Để du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển bền vững
Các loài hoa dại nét đẹp riêng có của Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Đặng Văn An
Phải hiểu “nhu cầu” của khách
Các con số ấn tượng đó là, hạ tầng du lịch không ngừng phát triển, hiện có trên 2.000 cơ sở lưu trú, tăng hơn 10% so với năm trước; số khách sạn được cấp sao cũng tăng nhiều lên đến gần 500 khách sạn từ 1 đến 5 sao. Khách sạn cao cấp từ 3 đến 5 sao tuy chưa nhiều nhưng cũng tăng về cơ sở và số phòng. Các dịch vụ phục vụ khá đa dạng cùng với chất lượng được nâng cao. Các đơn vị kinh doanh lữ hành cũng phát triển và tăng dần hiệu quả hoạt động. Cùng với trên dưới 100 khu điểm tham quan du lịch kể cả có thu phí và không thu phí trên địa bản tỉnh - một trong những địa phương có nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nhất nhì cả nước. Năm 2019, có trên 7 triệu lượt khách du lịch đến Lâm Đồng, doanh thu trên địa bàn hơn 12 ngàn tỉ đồng. Với những điều kiện đó cho phép chúng ta tính đến việc dần thay đổi về cơ cấu khách, hay nói cách khác là chất lượng thị trường khách du lịch ngày càng đổi thay theo chiều hướng cao cấp.
Ai cũng biết những người đi du lịch không phải đến một nơi nào đó chỉ để ăn, ngủ, nghỉ; nhu cầu hàng đầu của khách là thăm thú, vui chơi, thưởng ngoạn và thẩm nhận các giá trị văn hóa của nơi đến. Để thu hút du khách thì phải đáp ứng nhu cầu của khách, đó là một nguyên tắc không thay đổi ở bất kể không gian và thời gian nào. Chỉ 2 từ “nhu cầu” nghe thì đơn giản nhưng thực hiện được nó là những vấn đề lớn mà ngành du lịch thế giới không ngừng nghiên cứu, không ngừng thay đổi cho phù hợp.
Vấn đề quan tâm
Chúng ta vui với những tiến bộ mà ngành du lịch tỉnh nhà đạt được cho đến nay, nhưng để phát triển và phát triển bền vững theo tôi có mấy vấn đề cần bàn thêm.
Trước hết, phải khẳng định rằng khách thập phương đến với Lâm Đồng là vì có thành phố Đà Lạt nổi tiếng hơn một thế kỷ nay với khí hậu quanh năm mát mẻ và cảnh quan tươi đẹp bởi những bạt ngàn thông xanh, ngàn vạn loài hoa khoe sắc. Nhưng những tài nguyên thiên nhiên như rừng thông, hồ, suối, cảnh quan đang bị hủy hoại, mất dần đến mức nghiêm trọng. Thành phố đang bị bê tông hóa ngày càng cao, rừng cây bị lấn đuổi kể cả trên đồi lẫn dưới thung lũng! Suối, hồ bị vẩn đục, nhiều rác, thậm chí bị san lấp; các loài hoa dại, một nét đẹp gần như riêng có của Đà Lạt t cũng lùi ra xa thành phố. Nét thơ mộng đáng yêu dần chỉ còn lại trong ký ức của người Đà Lạt và chỉ còn lại trong văn thơ cho du khách tìm đọc mà thôi. Tính bền vững của du lịch Đà Lạt đang bị mất dần.
