Non nước Việt Nam

Đậm đà bánh gio Song Vân

Cập nhật: 15/04/2020 10:35:33
Số lần đọc: 1262
  Bánh gio có ở nhiều nơi nhưng mỗi nơi lại có bí quyết làm riêng. Bánh gio Song Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) khác với nhiều nơi ở nước tro dùng để làm bánh. Du xuân trên đất Cầu Vồng, khách thập phương đều mong muốn thưởng thức món bánh truyền thống từng nổi tiếng cả vùng Yên Thế hạ.


Gia đình bà Giáp Thị Giáo làm bánh gio.

Hương quê

 

Những ngày cuối năm dù rất bận rộn nhưng nhiều gia đình ở các thôn Giếng, Bùi, Đông Lai, Hồng Phúc (xã Song Vân) vẫn tranh thủ thời tiết nắng hanh để đốt tro chuẩn bị làm bánh vào dịp Tết. “Dền gai, vỏ quýt, vỏ bòng/ Dành dành, núc nác đốt làm bánh gio”, theo câu ca ấy, vào cữ tháng Tám âm lịch, người dân đã tích trữ, phơi khô các loại nguyên liệu rồi đem đốt lấy tro, rây mịn để áp Tết đưa ra đánh làm nước bánh. Mới vào đến đầu thôn đã thấy thoảng mùi thơm ngái nồng của tro được các bà, các chị đánh trộn theo công thức bí truyền.

Bà Giáp Thị Giáo, 60 tuổi ở thôn Bùi có thâm niên làm bánh hơn 40 năm. Trong câu chuyện, bà chia sẻ: “Phải đánh nước bánh thủ công thì bánh mới dẻo, thơm và quan trọng nhất là pha tỷ lệ nước tro với nước vôi trong sao cho vừa vặn. Nếu nhiều vôi, bánh sẽ chát nồng, còn ít vôi sẽ nhạt bánh không có mùi vị. Từ bà nội đến mẹ tôi về làm dâu đều được hướng dẫn cách làm bánh gio. Trước chỉ gói để cả nhà ăn vào dịp lễ, Tết, nay gia đình chuyên cung cấp cho các nhà hàng, đám cỗ ở trong và ngoài tỉnh”.

Công đoạn làm bánh rất tỉ mỉ. Để có được mẻ bánh ngon phải mất rất nhiều ngày, trong đó tìm đến 20 loại lá, cây cỏ rồi đem phơi khô, đốt lấy tro ngâm trong nước dùng dần. Gạo làm bánh là nếp cái hoa vàng của vụ mới, tuyệt đối không lẫn gạo tẻ bởi nếu vương vài hạt tẻ, bánh sẽ không dẻo, mượt, óng. Bánh được gói bằng lá dong vườn nhà, khi gói phải lỏng tay để hạt gạo nở, chín đều. Khi quấn lá cần bẻ mép hai đầu thật khít bánh mới thuôn dài, trong nuột như thạch.

Nét riêng trong vị và màu bánh gio Song Vân còn ở bí quyết khi luộc. Thay vì lót bằng lá, bà con lấy măng tre tươi nướng chín, cắt nhỏ lót dưới đáy nồi, khi luộc bánh vừa không cháy lại có mùi vị, màu sắc đặc trưng. Bánh luộc chín mất chừng 2,5-3 giờ, chưa bóc đã thơm mùi tro quện cùng hương nếp. Khi ăn, bánh gio chấm với mật mía mới cảm nhận hết vị dẻo thơm, ngọt mát rất riêng.

Giữ nghề Trò

Chuyện với ông Dương Văn Mùa, Chủ tịch UBND xã Song Vân được biết: Các bà, các mẹ cùng trang lứa với bà Giáo ai cũng biết làm bánh. Toàn xã hiện có khoảng chục hộ chuyên làm bánh bán cho người dân địa phương và cung cấp cho khách hàng ở một số tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Hằng ngày, mỗi hộ làm chừng 20 kg gạo với khoảng 360 chiếc bánh. Dịp Tết Nguyên đán làm tới hàng tạ, khách ra vào tấp nập, hộ làm bánh nổi lửa cả đêm để sớm mai kịp giao hàng.

Với chủ trương xây dựng mỗi địa phương một sản phẩm đặc trưng, xã Song Vân chọn sản phẩm bánh gio. Gia đình bà Tạ Thị Quý, thôn Giếng làm bánh gần 30 năm. Do đây là nghề cha ông để lại nên mỗi thành viên trong gia đình đều có ý thức gìn giữ nghề. Được biết, các gia đình làm bánh kinh doanh đều có kinh tế khá giả. Để tạo dựng thương hiệu, thu hút nhiều khách đặt hàng, các hộ luôn chú trọng chất lượng bánh. Mặc dù trên thị trường có sản phẩm thay thế công đoạn đốt tro nhưng các hộ dân ở Song Vân vẫn giữ cách làm truyền thống để cho ra những mẻ bánh thơm ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Không chỉ những hộ làm bánh để bán, hầu hết người dân xã Song Vân vẫn giữ lệ gói bánh gio để cúng tổ tiên mỗi dịp Tết đến Xuân về, sau là làm quà biếu, tặng người thân, bạn bè. Món quà quê bình dị ấy đã làm cho những người con vùng quê Song Vân đi đâu cũng nhớ, không chỉ bởi vị nồng thơm của bánh mà còn bởi hương vị riêng của quê hương./.

Nguồn: baobacgiang.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT