Tìm hướng đi cho du lịch xanh ở Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
Theo ông Hà Văn Trọng – Trưởng Ban quản lý du lịch xanh tại bản Vặt, sau khi phối hợp với Trường Cao đẳng Sơn La, người dân ở bản Vặt đã được tập huấn, có kiến thức về du lịch xanh, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc để phát triển du lịch.
"Gia đình chị Lường Thị Hồng Tươi mở rộng trải nghiệm cho khách du lịch, cải tạo khu giao lưu với khách du lịch. Gia đình chị Mai Thuận mở rộng dịch vụ lưu trú và ăn uống, trải nghiệm xanh cho du khách. Thu nhập của đồng bào được tăng lên và tạo sinh kế cho người dân trong bản. Các hộ có thu nhập cao từ du lịch như gia đình chị Tươi, chị Chơ, chị Thuận, chị Dinh, chị Chiên…" – ông Hà Văn Trọng cho biết.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Vặt. Nguồn: Hà Văn Trọng
Còn tại xã Vân Hồ, đến nay người dân trong bản Chiềng Đi 2 đã được trang bị kỹ năng làm du lịch và thống nhất một số quy ước phát triển du lịch xanh. Bản tổ chức trải nghiệm các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Mông, giới thiệu, hướng dẫn về văn hóa dân tộc Mông cho du khách tới trải nghiệm giã bánh, làm thủ công truyền thống hoặc hoạt động sản xuất nông nghiệp.
"Đến nay bản Chiềng Đi 2 đã đón khách du lịch hàng tuần, có tuần cao điểm trên 200 khách đến tham quan, trải nghiệm và mua hàng, mang lại nguồn thu cho các hộ dân địa phương. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức sôi nổi, vui tươi", ông Giàng A Phứ - Bí thư, Trưởng bản Chiềng Đi 2 cho biết.
Du khách trải nghiệm giã bánh của người Mông ở bản Chiềng Đi 2. Nguồn: Giàng A Phứ
Điểm chung của hai mô hình này là thành lập được Ban quản lý du lịch xanh với sự tham gia của chính những người dân địa phương; đồng thời xây dựng, thống nhất được một số quy ước để người dân cam kết cùng nhau phát triển du lịch xanh, cũng như có cơ sở để cộng đồng cùng hưởng lợi từ du lịch.
Riêng bản Chiềng Đi 2 còn thành lập được không gian chợ phiên từ tháng 4/2022 để người dân cùng bày bán nông sản, đồ thủ công và ẩm thực. Tuy nhiên, ông Giàng A Phứ cũng thừa nhận công tác quảng bá của bản Chiềng Đi 2 còn rất khó khăn vì kinh phí eo hẹp, nên chưa được nhiều khách du lịch biết đến. Khi lượng khách chưa đều, hàng hóa ít người mua nên người dân mang hàng hóa đi nơi khác bán và không còn tham gia thường xuyên vào chợ phiên.
Ông Trần Xuân Việt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La đánh giá cao kết quả bước đầu trong phát triển du lịch xanh ở bản Vặt và bản Chiềng Đi 2, nhưng cũng lưu ý rằng tại nhiều nơi, khi các dự án hay nguồn lực hỗ trợ ban đầu rút đi thì du lịch cộng đồng không còn được duy trì như ban đầu.
"Phải lường trước và có giải pháp lâu dài cho các bản du lịch cộng đồng. Ví dụ nếu dự án rút đi thì lợi ích trong cộng đồng có còn được đồng đều hay không? Hoặc khi du lịch phát triển, nhiều nhà đầu tư đến mua đất của người dân thì làm thế nào? Ngoài ra bản thân người dân cũng muốn xây nhà để phù hợp nhu cầu sinh hoạt, vì vậy phải định hướng để họ giữ gìn cảnh quan, bản sắc văn hóa", ông Trần Xuân Việt nêu ý kiến.
Ông Trần Xuân Việt (đứng) phát biểu góp ý với nhóm nghiên cứu của Trường Cao đẳng Sơn La.
Ngoài ra, để các mô hình du lịch xanh thu hút đông khách thì không thể thiếu sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành. Ông Phùng Xuân Khánh - Giám đốc công ty du lịch Tiên Phong Travel cho rằng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đang đi đúng hướng, vì du lịch xanh ngày càng được nhiều du khách quan tâm. Họ muốn tìm về nơi có không khí thiên nhiên trong lành, mát mẻ; thực phẩm và nguồn nước sạch; những nét văn hóa đặc trưng, nguyên bản; môi trường sống lành mạnh và có bản sắc riêng.
Tuy nhiên, ông Phùng Xuân Khánh cho rằng phát triển du lịch xanh là một hành trình rất dài nên bên cạnh các tiêu chí thì công tác dự báo, quy hoạch cũng rất quan trọng: "Ngoài đặt ra các tiêu chí để tuân thủ, để làm du lịch xanh cần dự báo được các thay đổi trong tương lai như khi người dân có nhu cầu xây nhà cao tầng, liệu có nhà máy hay cơ sở sản xuất làm ô nhiễm môi trường của bản hay không? Cần đánh giá các yếu tố sẽ tác động đến văn hóa, phong tục tập quán của người dân khi nơi này thu hút ngày càng đông khách du lịch".
Cùng quan điểm này, PGS.TS Phạm Văn Lợi (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) cho rằng để du lịch cộng đồng ở Mộc Châu phát triển bền vững, đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho cư dân thì các gia đình hoạt động homestay trong bản và các ban quản lý du lịch xanh phải bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi nhà sàn truyền thống, ẩm thực, trang phục, lễ hội truyền thống... sao cho văn hóa truyền thống của cộng đồng bản địa luôn được giữ gìn và phát triển./.
Hải Nam