Nguyên nhân dẫn đến tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại thì có nhiều, có thể do một số hộ dân thiếu ý thức vì cái đẹp chung của thành phố mà đã phá rừng, san đồi, lấp suối phục vụ cho sản xuất, làm nhà, lập xưởng... Cùng lúc, do một số cơ quan chức năng tiêu cực, buông lỏng quản lý hoặc “bắt tay” với nhau cưỡng bức môi trường thiên nhiên. Một nguyên nhân đáng kể nữa là hàng chục, thậm chí hàng trăm những dự án lớn nhỏ, vì lợi ích trước mắt mà tác động không thương tiếc đến tự nhiên, làm biến dạng bộ mặt đáng yêu của thành phố này. Có những nhà đầu tư chỉ lập dự án xin cấp phép, san ủi rồi bán lại kiếm lời. Vấn đề được đề xuất ở đây là các cơ quan có thẩm quyền cần siết chặt quản lý theo hướng không hy sinh môi trường cảnh quan thiên nhiên vì lợi ích kinh tế, trong lúc đầu tư phát triển kinh tế, phải đặt vấn đề bảo vệ và tôn tạo môi trường thiên nhiên lên hàng đầu trước khi tính đến lợi ích kinh tế. Người ta vẫn thường nói Đà Lạt là một cô gái đẹp cần kén những chàng rể khỏe mạnh, nghiêm túc làm ăn chứ không phải chọn những kẻ yếu kém, bệnh hoạn, thiếu đứng đắn nhưng nhiều lễ vật. Vừa qua, Sở VH-TT- DL tổ chức hội thảo về đề tài xây dựng hành vi ứng xử văn hóa người Đà Lạt, tôi nghĩ là cần thiết, ít nhất cũng gây được ý thức cho mọi người, nhưng có lẽ còn khó thực hiện. Nên chăng ta cần làm ngay một số việc cần thiết trước mắt mà cũng là cho cả lâu dài, đó là đưa ra những qui định hành chính xử phạt bằng tiền những người kém ý thức vứt, xả rác không đúng nơi quy định, phá hoại cây xanh, bẻ hoa, san ủi đồi núi một cách bừa bãi... Đơn giản nhưng hiệu quả rồi sẽ thành thói quen, thành nét văn hóa cho mọi người, kể cả cư dân địa phương lẫn du khách. Nghiêm khắc gìn giữ và tích cực phục hồi lại môi trường, cảnh quan không những tạo tính bền vừng cho du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng mà còn là lợi ích bền vững cả tinh thần lẫn vật chất cho cuộc sống của thành phố nhiều thế hệ sau này.
Vấn đề tiếp theo là khách sạn, nhà hàng, quán cafe và các điểm tham quan mọc lên rất nhiều trong trung tâm thành phố Đà Lạt và xung quanh thành phố, nhưng chủ yếu phục vụ cho người lớn, thiếu hẳn các sản phẩm phục vụ cho đối tượng thiếu niên, nhi đồng. Ngày nay cuộc sống có khá hơn và mỗi gia đình thường chỉ có 2 con, các cháu đã trở thành trung tâm của ông bà, ba mẹ. Những ngày nghỉ hè, nghỉ lễ, tết; người lớn thường cho phép các cháu được quyền chọn nơi đi du lịch xem như phần thưởng dành cho những ngày tháng cố gắng học hành của các cháu. Bởi vậy, nơi đâu có sản phẩm du lịch dành cho thiếu nhi, nơi đó sẽ thu hút không chỉ khách nhỏ tuổi mà còn hút theo nhiều khách ông bà, bố mẹ, anh chị... Khu du lịch thiếu nhi không chỉ là nơi vui chơi, ăn uống phù hợp, hấp dẫn cho các cháu mà còn là nơi mang tính giáo dục. Nên chăng chọn khu đồi 12 ha phía Đông hồ Xuân Hương, dọc đường Bà Huyện Thanh Quan, nơi thuận tiện đi lại và là một trong những nơi đẹp nhất của Đà Lạt dành cho dự án phục vụ thiếu nhi. Đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, hướng nhà đầu tư đi vào xây dựng nơi đây thành khu rừng của những câu chuyện cổ tích phục vụ các bạn nhỏ. Có thể đó sẽ là sản phẩm độc đáo của Đà Lạt được khắp nơi quan tâm.
