Đến Hội An đi chợ làng chài
Biểu diễn nghệ thuật đường phố ở chợ phiên Tân Thành. Ảnh: HUỲNH TOÀN
Trong cái khó, ló cái hay
Đã thành thói quen từ ba tháng nay, vợ chồng chị Trần Thị Kim Soi - chủ thương hiệu đồ thủ công tái chế SOI Handmade, cùng các cộng sự của mình, đều theo dõi thời tiết mỗi cuối tuần và mong trời đẹp để tham gia phiên chợ làng chài Tân Thành. Dịch bệnh kéo dài cùng mùa mưa bão khắc nghiệt năm qua khiến lượng khách du lịch giảm mạnh, gây khó khăn cho công việc kinh doanh trong phố cổ Hội An của anh chị cũng như rất nhiều gia đình tiểu thương khác. Chợ phiên ra đời từ cuối tháng 9-2020 đã góp phần giúp họ có thêm nơi giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, có thu nhập. Gian hàng của chị Soi cùng hơn 100 gian hàng đồ xưa, đồ thủ công mỹ nghệ, may mặc, ẩm thực... được bài trí xinh xắn và bắt mắt dọc con đường Nguyễn Phan Vinh, ngay sát bãi biển An Bàng nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ. Trong chuỗi sự kiện chào năm mới 2021 và kích cầu du lịch nội địa của Hội An vừa qua, chợ phiên Tân Thành là một điểm sáng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống như hò khoan, hát bài chòi, múa, hoạt cảnh đường phố, trình diễn áo dài, xe cổ, vẽ tranh..., đan xen với nhảy zumba hiện đại và biểu diễn âm nhạc của cộng đồng người nước ngoài ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Chợ phiên Tân Thành là sáng kiến của một nhóm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành ở khu vực biển Tân Thành. Trong giai đoạn du lịch Hội An vắng vẻ, trầm buồn nhất, họ họp nhau, bàn cách để tiêu thụ hàng hóa tồn đọng và tạo luồng sinh khí mới. Chợ phiên cuối tuần là mô hình thích hợp, không chỉ để thanh lý hàng nội thất, đồ ăn thức uống nhà hàng, mà còn có thể giúp người dân làng chài bán sản phẩm tự nuôi trồng, đánh bắt. Người có kinh nghiệm và uy tín, hoạt động năng nổ nhất được bầu làm Trưởng ban tổ chức chợ. Đó là anh Lê Quốc Việt, chủ cơ sở lưu trú Santa Villa, một người Hà Nội có cơ duyên đến Hội An rồi say mê cái đẹp, cái tình nên đã định cư ở đây nhiều năm. Anh chia sẻ: “Ý tưởng ban đầu khi xây dựng chợ là nơi thanh lý, trao đổi đồ trong quy mô các doanh nghiệp và hộ dân khu vực làng chài. Thế rồi nhờ lợi đơn, lợi kép nên chợ nhanh chóng được mọi người hưởng ứng, tham quan, mua bán tấp nập. Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam và các cấp chính quyền TP Hội An ủng hộ và hỗ trợ ngay. Các thành viên sáng lập có thêm động lực để cố gắng duy trì, đẩy mạnh hoạt động của chợ. Đối với chúng tôi, đây không chỉ là một việc làm mang lợi ích kinh tế, mà quan trọng hơn còn tạo nên một điểm đến mang bản sắc văn hóa của cộng đồng”.
