Đà Nẵng ứng dụng hiệu quả nền tảng du lịch số
Du khách tự check-in tại các kiots tự động ở sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Thu Hà
Thực tế hiện nay đa phần các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, lữ hành, dịch vụ du lịch đều xây dựng các kênh riêng, đó là các nền tảng mạng xã hội (facebook, instagram, tiktok, youtube), website... để tiếp cận với khách hàng. Nhiều nhà hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đã nhanh chóng tiếp cận và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ khách. Anh Lê Hoàng Bảo Nhân, Điều hành nhà hàng Mr Anh (đường Ông Ích Khiêm) cho biết, thay vì để khách đặt món bằng thực đơn thông thường, nhà hàng đã xây dựng thực đơn điện tử bằng cách quét mã QR. Ngoài thực đơn bằng tiếng Việt, nhà hàng đã cập nhật bản tiếng Anh, tiếng Hàn. Tới đây, khi có thêm các thị trường khác, nhà hàng tiếp tục cập nhật để mang lại những tiện ích, trải nghiệm tốt nhất cho khách.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú đầu tư các phần mềm đặt phòng, đặt dịch vụ qua các website OTAs (đặt phòng trực tuyến). Đây là ứng dụng đặt phòng phổ biến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vì sự tiện ích. Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương (Indochina Unique Tourist) cho biết, sau thời gian nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số tại doanh nghiệp, việc chuyển đổi số với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có nhiều khó khăn như chi phí đầu tư và ứng dụng công nghệ số, đồng bộ hạ tầng công nghệ số tại doanh nghiệp, nhân sự để ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp...
Ông Thủy cho rằng, để triển khai được hệ sinh thái du lịch thông minh Chính phủ cần xây dựng gói tài chính đủ hấp dẫn, áp dụng cho vay với lãi suất thấp, phục vụ cho nội dung chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó cần xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, để tư vấn định hướng cho doanh nghiệp nào có quan tâm và quyết tâm chuyển đổi số trong sản phẩm du lịch và dịch vụ, tạo giá trị mới, trải nghiệm mới trong du lịch.
Thời gian qua, Hội Khách sạn Đà Nẵng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiệp vụ về chuyển đổi số cho hội viên. Phó Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng Lê Đình Nam cho biết, hội có ban đào tạo và chuyển đổi số, do đó, hằng năm hội thường tổ chức các khóa đào tạo, truyền cảm hứng dành cho hội viên như khóa đào tạo “Ứng dụng các nền tảng số, xây dựng nguồn khách du lịch bền vững”. Hội viên tham gia được tiếp cận kiến thức, ứng dụng các nền tảng dùng để truyền tải các thông điệp về sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu đến thị trường khách hàng mục tiêu (kênh digital) nhằm tạo nguồn khách hàng liên tục và bền vững tại doanh nghiệp...
Được biết, ngành du lịch rất nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Sở Du lịch đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm dự án hệ thống giám sát du lịch thông minh, triển khai lắp đạt 26 camera tại 3 khu, điểm du lịch là chùa Linh Ứng Sơn Trà, Bảo tàng Đà Nẵng, di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn. Hệ thống đã cập nhật và có khả năng nhận dạng hơn 40.000 hướng dẫn viên du lịch toàn quốc, nhận diện cảnh báo rác, bán hàng rong, đếm khách du lịch...
Bên cạnh đó, sở đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch; công bố 6 tập dữ liệu mở; số hóa thông tin của gần 2.000 doanh nghiệp du lịch; hoàn thành và đưa vào hoạt động ứng dụng “Một chạm đến Đà Nẵng” tại địa chỉ vr360.danangfantasticity.com với hơn 300 điểm quét (80 điểm trên không và 220 điểm dưới đất) nhiều tính năng nổi bật như scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, không gian động Huyền Không - Ngũ Hành Sơn; tính năng thu thập dữ liệu hình ảnh trên không và dưới đất tại các điểm tham quan trên địa bàn thành phố với hơn 500 điểm quét tại các bãi biển, danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, cảnh quan hai bên bờ sông Hàn và các cây cầu, du lịch sinh thái và cộng đồng, lễ hội vào sự kiện... Không gian vũ trụ ảo “Metaverse Đà Nẵng” với nền kinh tế không tiếp xúc tại cầu Rồng, Công viên vườn tượng APEC, cầu Tình yêu với các tính năng nổi bật như tự thiết lập tài khoản trong môi trường ảo; giao tiếp, kết nối với giao diện nhân vật 3D; tương tác bằng giọng nói, chia sẻ màn hình trong không gian 360; tổ chức sự kiện, triển lãm thực tế ảo không giới hạn tại không gian VR Mall...
Trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, ngành du lịch thành phố tiếp tục triển khai vận hành và quản trị Cổng thông tin du lịch thành phố Đà Nẵng https://danangfantasticity.com và truyền thông trực tuyến các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, TikTok, VR360...; tiếp tục truyền thông hiệu quả đến thị trường quốc tế thông qua ứng dụng công nghệ số và nền tảng xã hội như: phát triển các trang mạng xã hội quảng bá du lịch Đà Nẵng tại thị trường Hàn Quốc qua mạng xã hội Naver.
Lượng theo dõi đọc tin trên trang Naver Blog của du lịch Đà Nẵng đạt hơn 20.000 lượt (tăng 30% so với năm 2023); các từ khóa chính “Đà Nẵng”, “du lịch” khi tìm kiếm sẽ đưa trang Naver Blog của du lịch Đà Nẵng đứng vị trí top 10 của trang tìm kiếm Naver; tiếp tục cập nhập 2 video định dạng 360, 30 điểm trên không và dưới đất một số hạng mục như sản phẩm mới của Mikazuki (cầu đi bộ, hệ thống vui chơi giải trí trong nhà), sản phẩm mới của Sun World Bà Nà Hills (Lâu đài mặt trăng...); các điểm sinh thái tại Hòa Bắc... Tiếp tục cập nhập các video định dạng 360 cho các hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc của thành phố như: áo dài show, trải nghiệm du thuyền, trải nghiệm khám phá Bà Nà qua góc nhìn 360...
Thu Hà