Non nước Việt Nam

Duyên ngầm Cát Minh (Bình Định)

Cập nhật: 30/08/2020 09:15:40
Số lần đọc: 890
Khi khám phá các địa phương trong tỉnh, nếu bạn muốn tìm nơi vừa có cảnh đẹp đồng quê yên bình vừa biết được thêm các nghề truyền thống, xã Cát Minh, huyện Phù Cát là một gợi ý thú vị. Sự cuốn hút của nơi đây đến từ những nét “duyên ngầm” mộc mạc.

Rất nhiều người - nhất là dân phố - cầm những hạt muối trắng tinh được bán với giá rẻ đến không tưởng, rồi thầm nghĩ rằng nghề làm muối chắc cũng nhẹ nhàng... Sẽ không ai nghĩ như vậy nếu dạo qua tìm hiểu quá trình làm muối tại xã Cát Minh, một trong các địa phương có diện tích ruộng muối nhiều nhất trong tỉnh. Vâng, xin khẳng định là chỉ cần dạo qua thôi chứ không cần trải nghiệm cùng làm muối với diêm dân, bạn sẽ thấm thía. Đi chơi, nhìn ngắm, săm soi, nhất là khi dắt theo con trẻ, những chuyển biến trong suy nghĩ như thế có lợi rất nhiều nếu bạn muốn trẻ phát triển toàn diện.

Diêm dân ở thôn Đức Phổ 2, xã Cát Minh.

Về hai thôn Đức Phổ 1 và Đức Phổ 2, len lỏi theo những con đường đất nhỏ, xuyên qua nhiều đồng muối rộng mênh mông, ánh nắng rọi vào những ô nước ruộng muối lấp lánh... sẽ cho bạn những cảm giác thú vị đầy mới mẻ, bất ngờ. Hôm tôi về làng muối không đúng vào thời điểm rộn ràng thu hoạch muối (thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 7 âm lịch hằng năm) để được ngắm muối phủ trắng đồng, nhưng chứng kiến, trò chuyện với một số diêm dân vẫn lặng lẽ phơi mình giữa nắng nóng gay gắt ban trưa để vận chuyển đi tiêu thụ số muối còn lại, hoặc chuẩn bị cho đợt làm muối mới, cũng cho chúng tôi hình dung phần nào nỗi cực nhọc của diêm dân. Đứng giữa đồng muối dưới cái nắng bừng bừng dọi xuống, tôi hiểu khi người ta viết “kết tinh trong muối có cả mồ hôi và cả nước mắt” có thể hiểu theo cả nghĩa đen chứ không chỉ là nghĩa bóng.

Khu vực cầu Bến Đò ở thôn Xuân An là địa điểm “mới nổi” ở Cát Minh, thu hút nhiều người mê nhiếp ảnh ở các huyện, thành phố trong tỉnh tìm đến. Nơi đây trước kia có bến đò đưa đón khách qua hai bên bờ sông thuộc địa phận xã Cát Minh và xã Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ). 12 năm trước, cây cầu bê tông dài 131 m được dựng lên tại đây nên các bến đò dừng hoạt động. Nhưng cảnh đẹp nơi đây thì còn đó. Đứng trên cầu, có thể ngắm phong cảnh rất đẹp mang đặc trưng riêng của địa hình nơi đây, nhất là đoạn sông uốn lượn mềm mại qua những cánh đồng. Vào mùa lúa chín vàng, cảnh sắc khu vực này còn đẹp hơn bội phần.

Từ trên cầu nhìn xuống, ngay trước tầm mắt là một bãi bồi giữa dòng sông, trên đó có ngôi nhà thấp thoáng dưới nhiều hàng cây, người dân quây lưới nuôi vịt trên sông. Tạo thêm cảm xúc cho người ngắm cảnh là những ngư dân chèo sõng thả lưới đánh bắt cá ở khu vực này. Rời cầu Bến Đò, bạn hãy dành thêm thời gian đi dạo một số ngôi làng có cảnh quan khá đẹp ở khu vực xung quanh, với khá nhiều nhà trồng cau, dừa rợp bóng mát.

Xã Cát Minh cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng hơn 50 km, có thể đi theo tuyến đường ven biển đến ngã ba xã Cát Khánh thì rẽ trái đi khoảng 3 - 4 km là đến xã Cát Minh, hoặc đi theo đường QL 1A đến ngã ba Chợ Gồm (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) thì rẽ phải đi thêm hơn 10 km. Sau khi tham quan các điểm ở Cát Minh, có thể đến xã Cát Khánh để vui chơi, tắm biển ở Vũng Bồi - Ðề Gi, hay thưởng thức các loại hải sản tươi ngon ở các nhà hàng, quán ở khu vực bãi biển ngay bên cạnh Cảng cá Ðề Gi.   

Từ cầu Bến Đò đi khoảng chưa đến 5 km nữa là đến làng nghề đan đát thôn Trung Chánh. Làng nghề có từ lâu đời, những sản phẩm làm từ tre, mây ở đây theo những chuyến xe đến với mọi miền đất nước. Nếu đến đây vào buổi sáng, bạn sẽ được hòa vào không khí nhộn nhịp của chợ phiên Trung Chánh. Đến với phiên chợ của làng nghề này, xin hãy để ý hương tre tươi bảng lảng khắp nơi. Lần đầu đến phiên chợ này, nét tinh khôi giản dị, mộc mạc ở đây cứ như quấn quýt bên tôi. Cùng với mùi thơm tre tươi từ các sản phẩm đan đát, phiên chợ như thi vị hơn trong gió sớm mai man mát. 

Thôn Trung Chánh có 7 xóm, đi đến xóm nào cũng đều thấy có người dân đang cần mẫn làm các loại nia, nong, sàng, rổ, thúng...Trong đó, xóm Trung Hiệp tập trung nhiều người làm nghề, nơi bạn có thể ghé thăm nhà cụ Huỳnh Thị Trưng (85 tuổi), một trong những người có thâm niên nhất ở làng nghề. Cụ Trưng còn rất minh mẫn và hiếu khách, vừa ngồi đan vừa vui vẻ kể cho khách nghe nhiều chuyện từ trước đến nay về làng nghề, hay nói rõ cách làm các sản phẩm đòi hỏi sự chịu khó, khéo léo.

Ông Phạm Văn Huynh đã làm ra nhiều sản phẩm khác biệt ở làng nghề truyền thống đan đát Trung Chánh.

Thêm điểm hấp dẫn ở thôn Trung Chánh, khi ông Phạm Văn Huynh (64 tuổi) ở xóm Trung Tâm cách đây 3 năm bỗng nảy ra ý tưởng thử làm các món đồ “không đụng hàng ” mà đến nay vẫn chưa có ai khác ở làng nghề làm được. Cũng từ nguyên liệu tre, mây và dựa trên kỹ thuật đan đát truyền thống, ông Huynh tự nghĩ ra hoặc nhận đặt hàng làm sản phẩm theo nhiều mẫu được cung cấp. Từ đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo riêng của mình, ông Huynh đã làm ra các loại lồng đèn, đèn măng xông, túi xách, cho đến các loài vật (tôm, cua, cá...), cối xay lúa, ngôi nhà...thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Đến nhà “nghệ nhân” này, bạn sẽ thích thú khi được ngắm nhiều đồ vật như thế, rồi có thể chọn mua sản phẩm “chính chủ” để lưu niệm chuyến tham quan làng nghề với những ấn tượng đẹp... 

HOÀI THU

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT