Dã quỳ mỗi độ vàng hoa
Khoảng đầu tháng 10 hằng năm, khi Tây Nguyên thưa dần những cơn mưa rừng ầm ào, xối xả; thay bằng buổi giao mùa nhiều nắng, rất lạnh và hanh khô; chính là lúc dã quỳ bung hoa khoe sắc. Cứ nhìn thấy dã quỳ nở, người ta nhận biết mùa khô ở Tây Nguyên đã bắt đầu, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Cây dã quỳ mọc thẳng, cao tầm 2-3 mét, có khả năng chịu hạn tốt, sinh trưởng mạnh, mọc hoang ở khắp vùng đất Tây Nguyên mùa nắng gió. Dã quỳ bắt đầu nở từ tháng 10 và rộ lên từ tháng 11. Hoa có màu vàng tươi hoặc vàng cam, thường khoảng 13 cánh. Dã quỳ không có hương thơm nhưng sắc hoa lại rực rỡ màu vàng ươm như cúc, hướng dương. Có lẽ vì thế mà hoa dã quỳ còn có tên gọi khác là cúc quỳ, hướng dương dại, sơn quỳ...
Theo một số thông tin khoa học, dã quỳ là hoa có xuất xứ ở Mêxicô, do người Pháp mang sang và trồng nhiều ở Lâm Đồng, để làm phân xanh cho các đồn điền, trong quá trình khai thác thuộc địa. Nhờ phát tán nhanh và sức sống mãnh liệt nên chẳng lâu sau, dã quỳ đã có mặt ở khắp cả vùng đất Tây Nguyên. Về nguồn gốc và tên gọi dã quỳ cũng có nhiều ý kiến, nhưng dù theo ý kiến nào thì hoa dã quỳ kia vẫn cứ vàng, cứ nở, vẫn rực rỡ điểm tô cho vùng đất Tây Nguyên đã hùng vĩ càng thêm thơ mộng, trữ tình. Mùa này, nếu ai đến Tây Nguyên cũng dễ dàng bắt gặp dã quỳ nở khắp nơi. Hoa ngập ngừng bên triền dốc. Hoa e ấp, vàng tươi trên những cung đường. Hoa dịu dàng khoe sắc nơi góc phố bình yên. Hoa mạnh mẽ rong chơi trên triền cao vách núi. Hoa bạt ngàn, hoa phóng khoáng, hoa vàng rợp cả những thung lũng xa xa.
Tôi không có điều kiện đi đó, đi đây nên chẳng biết nhiều về những vùng đất lạ. Nhưng may mắn, tôi đã gắn bó với một vùng đất Đà Lạt cả thời sinh viên, tuổi trẻ. Ngày ấy, chúng tôi thường thiếu tiền ăn, tiền trọ nhưng vẫn nhín nhịn để tự thưởng cho mình li cà phê cuối tuần. Quán cà phê lặng lẽ bên đường, hướng ra ngọn đồi, xa xa là hồ nước, liễu rủ buông chùng, vi vút thông reo, khói sương còn bảng lảng, hương cà phê thơm nồng nàn mùi vị của Tây Nguyên. Giữa tiết trời se lạnh, sương la đà như sà vào lòng người để nói lời lưu luyến vấn vương, bất chợt nhìn ra phía bờ rào cỏ cây xanh mướt bấy lâu, giờ đây đã rực rỡ sắc hoa dã quỳ vàng óng, khiến cho cả bọn con trai miền Trung ngẩn ngơ, ngơ ngẩn! Dã quỳ như gom hết nắng gió cao nguyên để thắp sáng mình, dẫu cho đời hoa ngắn ngủi. Đã hơn 20 năm xa phố núi cao nguyên Đà Lạt, xa những con dốc, những cung đường, những triền đồi rợp vàng sắc hoa bình dị, có đôi lúc lòng tôi bỗng bâng khuâng tiếc nhớ. Tôi từng đứng lặng rất lâu, nhìn người ta san ủi vạt đồi rợp hoa dã quỳ vàng, để xây một cây xăng hoành tráng, ngay tại ngã ba quen. Đành rằng trăm hoa quỳ dại chẳng sinh lợi bằng một cây xăng nhưng sao có gì đó xót xa, không nói được thành lời. Rồi lòng bỗng vui lên rộn ràng khi thấy dã quỳ trở thành một trong những loài hoa biểu tượng trong những dịp Festival Hoa ở Tây Nguyên. Giữa bạt ngàn hoa ở Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum hoặc ĐắK Nông, dã quỳ khiêm nhường lặng lẽ nhưng kiêu hãnh tự hào, bung tỏa hiến dâng một đời hoa rực rỡ, vừa vẫy gọi du khách muôn phương vừa neo giữ trong lòng người những nhung nhớ khôn nguôi khi xa cách.
Lúc này miền Trung mưa nhiều nhưng cao nguyên đang vào mùa đầy nắng. Nhìn mưa bay giăng trắng mịt mờ, nghe lại bản nhạc “Đưa em tìm động hoa vàng” của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Phạm Thiên Thư, trong đó có câu “Ngày xưa có gã từ quan/ Lên non tìm động hoa vàng ngủ say” cho lòng chơi vơi nỗi nhớ. Nhớ Đà Lạt, nhớ Tây Nguyên, nơi đó có những người bạn của tôi, bao lâu rồi chưa gặp. Nhớ những động hoa vàng trong nhạc, trong thơ. Và cũng có nỗi nhớ không nói hết thành lời, mãi còn thiết tha vương vấn khi dã quỳ mỗi độ vàng hoa!
Phan Huy Thùy