Cuộc chơi với những mảnh gốm
Những sản phẩm này đã góp thêm nét mới mẻ cho làng gốm Bát Tràng vốn nổi tiếng với các sản phẩm đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và gạch xây phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Bộ kit tự làm tranh bằng gốm
Tại lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023, chúng tôi gặp nhiều phụ huynh, du khách cho con em của mình thử sức lắp ghép và tạo nên những bức tranh gốm với nhiều hình dạng, kích cỡ. Các chi tiết gốm trong bộ kit tự làm tranh khảm gốm nổi bật hơn cả bởi sự nhỏ nhắn, nhiều màu sắc. Với đầy đủ phụ kiện khác như khung gỗ, mảnh gốm, keo dán, bột mạch, bút chấm keo, găng tay nilon, thẻ gạt mạch, bọt biển lau mạch…, mỗi người chơi có thể tự lắp ghép tác phẩm theo ý thích và trí tưởng tượng của mình. Họa sĩ Nguyễn Phương Thảo, người tạo nên bộ kit đồ chơi sáng tạo này cho biết: “Với nghệ thuật ghép gốm truyền thống, nhiều người thường dùng những viên gốm thành phẩm đã hoàn thiện sau đó dùng kìm bấm, tạo ra các chi tiết, phục vụ cho việc hình thành tác phẩm. Còn bộ kit đồ chơi này được tạo hình từ đất mềm, làm mịn và nung thành những viên gốm nhỏ, chi tiết, họa tiết mịn, không bị sắc cạnh, lắp ghép đơn giản, phù hợp cho nhiều lứa tuổi”.
Ban đầu, với bộ kit tự làm tranh khảm gốm có tạo hình khá đơn giản, các em nhỏ có thể trải nghiệm trực tiếp hoặc mua bộ sản phẩm về làm tại nhà. Gần đây, hai họa sĩ Nguyễn Phương Thảo và Hoàng Long đã tạo nên bộ sản phẩm lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, với những con nghê, con cá, đàn lợn, bộ tranh vinh hoa phú quý... gồm nhiều chi tiết phức tạp hơn, dành cho cả người lớn.
Bộ tranh ghép gốm lân sư rồng. Ảnh: Phương Thúy
Năm 2023, Nguyễn Phương Thảo đoạt giải Nhì tại Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội với bộ sản phẩm trò chơi trí tuệ ghép mảnh gốm lân sư rồng, gồm 5 sản phẩm theo chủ đề Trung thu. Quá trình thiết kế bộ tác phẩm này, ngoài việc kế thừa những tư liệu dân gian, Nguyễn Phương Thảo đã thêm vào những màu sắc, họa tiết giúp các chi tiết gốm thành phẩm có những sắc độ màu khác nhau, tạo nên sự hài hòa và dáng dấp, tinh thần riêng cho tác phẩm.
Nguyễn Phương Thảo cũng dành nhiều thời gian cho việc thiết kế, làm thế nào để người chơi có thể ghép được trong khi có nhiều chi tiết phức tạp. Hiện tại, bộ tranh lân sư rồng của Nguyễn Phương Thảo có hai kích thước, bộ nhỏ 18x25cm và bộ lớn 20x30cm, phù hợp cho những lứa tuổi khác nhau và phục vụ cho việc trang trí trong gia đình. Dù mới ra đời không lâu nhưng họa sĩ Hoàng Long tin rằng, bộ kit trải nghiệm nghệ thuật ghép gốm sẽ giúp cho các bạn trẻ tạo dấu ấn sáng tạo riêng trên mỗi sản phẩm.
Góp một tiếng nói mới cho làng nghề
Nguyễn Phương Thảo và Hoàng Long là cặp vợ chồng trẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội đã lựa chọn con đường trở về quê lập nghiệp. May mắn, cả hai đều có sự hỗ trợ của gia đình với truyền thống làm nghề lâu năm, tạo dựng nên thương hiệu Quang Minh Mosaic.
Những năm tháng tuổi trẻ, có lẽ không nhiều người mặn mà việc “kế nghiệp gia đình”. Điều này dẫn đến nhiều làng nghề, trong đó có làng gốm Bát Tràng có một thời gian dài rơi vào cảnh thiếu vắng sự sáng tạo của lớp trẻ, im lìm, nhìn quanh cũng chỉ thấy bát, đĩa, chum, vại... Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Bát Tràng dường như có sự “thay da đổi thịt” bởi một số người trẻ của làng được học hành bài bản đã quay trở về với nghề gốm.