Người ta thường nói ở mỗi miền đất thì chợ chính là nơi hội tụ mọi sắc thái văn hóa đầy đủ và chân thực nhất. Quả vậy, dạo quanh chợ phiên Tân Thành, du khách có dịp thưởng thức hương vị từ khắp các vùng của xứ Quảng, từ những món ăn đặc sản Hội An như cao lầu, chè đậu, cho đến các sản phẩm nông nghiệp như rau Trà Quế, mắm Cửa Khe... Người thích thời trang có nhiều lựa chọn từ những gian hàng khăn, áo thêu tay, đồ da thủ công, trang sức bạc... với mức giá rất “mềm” so với các cửa tiệm trong phố thời đông khách. Ai thích đồ cũ, đồ “độc” thì càng mê mẩn, bởi chợ có rất nhiều sản phẩm sáng tạo làm từ gốm, gỗ, len, vải thổ cẩm... và đồ trang trí của các khách sạn, nhà hàng, quán cà-phê. Đến đây, người lớn mua sắm và chuyện trò, trẻ con cũng được tụ tập với nhau và có không gian chơi đùa, học làm đồ thủ công, tập vẽ. Chị Lương Hà, một trong những người sáng lập và điều hành chợ, cho biết: “Chợ phiên Tân Thành luôn rộng mở với các thành viên mới. Tuy nhiên, ban tổ chức cũng đặt tiêu chí rõ ràng cho các gian hàng để giữ được bản sắc chợ, như ưu tiên hàng thủ công, sản phẩm có nguồn gốc tại địa phương, đồ tái chế, thân thiện với môi trường. Nếu đăng ký bán đồ ăn khô hoặc chế biến tại chỗ thì phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Nhằm tránh tình trạng như chợ phiên ở nhiều nơi tuy gắn mác “truyền thống” nhưng sau một thời gian thường bị trà trộn hàng sản xuất hàng loạt, hàng nhái, chất lượng kém, các quầy hàng ở chợ phiên Tân Thành được tuyển chọn kỹ và kiểm tra thường xuyên. Nhờ đó hầu hết đều mang đến màu sắc mới lạ, chất lượng ổn định. SOI Handmade chuyên sản phẩm sáng tạo, tái chế, như dùng vải vụn của các cửa hàng thời trang để làm kẹp tóc, băng-đô, nơ... hoặc mảnh gỗ của tàu thuyền cũ để làm tranh, tượng. Hoa Mẫn Vy của chị Nguyễn Thị Mẫn Vy sử dụng nguyên liệu thiên nhiên như bã cà-phê, chanh, sả, bưởi... để tạo ra 30 sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ, đã đoạt một số giải thưởng về sáng tạo và khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền trung - Tây Nguyên. Đậu phụ thật của chị Nguyễn Thu Thảo mang đến đậu khuôn làm từ đậu nành không biến đổi gien, có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị xưa. Hay ống hút ngũ cốc Vinastraws làm từ gạo và tinh bột sắn, có thể ăn được... Một điều đặc biệt và đáng hoan nghênh nữa là chợ khuyến khích không sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Người bán hàng ở đây sáng tạo nhiều cách để gói đồ như dùng lá chuối, giấy báo cũ, dùng túi vải hoặc túi tái chế từ vỏ bao bì thức ăn gia súc… để góp phần giảm rác thải, bảo vệ môi trường.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người biết đến cái tên làng chài Tân Thành của Hội An. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh nhận định: “Chợ phiên tạo nên một điểm đến mới lạ, góp phần hút khách tới Hội An, đồng thời cũng giúp giãn khách ra ngoài khu trung tâm phố cổ. Khu vực này còn sở hữu bãi biển dài, thoai thoải và sạch đẹp, nên sau khi đi chợ du khách có thể tắm biển, thư giãn hay thưởng thức hải sản tươi ngon”.
Sức hút từ một cộng đồng gắn kết
Sau phiên khai mạc thành công, thu hút được hơn 5.000 lượt khách, chợ lại gặp khó, thường xuyên bị hoãn bởi những cơn bão mạnh, những trận mưa dầm cuối năm 2020. Không nản lòng, ban tổ chức và các chủ gian hàng tìm nhiều cách để duy trì và liên kết, mở rộng chợ, từ cách kêu gọi truyền miệng cho đến quảng cáo trên mạng xã hội. Sự kiên trì, chủ động, cùng mục tiêu nhân văn đã giúp huy động thêm được nhiều nguồn lực tham gia như: Công viên Ấn tượng Hội An, nhà may Miss Hội An, câu lạc bộ xe Vespa Hội An, ban nhạc Motamba (Phi-li-pin), dự án Trường Sơn Xanh do USAID (Mỹ) tài trợ... Các nghệ sĩ của Nhà hát Ký ức Hội An mang đến chợ nhiều tiết mục biểu diễn sôi động luôn được người xem vây kín hưởng ứng, mà bình thường họ biểu diễn trong sân khấu có bán vé. Từ 1-1-2021, dịch vụ xe buýt công cộng của TP Hội An Shuttle Bus cũng đã chính thức mở thêm tuyến cố định từ trung tâm phố cổ đi làng chài Tân Thành và ngược lại. Hơn cả một khu chợ để mua bán hàng hóa, chợ phiên Tân Thành trở thành nơi giao lưu, gửi gắm cả những tâm tình, hy vọng và mang cộng đồng đến gần nhau thêm. Nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa đã được tổ chức như: Chung tay dọn sạch bãi biển An Bàng, dạy miễn phí tiếng Anh giao tiếp và kỹ năng bán hàng cho cư dân… Mỗi thành viên của chợ, không phân biệt là người điều hành, người bán hàng hay biểu diễn nghệ thuật, đều tâm huyết và mong muốn góp sức cho chợ, lan tỏa những điều tốt đẹp. Thật xúc động khi biết rằng màn trình diễn áo dài truyền thống ở chợ được chính các bà, các mẹ, các chị làng chài làm “người mẫu”, những phụ nữ chân quê quanh năm tần tảo, có người thậm chí chưa từng được mặc áo dài và trang điểm, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp rạng ngời... Chợ còn có lão ngư Lê Chữ, đã 90 tuổi vẫn cất vang điệu hò khoan xứ Quảng dí dỏm, sảng khoái. Những người dân địa phương có sản phẩm “cây nhà, lá vườn” như rau xanh tự trồng, cua cá tự đánh bắt, nước mắm tự làm, bánh, mứt, trái cây… muốn bày bán đều được chào đón và sắp xếp gian hàng miễn phí.
Không chỉ thu hút du khách trong nước và cư dân phố cổ Hội An, chợ phiên còn được lòng khách nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở các tỉnh miền trung, hoặc đi du lịch nhưng chưa thể về nước do dịch bệnh. Nhiều người chia sẻ, họ cảm thấy an toàn và ấm áp khi đón năm mới ở Việt Nam, và đến chợ phiên Tân Thành cho họ cảm giác như khi tham gia các phiên chợ cuối tuần, chợ ngoại ô… ở quê nhà. Chẳng hạn như gia đình chị Na-đin Di-gen-đo (quốc tịch Ô-xtrây-li-a) đã sống ở Hội An 10 năm, cũng tham gia chợ phiên Tân Thành với một gian hàng nhỏ do các con chị tự bán, trao đổi và cả tặng đồ dùng gia đình và đồ tự làm, để trải nghiệm lao động và rèn tính tự lập. Theo ban tổ chức chợ, dịp Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch vừa qua, lượng khách nước ngoài đạt khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái - một con số ấn tượng trong giai đoạn nhiều khó khăn này. Trên trang cá nhân Facebook, Zalo của anh Lê Quốc Việt và nhiều thành viên chợ là những hình ảnh và chia sẻ ấm áp về đêm Tất niên đón năm 2021, cộng đồng du lịch làng chài mở tiệc với đồ ăn, âm nhạc và không khí cởi mở, trò chuyện thân tình, không còn khoảng cách giữa chủ và khách phương xa, dù là khách miền bắc hay nam, khách Âu hay Á. Trong những cái ôm chặt, những bàn tay nắm, không ai cảm thấy đang bị “mắc kẹt” mà chỉ thấy tình người chân thành và những ước mong về một năm mới bình an.
Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, chợ phiên làng chài Tân Thành là một trong những nỗ lực hướng đến du lịch bền vững trong năm 2020 đầy biến động, thách thức. Hiện Hội An có hai chợ phiên, nếu phát triển thêm theo hướng sinh thái, cộng đồng thì có thể hình thành được mạng lưới chợ du lịch đặc sắc, góp phần xây dựng và củng cố thương hiệu du lịch Hội An hậu Covid-19. Sự chung sức của doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương đã tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo như chợ phiên Tân Thành, vừa bài bản, chỉn chu nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc và chất riêng. Khi giá trị văn hóa cốt lõi của cộng đồng được gìn giữ, phát huy thì đó cũng là nguồn sinh khí mạnh mẽ và dài lâu cho các hoạt động kinh tế như sản xuất, du lịch. Chắc hẳn, nhiều du khách khi đến với Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung trong thời gian tới sẽ không thể bỏ qua chợ phiên làng chài Tân Thành.