Đắk Lắk đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng
Truyền dạy đánh chiêng tre cho thiếu niên buôn Tuôr. (Nguồn: daklak.gov.vn)
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chọn buôn Tuôr (xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột) làm mô hình điểm phát triển du lịch cộng đồng, giai đoạn 202-2025 kèm theo những chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Êđê tại chỗ.
Đây là mô hình mẫu để từ đó nhân rộng, phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại 8 buôn làng khác trong tỉnh đã được khảo sát.
Buôn Tuôr cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 10km. Đây là buôn còn giữ lại được nhiều nét nguyên bản và hoang sơ về văn hóa của người Êđê. Hiện trong buôn còn 29 ngôi nhà dài truyền thống; các đội nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc.
Đây cũng là buôn có vị trị địa lý thuận lợi vì tọa lạc gần Quốc lộ 14, gần với các cụm thác lớn và các điểm du lịch như Thác drai Nur, Gia Long (huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk), thác Trinh Nữ, Drai Sap (huyện Krông nô, tỉnh Đắk Nông); đồng thời có thể kết nối với các làng nghề tại xã Hòa Phú.
Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến nay mọi hoạt động chuẩn bị đã sẵn sàng. Để triển khai mô hình điểm về du lịch cộng đồng này thì Sở đã tổ chức cho các hộ dân trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột tham gia vào mô hình cộng đồng đã đi học tập mô hình cộng đồng này tại một số địa phương thực hiện tốt mô hình này.
Tỉnh cũng tổ chức hội thảo về du lịch cộng đồng, mời tư vấn khảo sát thực tế tại các buôn.
Tìm về với thiên nhiên hoang sơ, nhất là ở những buôn làng của người dân tộc thiểu số tại chỗ để trải nghiệm, khám phá không gian thân thiện là xu thế phát triển du lịch hiện nay.
Nắm bắt được xu thế đó, không ít doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã nhanh chóng hình thành nên nhiều khu, điểm du lịch văn hóa- sinh thái- cộng đồng nhằm phục vụ du khách.
Theo ông Đoàn Văn Thống, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Buôn Ma Thuột, đến nay có khoảng 5-6 khu, điểm du lịch nói trên được đầu tư, khai thác có hiệu quả và ngày càng khẳng định được hình ảnh của mình trên bản đồ du lịch Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Tiêu biểu như Khu du lịch văn hóa-sinh thái-cộng đồng Kô Tam (phường Tân Hòa), Khu du lịch sinh thái Đầu Nguồn, buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), Đồi Thông (xã Hòa Thắng), hay gần đây nhất là Khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng Suối Ong (phường Khánh Xuân), Du lịch Nông nghiệp Cà phê-Ca cao G20 (xã Ea Tu)… lần lượt được đưa vào khai thác, phục vụ du khách theo tinh thần bắt tay, hợp tác với cư dân tại chỗ để “đôi bên cùng có lợi” đã ngày càng thu hút nhiều người tìm đến.
Điều đáng nói ở đây là loại hình du lịch này không những đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách địa phương hằng năm, mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 800-1.000 lao động tham gia trực tiếp và gián tiếp vào lĩnh vực này với thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.
Mỗi năm những khu, điểm du lịch văn hóa-ssinh thái và cộng đồng ở đây đón từ 40.000-45.000 lượt khách.
Chính quyền Thành phố Buôn Ma Thuột đặc biệt ưu tiên phát triển loại hình du lịch trên để giải quyết việc làm cho người dân, đồng thời bảo đảm ngành kinh tế quan trọng này có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của địa phương với doanh thu khoảng 600 tỷ đồng/năm./.