Hoạt động của ngành

Thời điểm thích hợp để thay 'áo mới' cho du lịch Huế

Cập nhật: 16/04/2020 15:38:06
Số lần đọc: 872
Dịch bệnh COVID-19 đang gây ra nhiều thiệt hại đối với ngành du lịch, dù thế, nếu có thể, cần tận dụng thời điểm vắng khách này để cải tạo cơ sở vật chất, hướng đến phục vụ khách tốt hơn sau khi dịch kết thúc.

Đường đi bộ bên cạnh đường 23 tháng 8 hứa hẹn tạo điểm nhấn mới cho du khách khi đến Huế

Chỉnh trang nhà hàng, khách sạn

Gần đây, con đường đi bộ mới nằm song song với tuyến đường du lịch 23 Tháng 8 (phường Thuận Thành, TP. Huế) dần được hoàn thiện. Tuyến đường kéo dài từ cửa Thượng Tứ đến cửa Ngăn, nằm dưới những tán cây lớn râm mát, hứa hẹn sẽ tạo cho Huế con đường đi bộ đẹp, phục vụ du khách tốt hơn, bởi trước đây tuyến đường 23 Tháng 8 đôi lúc chật chội và du khách phải đi trên đường đất dễ trơn trượt khi trời mưa. Những người làm du lịch đánh giá, chắc chắn sau khi tuyến đường này hoàn thiện, đi vào sử dụng và Huế bắt đầu đón du khách quay trở lại sẽ tạo được rất nhiều ấn tượng.

Đối với doanh nghiệp, dịch bệnh làm cho các hoạt động du lịch phải tạm ngừng toàn bộ. Thiệt hại là khó tránh khỏi, dù thế, theo một số doanh nghiệp, đây là thời điểm thích hợp để chỉnh trang cơ sở vật chất, “thay áo” mới cho nhà hàng, khách sạn.

Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ cho biết, hiện tại, các nhà hàng của công ty đã lên kế hoạch chỉnh trang, làm mới. Hiện đang trong giai đoạn “cách ly xã hội” để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Do đó, công ty tạm thời chưa triển khai thi công. Sau khi các hoạt động trở lại bình thường, công ty sẽ tiến hành sửa chữa trước khi du lịch Huế “nhộn nhịp” trở lại.

Không chỉ cải tạo cơ sở, thời điểm này cũng thuận lợi để các doanh nghiệp “tăng tốc” triển khai các dự án, sớm đưa vào khai thác. Tại Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Mỹ An (Phú Vang), trước thời điểm có quy định về “cách ly xã hội”, quá trình thi công được duy trì với tốc độ nhanh. Chủ đầu tư của dự án này đặt mục tiêu khi dịch bệnh được khống chế, sẽ đưa khu nghỉ dưỡng vào khai thác chính thức. Chỉ cách TP. Huế khoảng 5km, vì thế, điểm du lịch này hứa hẹn sẽ không chỉ thu hút khách du lịch và tạo ra điểm vui chơi, giải trí mới cho người dân Huế.

Đại diện Khách sạn Century cũng thông tin, theo kế hoạch của tập đoàn BRG (chủ sở hữu khách sạn), trong thời gian ngắn đến, khách sạn sẽ được sửa chữa, nâng cấp. Theo đó, khách sạn chỉ giữ lại tòa nhà chính, các khu vực xung quanh sẽ được xây dựng mới, với quy mô và trang bị cơ sở vật chất hiện đại nhất để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh cho biết, qua nắm bắt tình hình tại các khách sạn, nhà hàng, gần như tất cả đều có kế hoạch nâng cấp lại cơ sở vật chất. Đây đúng là thời điểm hết sức khó khăn của các doanh nghiệp, nhưng cũng được xem là thời gian thích hợp để các doanh nghiệp triển khai chỉnh trang lại “bộ mặt” cơ sở của mình.

Hướng đến tính chuyên nghiệp

Theo các chuyên gia du lịch, vào thời điểm này, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và doanh nghiệp phải dự trên những ảnh hưởng, mất mát do dịch COVID-19 gây ra để rút ra những bài học, tạo ra những cơ hội để khôi phục và phát triển bền vững sau dịch. Các doanh nghiệp cần bình tĩnh đánh giá tổn hại, cái được cái mất để tái cơ cấu phù hợp để sau này nếu có sự cố lặp lại hạn chế được các rủi ro.

Theo ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch, khi hết thời gian “cách ly xã hội” và giai đoạn khách chưa bắt đầu trở lại Huế, các doanh nghiệp nên đào tạo lại nguồn nhân lực, sẵn sàng cơ sở vật chất và sản phẩm, dịch vụ mới. Về phía cơ quan quản lý sẽ đồng hành và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi cần.

Ông Lê Ngọc Sanh đánh giá, khi khách đến Huế đông, việc tạm dừng hoạt động để sửa chữa, hay vừa đón khách vừa nâng cấp cơ sở vật chất sẽ khó khăn hơn. Do đó, các doanh nghiệp nếu có kế hoạch và nguồn vốn tốt cần triển khai trong thời gian này. Nếu mỗi doanh nghiệp, khách sạn thay đổi một ít, các điểm du lịch cũng được cải tạo, sửa chữa các hạng mục cần thiết, chắc chắn một điều rằng, du lịch Huế sẽ rất khác.

Những ngày này, đi qua đường cửa Ngăn, sẽ thấy nhiều chiếc xích lô nằm “phơi nắng”, đã bạc màu sơn. Xích lô Huế lâu nay khá nhiều chủng loại màu sơn, chưa có sự thống nhất và tính chuyên nghiệp. Dẫu biết là khó, song nếu có thể, thời điểm không có khách này, cần có cuộc “thay áo” cho xích lô du lịch Huế. Đồng nhất về màu sơn, trang phục, để khi khách trở lại Huế sẽ thấy hình ảnh xích lô du lịch chuyên nghiệp và đẹp hơn.

Lãnh đạo ngành du lịch Huế cũng khuyến khích các doanh nghiệp có nguồn lực, có thể chỉnh trang lại cơ sở vật chất; hoặc nâng cấp một số hạng mục, dịch vụ. Để khi du lịch Huế đón khách trở lại, sẽ nâng được chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp cho du lịch Cố đô và quan trọng hơn là có thể nâng mức chi tiêu của khách.

Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn: baothuathienhue.vn

Cùng chuyên mục