Non nước Việt Nam

Cung An Định: Giao thoa kiến trúc Đông – Tây

Cập nhật: 09/07/2020 15:12:00
Số lần đọc: 904
Cung An Định nằm trong quần thể di tích kiến trúc của Cố đô Huế. Đây là một trong những công trình cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn và gắn với nhiều biến động lịch sử liên quan đến hoàng tộc.
Cung An Định nằm ở bờ bắc sông An Cựu, tiền thân là phủ An Định - một công trình bằng gỗ được xây dựng vào năm 1902. Đây là nơi ở riêng của hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo (con vua Đồng Khánh) khi tròn 18 tuổi.
 
Năm 1916, hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định. Sau khi lên ngôi, nhà vua cho cải tạo phủ An Định và truyền cho hoàng tử Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại). Trên diện tích khuôn viên rộng 23.463m2, nhà vua cho triệt giải các công trình cũ và xây dựng các công trình mới. Từ đó, phủ An Định được đổi thành cung An Định.
 
Năm 1922, hoàng tử Vĩnh Thụy được phong làm Đông cung Hoàng Thái tử và được rước qua sống ở cung An Định. Sau khi hoàng tử lên ngôi, lấy niên hiệu là Bảo Đại, cung An Định lại được truyền cho thái tử Bảo Long. Nơi đây trở thành biệt cung của hoàng gia, là nơi diễn ra các nghi lễ của triều đình.
 
Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại thoái vị. Cả gia đình nhà vua chuyển sang sống trong cung An Định một thời gian ngắn, riêng bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) ở đây tới năm 1949.
 
Qua nhiều biến động chính trị - xã hội, cung An Định được các chính quyền sau này sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, nhưng do không được thường xuyên bảo quản nên bị hư hại nhiều.
 
Cung An Định được xây dựng trong thời kỳ có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh phương Tây, vì vậy mang lối kiến trúc giao thoa văn hóa Đông - Tây. Trước năm 1945, cung An Định gồm các công trình kiến trúc chính: Cửa cung, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài... Cổng vào cung An Định được xây 2 tầng bằng gạch. Trên bề mặt kiến trúc đắp nổi nhiều chi tiết trang trí mang phong cách truyền thống phương Đông như rồng, phượng, hổ, câu đối chữ Hán. Vòm cổng đắp nổi ba chữ “An Định cung”. Bề mặt cổng có những cặp trụ giả được đắp nổi theo phong cách roman. Đây là hạng mục tiêu biểu cho sự kết hợp hai dòng mỹ thuật Đông - Tây.
 
Nằm ngay sau cửa cung, chính giữa sân là đình Trung Lập - đóng vai trò của một bình phong. Điểm nhấn trong khuôn viên cung An Định là lầu Khải Tường mang phong cách kiến trúc như một tòa lâu đài châu Âu với những mảng điêu khắc cùng hệ thống trang trí trần, tường mang đậm dấu ấn phương Tây. Đặc biệt, sảnh chính có 6 bức tranh tường phong cảnh lăng của các vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh được vẽ theo luật phối cảnh và vật liệu của phương Tây nhưng lại chứa nội dung và tinh thần dân tộc sâu sắc.
 
Được xây dựng phía sau lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài là nơi giải trí với diện tích 1.150m2, gồm 2 tầng, có sức chứa 500 người. Hình thức kiến trúc của nhà hát này mang phong cách tân cổ điển như Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng nội thất bên trong lại mang phong cách như cung Thiên Định ở lăng Khải Định. Đáng tiếc, nhà hát Cửu Tư Đài đã bị phá hủy năm 1947.
 
Năm 2002, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp nhận cung An Định và tiến hành trùng tu với sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Năm 2015, nơi đây trở thành điểm tham quan chính thức trong hệ thống di tích Cố đô Huế. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Cung An Định dự kiến được đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp để tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, triển lãm... Ngoài không gian trưng bày, tại đây còn có các gian hàng lưu niệm phục vụ du khách. Thời gian tới, nhà hát Cửu Tư Đài sẽ được phục dựng để biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống...
 
Hiện nay, cung An Định đã được số hóa 3D và trình chiếu tại chỗ để du khách hiểu rõ hơn về công trình độc đáo này. Đây là một trong những cách ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích để tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Anh Vũ Tuấn Anh, du khách đến từ Hải Phòng cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi đến công trình này. Cung An Định rất khác biệt so với các công trình khác của triều Nguyễn, có nhiều nét đặc sắc. Đáng tiếc là nhà hát Cửu Tư Đài đã bị phá hủy. Tôi mong nhà hát sớm được phục dựng để quần thể cung An Định trở nên trọn vẹn, hấp dẫn hơn...”.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT