Hoạt động của ngành

Đắk Lắk: Quảng bá du lịch qua các sản phẩm lưu niệm

Cập nhật: 24/03/2023 12:13:58
Số lần đọc: 390
Các sản phẩm lưu niệm phong phú, đa dạng đã góp phần quảng bá du lịch tỉnh nhà; đồng thời tăng chi tiêu của du khách, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đại đa số người đi du lịch, khi đến tham quan các tỉnh thành đều muốn mua sản phẩm lưu niệm, đặc trưng của vùng đất đó; vừa để lưu giữ kỷ niệm, vừa làm quà biếu người thân, bạn bè sau chuyến đi. Không thể phủ nhận rằng, các sản phẩm lưu niệm cùng khách du lịch trở về địa phương là một kênh tuyên truyền, quảng bá du lịch khá hiệu quả đến khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài.

Hiện nay, các mặt hàng lưu niệm trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, phong phú về chủng loại, hình dáng. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), các đặc sản của tỉnh như: tiêu, bơ, sầu riêng, mật ong, cà phê và các sản phẩm của cà phê, ca cao, vải thổ cẩm… được bày bán tại các cửa hàng, điểm, khu du lịch. Ngoài ra, chính những địa điểm này cũng có sản phẩm đặc trưng như Khu du lịch Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) thì có măng khô, các sản phẩm mỹ nghệ liên quan đến hình tượng voi, dược liệu; ở huyện Lắk lại là gốm, trang phục có họa tiết của người M’nông; Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột có các sản phẩm trang trí…

Anh Võ Minh Luân (giữa) giới thiệu quà lưu niệm làm từ gốm cho du khách.

Bên cạnh đó, một số đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng chủ động phát triển sản phẩm lưu niệm dựa trên các sản vật, văn hóa của địa phương. Trong đó có những sản phẩm độc đáo, mới lạ so với trước đây. Đơn cử như anh Võ Minh Luân (TP. Buôn Ma Thuột) phát triển dòng quà lưu niệm làm từ gốm: bình gốm, dĩa trưng bày có họa tiết, hình ảnh của Tây Nguyên; voi gốm đựng tăm, chặn giấy xinh xắn, dễ thương. Theo anh Luân, ở Tây Nguyên, Đắk Lắk, voi là biểu tượng sức mạnh, thịnh vượng, trù phú. Gia đình, buôn làng nào càng có nhiều voi thì càng quyền uy, may mắn và mạnh khỏe. Đặc biệt, voi nhà của tỉnh càng ngày càng quý do số lượng còn ít. Vì vậy món quà lưu niệm này với ý nghĩa mang lại may mắn cho quý khách, còn gửi đi thông điệp, bảo vệ voi; dĩa hay bình gốm với ý nghĩa giữ gìn bản sắc Tây Nguyên... Anh Luân cho biết, tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2023 vừa qua, khá nhiều khách hàng yêu thích và lựa chọn sản phẩm lưu niệm này để dùng và làm quà tặng.

Nhiều sản phẩm lưu niệm tuy đã cũ, quen thuộc với du khách nhưng lại được biến tấu theo những cách mới lạ, tạo điểm nhấn. Như các mặt hàng từ thổ cẩm, vẫn là những mảnh vải dệt nhưng nay được phối với vải Jean để may đồ; với macrame (là nghệ thuật thắt dây cotton tạo họa tiết trang trí cho các sản phẩm) để tạo ra các sản phẩm trang trí; biến tấu thời trang tạo ra các sản phẩm bông tai, túi, ví độc, lạ… từ thổ cẩm, vừa hấp dẫn người tiêu dùng, vừa có thể quảng bá về nét văn hóa độc đáo của mảnh đất này. Du khách Nguyễn Hùng (TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Những món quà lưu niệm này rất độc đáo, nhỏ gọn, mà giá cả lại phải chăng; nhìn vào sản phẩm là biết tôi vừa đi Tây Nguyên, Đắk Lắk về. Tôi cũng mua khá nhiều để dành tặng bạn bè ở công ty”.

Du khách lựa chọn túi xách thổ cẩm của Hợp tác xã thổ cẩm Tơng Bông (TP. Buôn Ma Thuột).

Riêng ngành hàng cà phê, nhiều đơn vị đã tạo ra sản phẩm lưu niệm vừa mang thương hiệu nhãn hàng, vừa quảng bá hình ảnh Đắk Lắk. Các sản phẩm vừa là hàng tiêu dùng, lại vừa có thể làm quà tặng. Đơn cử như hãng cà phê Mirabi (Cư M’gar) tạo ra sản phẩm bột cà phê hòa tan đựng trong những ly nhỏ bằng nhựa, nhưng sau khi dùng có thể tái sử dụng làm móc khóa hoặc trồng cây. Một số khác tặng kèm trong sản phẩm là bình giữ nhiệt, phin pha cà phê có in hình ảnh đẹp của Đắk Lắk; hay những chiếc ly làm bằng bã cà phê, sản phẩm mỹ nghệ từ thân và gốc cà phê già cỗi đều thu hút khách hàng…

Nhìn chung những sản phẩm lưu niệm này thường nhỏ gọn, ý nghĩa, tiện lợi với khách du lịch. Xét về nhiều mặt, đẩy mạnh và đa dạng mặt hàng quà tặng lưu niệm mang đặc trưng của Đắk Lắk không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập mà còn thu hút du khách, quảng bá văn hóa, du lịch.

Hy vọng, trong thời gian tới, các ngành chức năng, chính quyền, hội đoàn thể các cấp sẽ hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nghệ nhân sản xuất sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Đắk Lắk nhiều hơn nữa; góp phần xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm lưu niệm, tích cực quảng bá hình ảnh du lịch mảnh đất này đến du khách gần xa.

Mai Sao

 

Nguồn: Báo Đắk Lắk - baodaklak.vn - Ngày đăng 24/03/2023

Cùng chuyên mục