Tọa đàm “Kinh nghiệm xúc tiến du lịch và phát triển thị trường trong tình hình mới”
Tại Tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp du lịch vô cùng hào hứng chia sẻ về kế hoạch sắp tới, đồng thời cho biết đã sẵn sàng để đưa du lịch trở lại và bùng nổ hơn trước.
Ông Nguyễn Thanh Dương, đại diện đến từ Vietnam Airlines chia sẻ, hiện tại Vietnam Airlines đã khôi phục toàn bộ dịch vụ so với giai đoạn trước dịch. Trước đó, tranh thủ giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp đã nhanh chóng cho ra đời các đường bay mới, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đơn cử như chương trình nâng tầm dịch vụ đã nhận được đánh giá vô cùng tích cực của cộng đồng khách hàng.
Không chỉ vậy, chính sách đa dạng hóa về sản phẩm dịch vụ cũng luôn được thực hiện, như cho ra đời các sản phẩm đáp ứng xu hướng du lịch mới, chính sách riêng dành cho khách hàng du lịch theo nhóm nhỏ với những ưu đãi vô cùng hấp dẫn. Sắp tới, Vietnam Airlines đang lên kế hoạch mở lại đường bay tới Trung Quốc và đường bay thẳng từ Thành phố Mumbai, Ấn Độ.
Các khách mời tham dự phiên tọa đàm (Ảnh: TITC)
Đại diện các tập đoàn, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú đã hiến kế để du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch. Một số ý kiến gợi ý du khách nên chủ động lên kế hoạch du lịch từ sớm để có thể nhận được giá vé tốt nhất tại các hãng hàng không. Đồng thời, các doanh nghiệp vận chuyển cần có các giải pháp giảm chi phí vận hành, các hãng hàng không nên “bắt tay” với các khách sạn, resort để tạo ra các gói sản phẩm trọn gói chất lượng cao để có thể thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Toàn cảnh Tọa đàm (Ảnh: TITC)
Về sản phẩm du lịch, bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Sun World Holding nhận định rằng việc cho ra mắt các sản phẩm tốt, chất lượng cao là cách thu hút khách hàng hiệu quả nhất. Bà Nguyện cho rằng, để phục hồi du lịch thời gian tới, cần sự chủ động từ ba phía, thứ nhất là từ cơ quan chính quyền địa phương tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch; thứ hai là sự đồng hành của các hãng hàng không; thứ ba là vai trò của doanh nghiệp ở điểm đến, có các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn. Bên cạnh đó, công ty lữ hành cũng đóng vai trò quan trọng trong sợi dây kết nối.
Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia du lịch cho rằng, để thu hút du khách đòi hỏi doanh nghiệp lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ nâng cấp làm mới sản phẩm qua đó thu hút dòng khách chi trả cao. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đẩy mạnh kết nối với các địa phương trong hoạt động quảng bá, xúc tiến kết nối điểm đến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục vụ khách, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới.
Chủ tịch Câu lạc bộ Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng phát biểu bế mạc Tọa đàm (Ảnh: TITC)
Phát biểu bế mạc tọa đàm, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Unesco Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết cùng phát triển, đặc biệt là sau ba năm ảnh hưởng của đại dịch. Chủ tịch Câu lạc bộ Unesco Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp cần tăng cường chuỗi liên kết, cùng bắt tay hợp tác, quảng bá du lịch Việt Nam, đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc trưng, nổi bật, triển khai các chương trình kích cầu. Ông Trương Quốc Hùng hy vọng rằng, buổi tọa đàm lần này sẽ góp phần đưa một số giải pháp để phục hồi du lịch, tạo cơ hội mở ra các chuỗi liên kết, hợp tác du lịch giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp hình lưu niệm (Ảnh: TITC)
Trong hai ngày 23 và 24/3, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội phối hợp với HPA tổ chức Chương trình Unesco Travel Fest 2023 (UTF 2023) mang thông điệp: “Cùng nhau trở lại - Together Again”. Chương trình gồm chuỗi sự kiện: Business Matching (Kết nối doanh nghiệp - B2B), Talkshow (tọa đàm), Famtrip (khảo sát điểm đến) và Gala dinner (Dạ tiệc) nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, dịch vụ, điểm đến trong nước và quốc tế, hướng tới sự phục hồi, phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn mới.
Trung tâm Thông tin du lịch