Đam mê nghệ thuật truyền thống
Thu Phương (bên trái) trong một đêm diễn.
Lựa chọn dũng cảm
Tiếp xúc với nghệ sĩ xẩm Thu Phương, nghệ sĩ hát ví dặm Thanh Phong, hay nghe anh Lại Thanh Minh hát chèo, tôi thấy họ say sưa, đầy tâm huyết. Họ là những người dũng cảm, dấn thân theo nghề.
Thu Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân không ai làm nghệ thuật ở tỉnh Quảng Ninh. Cô gái trẻ sinh năm 1985 này đã dần khẳng định được tài năng và tên tuổi của mình với loại hình hát xẩm truyền thống. Đến với bộ môn hát xẩm, chị còn bị gia đình phản đối, bạn bè ngăn cản nhưng Thu Phương vẫn luôn đam mê, đau đáu và làm nghề bằng năng khiếu và sự quyết tâm. Chị đã quyết tâm về Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam để học nghề, được học các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Thao Giang, Minh Khang, Xuân Hoạch… và ngọn lửa đam mê của chị được thắp sáng.
Đến nay, Thu Phương không chỉ là người trẻ thành công trên con đường ca hát của mình mà còn là người truyền cảm hứng cho những người trẻ giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống. “Tôi học được ở các thầy nỗi đau đáu, làm sao để thế hệ trẻ cũng tiếp nối đam mê và giữ gìn làn điệu xẩm”, Thu Phương trăn trở. Nghĩ là làm, chị đã mở những lớp dạy hát xẩm miễn phí tại Quảng Ninh.
Khác với nghệ sĩ trẻ Thu Phương, thì Lê Thanh Phong (TP Vinh, Nghệ An) được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật nên sự chọn lựa của anh được gia đình ủng hộ. Bằng niềm tin và đam mê, năm 2010, anh đã thành lập CLB UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội (sau này là Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội) để đưa ví dặm đến với công chúng trẻ. Không chỉ hát mà Thanh Phong còn sưu tầm, phục dựng làn điệu, biên soạn lời mới cho dân ca ví dặm nhiều tác phẩm được mọi người yêu thích, được mời đi biểu diễn nhiều nơi trong nước và quốc tế.
Là người xứ Nghệ - quê hương của ví dặm nên Phong đã ngấm lời hát ví của bà và mẹ từ bé. Cộng thêm chất giọng bẩm sinh rất hợp với dân ca, đó cũng là điều tạo nên quyết tâm theo đuổi dòng nhạc này. Anh tâm sự: “Khi xã hội phát triển, du nhập nhiều loại hình văn hóa, trào lưu âm nhạc vào đất nước, nếu biết chọn lọc thì rất tốt, rất hay và thị hiếu người trẻ thì hay theo cái mới. Nhưng Phong chợt nghĩ một câu nói rằng, dân ca là tài sản dân tộc. Thời gian trôi qua, lớp người trẻ ngày xưa đã trở thành nghệ nhân già hát dân ca trong hoài niệm, nên ai cũng nghĩ dân ca là của người già. Tự Thanh Phong thấy trách nhiệm của người trẻ, ngoài đón nhận cái mới thì phải nâng niu và biết hát dân ca cổ nữa”.
Tìm đất cho nghệ thuật “sống”
Thanh Phong bảo rằng, muốn nghệ thuật truyền thống mới, thì chỉ sự quyết tâm thôi là chưa đủ. Phải không ngừng tạo thêm sức sống mới cho dân ca. Vậy nên, Phong đã vận dụng những làn điệu ví, dặm cổ và các làn điệu cải biên như “Làn khuyên”, “Tứ hoa”, “Ví giận thương” để soạn lời mới đề tài về tình yêu, cuộc sống đương đại. Đặc biệt, Phong đã đưa điệu “Tứ hoa” lồng vào một ca khúc âm hưởng đương đại gọi là “Tân cổ Tứ hoa Nghệ Tĩnh”. Hay để có một chất liệu nền mới, dễ cảm, dễ nghe và dễ hát hơn cho các nghệ sĩ trẻ, Phong thường nhờ những nhạc sĩ trẻ về viết nhạc cho đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội.
Cũng với tâm thức phải tạo nên không khí mới cho nghệ thuật, nghệ sĩ trẻ Lại Thanh Minh (công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định), thường đến các trường học, giao lưu biểu diễn chèo, nói chuyện giúp các em học sinh hiểu về cái hay cái đẹp của nghệ thuật chèo, từ đó giúp các em thêm hiểu, thêm yêu nghệ thuật chèo truyền thống. Từ năm 2015, Minh cộng tác với trang Facebook “Đình làng Việt”, phục vụ bà con xem chèo miễn phí, tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận trực tiếp với sân khấu chèo, hiểu và yêu mến nghệ thuật chèo hơn.
Trở lại với nghệ sĩ Thu Phương, sắp tới chị có rất nhiều định hướng viết sách, ra sách, biểu diễn ở các sân khấu chợ đêm Đồng Xuân, sân khấu đền Bạch Mã, Ô Quan Chưởng… ở bên hồ Hoàn Kiếm. Chị còn tham gia Dự án Xẩm đến văn hóa Thăng Long, đồng thời hướng đến sẽ phát triển qua kênh online bằng các khóa học miễn phí, có phí và chuyên sâu để dành cho những người muốn theo con đường chuyên nghiệp về nghệ thuật hát xẩm. Hiện, chị đang thực hiện các album hát xẩm trên phần mềm Spotify và chia sẻ trên trang Fange, Zalo, Instagram, Facebook cá nhân, chia sẻ trên các hội nhóm. Thật đáng mừng là những cộng đồng người Việt ở Đức, Pháp, Mỹ… cũng đang rất thích nghệ thuật hát xẩm.
Ở các bộ môn khác như: tuồng, ca trù, quan họ… vẫn có những người trẻ dấn thân theo nghề. Họ đã chọn một lối đi rất nhọc nhằn. Nhưng bằng sự đam mê, năng khiếu, nhiệt huyết và đầy bản lĩnh họ đã khẳng định được khả năng của mình. Điều đó cũng khiến những người thầy, các nghệ sĩ lớn tuổi vui mừng vì đã có lớp “truyền nhân” tâm huyết, dám làm. Không ai khác, chính người trẻ là hạt nhân giữ gìn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống.
Thanh Loan