Hoạt động của ngành

Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc

Cập nhật: 05/06/2020 08:08:50
Số lần đọc: 713
Xu hướng chung trong phát triển du lịch giai đoạn hiện nay là liên kết vùng, liên kết điểm đến. Theo đó, các địa phương trong khu vực mở rộng kết nối với nhau, các điểm có sản phẩm đặc thù ở gần nhau về mặt địa lý có thể bắt tay với nhau cùng xúc tiến, quảng bá, thông tin, chia sẻ về thị trường du lịch. Liên kết chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi mắt xích trong đó có một thế mạnh, nét đặc sắc riêng.

 


Cần có những sản phẩm đặc trưng, độc đáo của mỗi địa phương.

Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Giang - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình) được triển khai những năm qua nhằm khai thác hiệu quả tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch các tỉnh trong khu vực phát triển. Tuy nhiên, việc liên kết giữa các tuyến, điểm du lịch vẫn còn rời rạc, đặc biệt nhiều tuyến, điểm có hình thức khai thác giống nhau, từ đó hình thành sự cạnh tranh giữa các vùng, địa phương.

Trước đây, hoa tam giác mạch được coi là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hà Giang, ví như “đại sứ du lịch” với lễ hội hoa tam giác mạch được tổ chức hằng năm. Vậy nhưng giai đoạn 2015 - 2016, việc trồng hoa tam giác mạch nổi lên như một phong trào lan rộng trong các tỉnh khu vực Tây Bắc. Từ Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La đến Điện Biên, Hòa Bình… đâu đâu cũng thấy người dân trồng và quảng bá rầm rộ về loài hoa này như một sản phẩm mới của địa phương. Sự phát triển ồ ạt dù tạo sức hút nhưng cũng tạo những hệ lụy về sau. Đến nay, ngoài tỉnh Hà Giang duy trì trồng và tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch thì chỉ còn lác đác vài điểm du lịch ở các tỉnh khác trồng loại hoa này nhưng không hấp dẫn được du khách như những năm trước.

Gần đây, khi các tỉnh khu vực Tây Bắc đều quảng bá, xây dựng loại hình du lịch leo núi, trải nghiệm ruộng bậc thang, khám phá, chụp ảnh phong cảnh với điểm nhấn là các loài hoa… cũng đang hình thành các sản phẩm du lịch không mấy khác biệt giữa các địa phương.

Trong nhiều hội nghị, hội thảo về liên kết phát triển du lịch gần đây của các tỉnh khu vực Tây Bắc, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực này đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá việc liên kết phát triển du lịch trong khu vực còn nhiều bất cập, có sự trùng lặp về sản phẩm. Vì cùng khai thác và hoạt động trên cùng một nhóm tài nguyên tương đồng nên nhiều tuyến, điểm du lịch vùng Tây Bắc giống nhau về hình thức, tạo thế cạnh tranh về lợi ích nhiều hơn là hợp tác liên kết. Chính điều này khiến việc liên kết giữa các tuyến điểm không hiệu quả, thiếu bền vững.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết: Tăng cường liên kết có thể khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và lợi thế trong phát triển du lịch khu vực Tây Bắc, qua đó thúc đẩy du lịch Lào Cai và các tỉnh trong khu vực cùng phát triển. Sự liên kết này đòi hỏi các tỉnh và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để nghiên cứu, nắm nhu cầu của du khách, từ đó thiết kế những tour, tuyến độc đáo, trọn gói với mức giá ưu đãi tạo điều kiện cho du khách chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc nhất của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.

Tây Bắc không chỉ có thế mạnh về thiên nhiên, khí hậu trong lành, mát mẻ, mà còn ẩn chứa nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa, tộc người. Mỗi địa phương, mỗi tỉnh trong khu vực đều có những thế mạnh, nét đẹp riêng. Do đó, mỗi tỉnh cần nghiên cứu, có chiến lược, định hướng và xây dựng được những sản phẩm du lịch nổi bật, có dấu ấn đặc trưng nhằm tạo điểm nhấn trong chuỗi liên kết 8 tỉnh để thu hút du khách. Khi sản phẩm du lịch đặc sắc, không trùng lặp mới xóa bỏ thế cạnh tranh, tạo được mối liên kết bền vững giữa các tuyến, điểm du lịch trong khu vực, từ đó thúc đẩy ngành du lịch các địa phương cùng phát triển./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục