Hoạt động của ngành

Sóc Trăng bước đầu xây dựng sản phẩm du lịch để giữ chân du khách

Cập nhật: 04/06/2020 10:08:28
Số lần đọc: 1241
  Theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 2/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, phát triển du lịch gắn với quảng bá hình ảnh địa phương, con người Sóc Trăng, trong đó có định hướng về phát triển du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, lịch sử tại các điểm chùa, các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh…; nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, mục tiêu là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

 


Bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo được đầu tư xây dựng mới để nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Ảnh: CHÍ BẢO

Hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới

Theo ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong thời gian qua, tỉnh đã hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới như: tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, điểm du lịch Tân Huê Viên, Khu Văn hóa tín ngưỡng Sóc Trăng (Thiền viện Trúc Lâm), chùa Quan Âm Linh Ứng… đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho du lịch Sóc Trăng, đồng thời thu hút đông đảo du khách đến tham quan, du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa, mở rộng quy mô tổ chức các lễ hội cũng như kêu gọi đầu tư điện gió, đầu tư du lịch biển, góp phần tạo sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch của địa phương.

Về loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, Sóc Trăng có trên 13 điểm chùa thu hút nhiều khách đến tham quan, trong đó hấp dẫn nhất là chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), chùa Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét) và Trung tâm Từ thiện văn hóa tâm linh Phật giáo. Tỉnh cũng đã đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa có đông du khách đến tham quan như: chùa Mahatup, chùa Sro Lôn, Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy, chùa Bốn Mặt, chùa Bửu Sơn Tự. Nâng tầm quy mô tổ chức các lễ hội như: lễ hội nghinh Ông (Trần Đề), lễ cúng Phước Biển (TX. Vĩnh Châu), lễ hội Cúng Dừa (Châu Thành), Ngày hội sông nước miệt vườn (Kế Sách), kết hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút du khách đến tham gia, trải nghiệm.

Đối với loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng, bước đầu hình thành các điểm du lịch như: Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước (Kế Sách) với mô hình du lịch tham quan vườn cây ăn trái, lưu trú và sử dụng các dịch vụ tại đây. Hay mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3 do các đoàn viên, thanh niên huyện Cù Lao Dung tổ chức hoạt động; farmstay Sân Tiên ở xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung) với các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tour tham quan trải nghiệm đi cầu tre dưới tán rừng, câu cua, câu cá, tham quan rừng bần, bãi nghêu bằng thuyền du lịch; mô hình du lịch cộng đồng Long Ẩn, ấp An Trung, homestay Sáu Mới ở ấp An Thường, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung); homestay Phương An tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú (Mỹ Tú); homestay ZiVuu ở Phường 10 (TP. Sóc Trăng); tham quan, trải nghiệm hoạt động mua bán trên sông tại chợ nổi Ngã Năm (TX. Ngã Năm)…

Anh Trần Quang Cần, ở xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung), chủ farmstay Sân Tiên thuộc xã An Thạnh Nam cho biết: “Sau khi được dự án hỗ trợ, tham quan học tập mô hình tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, tôi đã đầu tư hơn 1,7 tỉ đồng xây dựng farmstay bên cạnh vuông tôm để đón khách đến khám phá vùng đất cù lao, đặc biệt có những chiếc cầu xuyên rừng và tàu phục vụ vừa ngắm cảnh vừa ăn uống và thưởng thức đờn ca tài tử trên sông. Bước đầu cũng đã có khách đến tham quan, khám phá. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện đường sá di chuyển đến điểm du lịch còn khó đi, một số tuyến đường xuống cấp nên du khách tìm đến chưa nhiều”.

Còn anh Trần Văn Tiến, ở xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung) chia sẻ: “Tôi có 3ha vườn trồng thanh nhãn và xoài để khách tham quan và mua trái ăn đem về. Tôi liên kết với 6 hộ trong ấp, mỗi nhà làm một dịch vụ như làm homestay nơi lưu trú phục vụ du khách, đờn ca tài tử, nhà tôi phục vụ tham quan, ăn uống… Hiện nay, khách tìm đến cũng khá thường xuyên”.

Đối với sản phẩm dịch vụ du lịch biển, tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đi vào hoạt động đã góp phần thu hút một lượng lớn du khách đến tỉnh tham quan du lịch, kết hợp trải nghiệm dịch vụ tàu cao tốc tham quan Côn Đảo. Ngoài ra còn có khu du lịch sinh thái Mỏ Ó (Trần Đề), bãi biển Hồ Bể (TX. Vĩnh Châu) cũng thu hút khá đông khách tham quan. Hiện nay, dự án khu du lịch sinh thái Hồ Bể đã được phân thành 5 khu kêu gọi đầu tư và đã có các nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin đầu tư phát triển du lịch tại các phân khu, tỉnh cũng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án Điện gió số 3 tại TX. Vĩnh Châu, sau khi dự án hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ tạo thêm các sản phẩm du lịch phong phú cho tỉnh Sóc Trăng.

Tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù

Tuy nhiên, những kết quả bước đầu này nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch của tỉnh nói riêng. Ông Phạm Văn Đâu cũng nhận định, du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, thiếu các khu vui chơi giải trí để thu hút khách nghỉ đêm tại Sóc Trăng. Chưa khai thác tốt các loại hình di sản văn hóa và di tích lịch sử phục vụ khách tham quan du lịch. Nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh còn thiếu, yếu, phong cách, kỹ năng phục vụ du khách còn hạn chế; các hộ kinh doanh cá thể về du lịch hầu hết chưa được đào tạo chuyên môn về du lịch. Hệ thống cơ sở lưu trú của tỉnh còn ít, chỉ có 1 khách sạn 3 sao; chưa có nhiều nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách đoàn; khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh thấp, các công ty lữ hành trong tỉnh chưa khai thác tốt các sản phẩm du lịch để bán cho du khách. Công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh được chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao. Mức độ tham gia đầu tư của người dân vào hoạt động du lịch còn thấp, các mô hình, dự án du lịch cộng đồng kết hợp tham quan, tìm hiểu về truyền thống, văn hóa của đồng bào Khmer và đồng bào người Hoa còn chậm triển khai…

Ông Lâm Hoàng Viên - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng chia sẻ: “Cùng với sự giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, Sóc Trăng có nhiều lễ hội độc đáo có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch. Thời gian qua, trong Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe gho của tỉnh đã phục dựng lại lễ cúng trăng và thả đèn nước, điều này tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt hấp dẫn du khách. Vì thế, thời gian tới, các cấp, các ngành liên quan cần nghiên cứu phục dựng nghi lễ của nhiều lễ hội khác để tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch khác biệt, tạo ấn tượng đối với du khách, như nghi thức phong thần ở lễ cúng đình…

Ông Phạm Văn Đâu cho biết thêm: “Trong năm 2020, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ quyết tâm triển khai hoàn thành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020, đưa đề án đi vào đời sống xã hội, đặc biệt là đối với các hộ làm homestay. Tăng cường quản lý hoạt động đầu tư xây dựng dịch vụ du lịch, đảm bảo không gian, kiến trúc, cảnh quan theo quy hoạch được phê duyệt; hỗ trợ cung cấp thông tin các khu vực phát triển dịch vụ và du lịch theo quy hoạch được phê duyệt để đưa vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư. Đồng thời, có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kết nối phục vụ phát triển du lịch”./.

Nguồn: Báo Sóc Trăng

Cùng chuyên mục