Đặc sắc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 - Kết nối di sản phát triển du lịch
Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc. Ảnh: TITC
Tham dự Lễ Khai mạc có bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Mạnh Quyền - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại biểu quốc tế, doanh nghiệp…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu khai mạc. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, những năm qua, TP. Hà Nội luôn quan tâm công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của thành phố. Lễ hội được tổ chức với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch” là dịp đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tôn vinh và kết nối các di sản, phát triển các sản phẩm du lịch hướng tới du khách, thông qua đó thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với thủ đô Hà Nội và các địa phương liên kết. Sự kiện cũng là nơi quy tụ những giá trị độc đáo, đặc sắc của du lịch gắn với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị làng nghề, ẩm thực của Hà Nội và các địa phương tham gia lễ hội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, ngay sau khi Chính phủ mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022, thành phố đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kích cầu, thu hút du khách, đồng thời tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển trong điều kiện bình thường mới. Nhờ đó hoạt động du lịch của thành phố đã có chuyển biến, phục hồi tích cực. Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 3,73 triệu lượt khách, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ trên 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022.
Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng làm du lịch cần đổi mới cách làm để phục hồi nhanh chóng ngành du lịch, tạo sự phát triển đột phá. Phát triển du lịch cần gắn với văn hóa, di sản, truyền thống lịch sử dân tộc, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại nhưng vẫn kết hợp chặt chẽ với bản sắc độc đáo, riêng có trong văn hóa, di sản của Hà Nội - Việt Nam. Các cấp chính quyền và hội, hiệp hội du lịch cần chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới; đa dạng hóa các hình thức du lịch. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn. Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cần phối hợp các Hiệp hội du lịch, các cơ quan truyền thông tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, truyền thông về du lịch Hà Nội. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại Lễ Khai mạc. Ảnh: TITC
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc khẳng định, du lịch là ngành kinh tế tiềm năng, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của đất nước. Trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã và đang phát triển tích cực, được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới. Bằng sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành cùng sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, ngành du lịch đã phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhận định, Hà Nội là thành phố có lịch sử lâu đời, có nhiều di tích, thắng cảnh và di sản được UNESCO công nhận; cũng là trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học, và kinh tế của cả nước; là điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách khám phá và trải nghiệm. Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy triển vọng, chào đón nhiều sự kiện, hội nghị, lễ hội lớn và quan trọng. Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch” là sự kiện được mong đợi, là dịp để giới thiệu vẻ đẹp, bản sắc văn hóa, tôn vinh và kết nối di sản của Thủ đô ngàn năm văn hiến đến với bạn bè quốc tế và người dân Việt Nam.
Chủ đề năm nay không chỉ là một thông điệp mà còn là nhiệm vụ lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả ngành du lịch và các lĩnh vực khác trong xã hội. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị, cần kết nối di sản văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của Hà Nội để phát huy tiềm năng du lịch, đồng thời tạo ra những trải nghiệm độc đáo, phong phú cho du khách. Để thực hiện mục tiêu kết nối di sản phát triển du lịch, cần sự đồng lòng, chung tay góp sức từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân, cần phát huy tinh thần hợp tác và chia sẻ, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, bền vững và phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về giá trị di sản và vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.
Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 sẽ là sự kiện thành công, góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu Hà Nội trong mắt du khách trong và ngoài nước; tạo ra những động lực mới cho ngành du lịch thủ đô và cả nước trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Các đại biểu bấm nút khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023. Ảnh: TITC
Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 được tổ chức từ ngày 24 - 26/3, với quy mô 150 gian hàng với sự tham gia của 14 tỉnh, thành phố trên cả nước (Thanh Hóa, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bắc Giang), 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, gần 100 đơn vị hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, khu du lịch, đơn vị ẩm thực, làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Lễ hội năm nay sẽ diễn ra các hoạt động nổi bật như: Hội nghị về phát triển sản phẩm du lịch và kinh nghiệm phát triển thị trường; Chương trình Famtrip “Hành trình di sản” khảo sát tuyến điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội; giới thiệu các sản phẩm kích cầu du lịch của các khu, điểm, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố Hà Nội và cả nước; các chương trình nghệ thuật hấp dẫn, hoạt động diễu hành xích lô du lịch tái hiện nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Hà Nội; giới thiệu các sản phẩm làng nghề, ẩm thực tiêu biểu; các trò chơi với phần thưởng giá trị là các chuyến đi, voucher, chương trình khuyến mại hấp dẫn, quà tặng du lịch…
Sự kiện được tổ chức với nhiều điểm mới, ấn tượng quảng bá điểm đến du lịch, giới thiệu nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn tại Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, khu Phố cổ, khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Đường Lâm - Sơn Tây... Đây cũng là dịp để doanh nghiệp, hãng hàng không giới thiệu những tour du lịch hấp dẫn, kích cầu du lịch bằng các chương trình khuyến mại tới các điểm đến của Hà Nội, các tỉnh/ thành phố trong nước và quốc tế.
Các tiết mục biểu diễn văn nghệ. Ảnh: TITC
Trung tâm Thông tin du lịch