Nguyễn Phương Thảo nhớ lại: “Tôi từng nghĩ “về làng” là một điều gì đó bó hẹp mình, trong khi mình cần tự do, bay bổng. Nhưng bố chính là người định hướng cho tôi, với mong muốn sẽ là đời thứ 3 kế nghiệp gia đình. Sau khi học ngành Hội họa hoành tráng ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tôi có cơ hội trải nghiệm qua nghề trang trí nội thất, ngoại thất, đồ họa… Sau khi học xong, tôi muốn trở về làng - nơi tiềm năng sẵn có và mình sẽ là người gây dựng nó rộng hơn, với những sản phẩm mang đặc trưng văn hóa Việt Nam”.
Không chỉ cho ra đời những bộ kit thủ công dành cho trẻ em, Nguyễn Phương Thảo và Hoàng Long đang tạo dựng không gian trải nghiệm sản phẩm Mosaic “mảnh ghép sáng tạo”. Từ một địa điểm tập kết rác của người dân tại Cụm làng nghề tập trung xã Bát Tràng (Gia Lâm), không gian trải nghiệm sản phẩm Mosaic “Mảnh ghép sáng tạo” ra đời, là nơi hội tụ nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài nước trải nghiệm sản phẩm. Nhiều em nhỏ cùng gia đình cũng tới đây mỗi dịp cuối tuần để làm tranh ghép gốm và các sản phẩm đồ dùng bằng gốm. Điểm nhấn của không gian sáng tạo này là 6 khoang trải nghiệm vuốt, nặn, vẽ và làm tranh ghép gốm cùng gian trưng bày tác phẩm, với nhiều chi tiết, tranh, tượng được làm từ gốm và trang trí bằng gốm. Họa sĩ Hoàng Long cho biết: “Với mong muốn lan tỏa nghệ thuật tranh ghép gốm, chúng tôi tạo ra mô hình workshop trải nghiệm để các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc với ngành nghề truyền thống, lan tỏa nghệ thuật ghép mảnh chất liệu gốm sứ. Độ tuổi bé nhất mà chúng tôi đã cho trải nghiệm là 3 - 4 tuổi”.
Trên thế giới, nghệ thuật tranh ghép gốm đã xuất hiện khoảng 4.000 năm trước. Ở nước ta, xưa kia, những người thợ dân gian đã ứng dụng tranh ghép gốm trong trang trí lăng tẩm của vua chúa. Đặc biệt, từ sau khi hình thành con đường gốm sứ nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với những bức tranh lớn được tạo tác trên con đường ven sông Hồng, mọi người biết đến tranh ghép gốm nhiều hơn. Họa sĩ Nguyễn Phương Thảo cho biết, tới đây, không gian trải nghiệm sản phẩm Mosaic “Mảnh ghép sáng tạo” sẽ tổ chức những buổi workshop làm đèn, làm chậu, làm hộp bút, ống đựng bút, hộp quà lưu niệm... vừa để bày bán, vừa là cơ hội cho du khách tự làm sản phẩm. Các bộ kit sẽ được phân loại với những độ tuổi khác nhau.
“Từ những video hay thông tin chia sẻ trên báo chí cũng như mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã đến tham quan và trải nghiệm ở đây. Còn với du khách nước ngoài, tuy đã hiểu về nghệ thuật ghép gốm nhưng họ cũng muốn tới tham quan làng gốm Bát Tràng và trải nghiệm sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn các mẫu quà lưu niệm đa dạng hơn, mong được giới thiệu sản phẩm mang dấu ấn văn hóa Việt” - Nguyễn Phương Thảo nói.
Không thể phủ nhận công sức của nhiều nghệ nhân đã làm nên linh hồn của làng gốm Bát Tràng, qua nhiều thế kỷ vẫn là một trung tâm sản xuất gốm có tiếng trong nước. Nhưng sự đi lên của mỗi làng nghề đều có sự góp sức của những người trẻ, ở đó có sức sáng tạo, lòng nhiệt thành để tạo nên diện mạo mới, những tiếng nói mới cho nghề gốm nước nhà.
Phương Thúy