Để du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển thì vấn đề nguồn nhân lực cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng, thậm chí có tính quyết định. Hiện nay nhân lực hoạt động trong ngành du lịch toàn tỉnh có trên 12.000 người, trong đó số qua đào tạo các kiểu từ ngắn hạn, dài hạn, chính quy, tại chức, tập huấn, bồi dưỡng... đạt khoảng 80%. Trên địa bàn Đà Lạt có Trường Cao đẳng Du lịch chuyên đào tạo nghề du lịch, ngoài ra còn có 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng có đào tạo về du lịch, hàng năm cho ra lò khoảng 1.000 sản phẩm từ trình độ sơ cấp đến đại học, tỉ lệ có việc làm nghe nói cũng khá cao. Có lẽ những con số trên đây không tránh khỏi những trùng lắp, chưa kể báo cáo từ một số cơ sở mang tính thành tích, đối phó. Dù sao thì cũng tạm xem đó là những con số đáng khích lệ. Vấn đề cần quan tâm hơn ở đây là chất lượng đào tạo, mà chất lượng thì tùy thuộc vào nội dung, đội ngũ và phương pháp đào tạo. Bởi vậy, những thầy cô ở các trường ngoài trình độ đã được đào tạo thì cần thiết phải kinh qua thực tiễn, hoặc, và phải thường xuyên thâm nhập thực tế hoạt động du lịch, để luôn gắn giữa lý thuyết và thực tế trong giảng dạy cũng như hướng dẫn thực tập thì công tác giảng dạy mới thực sự sinh động, hiệu quả. Ở một số nước tiên tiến, người ta thường phối kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo đem lại kết quả rất tốt. Ở ta, ngành du lịch tỉnh nên chăng xây dựng mô hình 3 nhà, gồm nhà trường, nhà doanh nghiệp và nhà nước (cơ quan quản lý du lịch) thành một hội đồng đào tạo nghề du lịch, “3 nhà” sẽ cùng nhau chọn nội dung, chương trình đào tạo và lẽ tất nhiên theo chương trình của Tổng Cục Du lịch, nhưng cần chọn lọc linh hoạt cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Kế đó cũng thử tìm xem nhân viên du lịch của Đà Lạt - Lâm Đồng cần có thêm nội dung gì khác hơn, độc đáo hơn so với những nơi khác ví như “phong cách người Đà Lạt” chăng? Hội đồng thống nhất tiêu chuẩn đầu vào của học viên, bồi dưỡng nâng cao đội ngũ giảng dạy kể cả mời những người có trình độ, có tay nghề cao đang hoạt động thực tiễn ở các doanh nghiệp tham gia giảng dạy và “3 nhà” cùng tổ chức thi tốt nghiệp, đánh giá chất lượng sản phẩm ra lò và tuyển dụng... Gần như từ A đến Z trong một quy trình đào tạo nhằm đạt chất lượng thực sự cao; từ đó phần lớn người học ra trường sẽ có việc làm, uy tín nhà trường sẽ lan xa, thuận lợi cho việc tuyển sinh tiếp theo, doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên chất lượng cho kinh doanh, còn ngành du lịch tỉnh thì phát triển lên tầm cao mới ngày càng bền vững.
Đại dịch virus Vũ Hán đang làm cả thế giới đóng sập cửa lại với nhau, ngoài việc phải lo hàng đầu là sức khỏe và tính mạng của con người thì nền kinh tế của thế giới cũng bị thiệt hại nặng nề, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực bị đình trệ, trong đó ngành du lịch nói chung và của Lâm Đồng nói riêng cũng đang “đứng hình” tại chỗ. Nhưng nhân loại sẽ chiến thắng và du lịch sẽ lại phát triển sôi nổi. Nên chăng cần chuẩn bị tốt để có thể sẵn sàng đón mùa bội thu sau những tháng ngày căng mình chống chịu với dịch bệnh.
TRỌNG HOÀNG