liệt lắm”, trong trí nhớ của ông Phương vẫn luôn in đậm dấu ấn hình ảnh đội dân quân tự vệ luôn túc trực ngày đêm để đảm bảo an toàn cho những chuyến xe qua phà.
Ngày nay, làng Sen đã thay da đổi thịt. Cuộc sống người dân đã khấm khá hơn xưa, nhưng người trẻ ngày nay vẫn không quên truyền thống. Lang thang trên không gian mạng, tôi chợt bắt gặp một tài khoản Facebook tên là Làng Sen - Làng Sẻ, danh xưng cũ của đất Nghĩa Đồng. Người dùng luôn cập nhật những hình ảnh về nét đẹp quê hương, qua đó có thể thấy rằng, truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của cha ông vẫn được lớp trẻ noi theo.